Xin đừng chúc phụ nữ xinh đẹp và trẻ trung nữa!
(Dân trí) - Vì sao chúng ta cứ mãi chúc những người phụ nữ "xinh đẹp và trẻ trung" mà lại không phải là "vui vẻ, khỏe mạnh, thành công, mạnh mẽ, tự tin..."? Vì sao vẻ bề ngoài lại quan trọng tới vậy?
Câu chuyện dưới đây được kể bởi bạn Ngô Thùy Trang - Quản lý nội dung của "Chương trình Tâm lý học thiết yếu", từng tốt nghiệp chuyên ngành Nghiên cứu Tâm lý học tại Đại học Birmingham (Anh).
Ngoại hình quan trọng đến thế sao?
Hôm qua nhân Ngày phụ nữ Việt Nam, giữa bao điều đẹp đẽ, vì sao chúng ta cứ mãi chúc những người phụ nữ "xinh đẹp và trẻ trung" mà lại không phải là "vui vẻ, khỏe mạnh, thành công, mạnh mẽ, tự tin, tự do, hay hạnh phúc"? Vì sao vẻ bề ngoài lại quan trọng tới vậy và vì sao việc miệt thị hình thể bằng lời nói (body shaming) lại được chấp nhận trong xã hội?
Mình được bố yêu chiều đặt cho cái tên cái tên Thùy Trang, tức Thùy Mị Đoan Trang, kèm theo đó là mong muốn con gái lớn lên đạt chuẩn gái Hà Nội: xinh xắn, cao ráo, trắng trẻo.
Trớ trêu thay, vừa bắt đầu vào mẫu giáo, mình đã được các bạn đặt cho biệt danh là "Trang béo". Từ ngày đó đến tận bây giờ, mình liên tục được cả nhà nhắc nhở "Ăn ít thôi không béo con nhé".
Có một khoảng thời gian khi còn học đại học, suốt hai năm liền, mình duy trì việc đi tập 2 lần sáng/tối và chỉ cho phép mức năng lượng nạp vào chỉ từ 700 - 800 kcal/ngày. Vào những ngày nhỡ ăn quá "quy định", mình sẽ tự ép bản thân ói ra và đi tập bù.
Trong khoảng thời gian cao điểm nộp khóa luận, đã có lần, mình ngất ngay cạnh bếp do thiếu năng lượng và làm việc quá sức. Đó là lần đầu tiên, mình nhận ra hệ quả của việc cố gắng chạy theo tiêu chuẩn của người khác.
Cũng dễ hiểu thôi, vào thời đại của bố mẹ chúng mình, chuẩn mực của vẻ đẹp phải là "mình hạc xương mai". "Vai em gầy guộc", "bàn tay xanh xao", "nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối" là những mỹ từ được dành cho các nàng thơ ngày ấy. Cùng giai đoạn đó, sự hạnh phúc của người phụ nữ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào việc tìm được một tấm chồng tốt, mà việc này lại phụ thuộc khá nhiều vào vẻ bề ngoài.
Cứ như vậy, theo thời gian, giá trị của người phụ nữ trong xã hội dần được đồng hóa với ngoại hình của họ. Thậm chí, trong cuốn sách "Trả giá cho cái đẹp (Beauty Pays)", nhà Kinh tế học David Hamermesh còn cho rằng những người có vẻ ngoài hấp dẫn hơn dễ tìm việc, được trả lương cao hơn và có người tình ở giai cấp cao hơn.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của phụ nữ trong các ngành nghề thống trị bởi nam giới, thường bị áp đảo mạnh mẽ bởi hình ảnh những người phụ nữ xinh đẹp và thành công trong vai trò người mẫu, ca sĩ hay diễn viên điện ảnh.
Vì những lý do trên, trong một xã hội đề cao vật chất và sự hào nhoáng, bất kỳ người phụ nữ nào có sự "lệch chuẩn" như có làn da nâu, thân hình quá mập mạp, hay mái tóc không vào nếp đều được cho là "thấp kém". Họ phải đứng trước nguy cơ bị phân biệt hay trêu ghẹo, hay nặng nề hơn là bị kỳ thị và miệt thị.
Những hành vi này thậm chí được bình thường hóa trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như bộ phim "Cô gái xấu xí (Ugly Betty)", "Sắc đẹp ngàn cân" hay trong những câu nói bông đùa tưởng chừng như vô hại trong đời sống hàng ngày.
Phụ nữ có "trách nhiệm phải đẹp"?
Sự phân biệt, miệt thị hay kỳ thị ngoại hình không giúp một người cải thiện vẻ đẹp, mà ngược lại, còn có thể khiến họ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như ngăn cản họ trở thành phiên bản hoàn thiện nhất của chính mình. Đặc biệt là khi, những lời châm chọc này hướng vào các cô gái trong độ tuổi 10-24, độ tuổi mà người trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ý kiến của người khác.
Một khảo sát về thái độ của các cô gái trẻ vào năm 2016 tại Anh quốc đã cho thấy, gần một nửa người tham gia cho rằng, họ không dám làm những điều mình yêu thích chỉ vì họ nghĩ, điểm yếu của họ chính là vẻ bề ngoài.
Ngoài ra, tổ chức phòng chống bạo lực của Hoa Kỳ "Stop Bullying" cũng cho biết, những trẻ tự ti về ngoại hình dễ bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc bị trêu chọc và bắt nạt. Từ đó, trẻ mất dần lòng tự tôn, xa lánh bạn bè và có những biểu hiện hành vi tiêu cực khác.
Giáo sư và Bác sĩ Tâm thần Melissa Pereau còn cho hay, việc trêu chọc một người vì ngoại hình của họ còn khiến họ dễ vướng phải các hành vi gây hại cho sức khỏe như ăn - ói (ăn vô độ sau đó ép bản thân phải ói ra), giảm cân quá mức gây ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc mắc phải các rối loạn tâm lý khác như rối loạn chán ăn (anorexia nervosa) hay rối loạn trầm cảm.
Một nghiên cứu khác được đăng trên tạp chí y khoa "Béo phì" còn chỉ ra rằng, những người có cái nhìn tiêu cực về cân nặng của bản thân có nguy cơ mắc béo phì, các bệnh về tim mạch và đột quỵ gấp ba lần những người có cùng cân nặng và kích cỡ cơ thể nhưng không có nhận định tiêu cực về cân nặng của bản thân.
Mặt khác, theo lý thuyết Tâm lý học xã hội, những kẻ bắt nạt và trêu chọc người khác vì ngoại hình lại có cảm giác sung sướng khi "hạ nhục" được một người thuộc "phe chúng" và nâng cao giá trị của "phe ta". Hiện tượng này được gọi là "outgroup discrimination". "Phe chúng" ở đây có thể bao gồm những người không có ngoại hình giống mình như khác màu da, màu tóc và dáng người. Hiện tượng này cũng chính là căn nguyên của những vết đen trong lịch sử nhân loại - sự tàn sát của hàng triệu người Do Thái trong Holocaust và sự đau khổ của cả một sắc tộc trong Apartheid.
Vậy, trong thế kỷ của toàn cầu hóa, bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền, chúng ta đang ở đâu khi cả nhân loại đang tự đặt ra cho bản thân một câu hỏi lớn, đó là "Vai trò và giá trị của người phụ nữ thực sự là gì?"
Ngày bé, khi xung quanh mình toàn là những câu chuyện về các phụ nữ "thành công" nhờ nụ cười khả ái, dáng mình thon thả cùng làn da trắng thì câu chuyện truyền cảm hứng nhất đối với mình ngày đó lại là cuộc đời của Marie Curie, nhà bác học đã chết vì ung thư máu sau khi khám phá ra chất phóng xạ.
Hy vọng rằng, sự đóng góp của hàng triệu người phụ nữ thầm lặng như vậy trong các ngành nghề vốn xưa nay được cho là của đàn ông như Chính trị, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Kinh doanh, Nông nghiệp và Công nghiệp… ngày càng được tôn vinh một cách xứng đáng. Từ đó, những người phụ nữ mới dần trút bỏ được "trách nhiệm phải đẹp" hay phải là món đồ trang sức trong thế giới này, để họ được sống đúng với con người mình, tự do và hạnh phúc mà không phải hứng chịu những lời chỉ trích từ bất kỳ ai khác.