Nữ trung úy xinh đẹp: "Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên"

Lệ Thu

(Dân trí) - Nữ trung úy xinh đẹp Anh Phương quan niệm: "Xuân sang, Tết đến, hoa đào nở chẳng có gì hạnh phúc bằng Tết đoàn viên, chẳng có gì an yên bằng mùa sum họp".

Trung úy Nguyễn Đặng Anh Phương (sinh năm 1995, quê Hà Tĩnh) từng là sinh viên chuyên ngành sân khấu kịch điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật - Quân đội, hiện công tác tại Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 1
 "Người đẹp quân nhân", nữ Trung úy Nguyễn Đặng Anh Phương.

Hết mình trong từng vai diễn

Được sinh ra trên mảnh đất Hà Tĩnh đầy nắng và gió, lớn lên trong từng làn điệu dân ca Ví Dặm của mẹ, ngay từ khi còn rất nhỏ, Anh Phương đã đem lòng yêu màu xanh áo lính, mong muốn được đứng trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam để cống hiến hết mình trong từng vai diễn.

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 2

Chỉ khi được đứng trên sân khấu, được diễn thì nữ trung úy mới được là chính mình.

Chia sẻ về con đường nghệ thuật mà bản thân đang theo đuổi, nữ trung úy cho biết: "Chính sân khấu và Nhà hát kịch nói Quân đội đã làm nên Anh Phương ngày hôm nay. Nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn, bồi đắp tình yêu nghệ thuật và thỏa mãn niềm đam mê và mong muốn cống hiến những vai diễn hay cho công chúng của mình".

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 3

Không chỉ được mệnh danh là "người đẹp quân nhân", trung úy xinh đẹp còn là một MC, diễn viên và người mẫu tự do được nhắc đến rất nhiều (Ảnh: Nguyễn Nam).

Hăng say cống hiến, đẹp về cả ngoại hình lẫn tính cách, Anh Phương không bao giờ từ chối dù chỉ là vai diễn nhỏ nhất. Dù tuổi đời còn trẻ, nhưng nhờ tình yêu nghề, cô luôn được khán giả, đồng nghiệp yêu quý, mến mộ.

Nhận được rất nhiều câu hỏi của các bạn trẻ và phụ huynh về việc "Có nên theo đuổi con đường nghệ thuật hay không? Bởi nếu chọn sai sẽ phải trả giá cuộc đời". 

Anh Phương bày tỏ: "Các bậc phụ huynh thường hay phản đối việc con đi theo con đường nghệ thuật, vì đơn giản là nó vất vả và không ổn định. Tuy nhiên, nếu được đào tạo bài bản, được học tập trong môi trường chuyên nghiệp thì chắc chắn rằng, kết quả đầu ra của khối ngành nghệ thuật sẽ không hề thua kém bất kỳ ngành nào".

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 4

Anh Phương cũng khuyên các bạn học sinh, muốn theo đuổi nghệ thuật phải có năng khiếu và đam mê. Khi đó, bạn mới có thể đặt cả trái tim và tâm hồn vào từng vai diễn (Ảnh: Nguyễn Nam).

Tết là phải về nhà với bố mẹ, có nhất thiết?

Nữ Trung úy luôn đứng về "phe" trung thành với những giá trị Tết truyền thống và coi trọng nhất là cái Tết đoàn viên. Mỗi mùa xuân sang, cô lại nhìn lên tóc cha mẹ ngày càng bạc hơn theo sương gió cuộc đời.

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 5
Mỗi khi ấy, sâu trong tim Anh Phương thắt lại và tự hỏi: "Còn bao nhiêu cái Tết được ở bên cha mẹ nữa?"

Cô nàng tâm niệm mình còn trẻ và đời cô còn đủ dài cho những chuyến đi. Trong khi ấy, cha mẹ không có nhiều thời gian để chờ con về bên nhau mỗi mùa xuân. Vì vậy, khi nào còn có thể, cô sẽ nâng niu từng cơ hội ở bên gia đình để sau này không phải hối tiếc vì sống quá vội mà đánh mất đi những phút giây quý giá.

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 6
"Không về quê với bố mẹ, sao gọi là Tết đoàn viên?" đó chính là khẳng định của Anh Phương trước quan điểm: "Có nhất thiết Tết phải về nhà với bố mẹ".

Cô nàng chia sẻ: "Với nhiều người trẻ, Tết của năm tháng trưởng thành có lẽ gắn với nhiều trách nhiệm, mối lo, toan tính thiệt hơn. Bởi vậy, không ít người tuyên bố "ghét Tết", "sợ Tết" rồi xách ba lô "đi trốn" những ngày này. Không ai có quyền phán xét đúng sai với lựa chọn đó. Nhưng có chăng trong giây phút nào những người này nghĩ rằng mình đã quá để tâm tới những lý do không tích cực, mà vô tình đánh mất niềm vui sum vầy, đoàn viên sau một năm vất vả".

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 7
Theo Trung úy Anh Phương, người buồn nhất nếu con cái không về sum vầy có lẽ là các bậc cha mẹ. 

Bởi: "Nhìn hàng xóm con cái đầy đủ nói cười bên nhau, trong giây phút ngồi ngóng con cái là ánh mắt đượm buồn, lòng đau đáu ngóng trông đứa con về nhà sum họp. Với họ, dù có là 30, Tết còn xa lắm khi các con chưa về.

Mùa xuân sinh ra cho những nụ cười đoàn viên, buổi tất niên sẻ chia vui buồn của một năm vất vả, nơi người thương nhau tìm về bên nhau".

"Tết Nguyên đán mỗi năm chỉ có một lần, cả năm đã đi nhiều rồi, còn mỗi dịp Tết là để trở về đoàn viên và sum họp thôi. 

Bạn sẽ chọn đi xa hay trở về nhà, chọn sống vì đam mê có phần ích kỷ của tuổi trẻ hay vì tình yêu dành cho bố mẹ - những người yêu thương, trân trọng bạn nhất trên đời?", Anh Phương nói. 

Nữ trung úy xinh đẹp: Không về quê với bố mẹ sao gọi là Tết đoàn viên - 8
Anh Phương chọn Tết là dịp để sum vầy, vì đời người có nhiều cuộc phiêu lưu, nhưng chuyến đi mà ta mong đợi nhất, chẳng phải là chuyến đi về nhà hay sao?

Năm cũ sắp qua đi, khép lại một năm bận rộn với bao lo toan, bộn bề của cuộc sống. Không khí đón xuân mới đang nhộn nhịp và lan tỏa khắp nơi, Anh Phương mong rằng, mỗi gia đình đều được sum họp cùng nhau, vì tết sum họp đủ đầy mới là một cái tết trọn niềm vui.

"Hy vọng mỗi người dân đều nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 để chúng ta sớm khống chế dịch bệnh, cho những đứa con được đoàn tụ sum họp cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán", nữ trung úy nhấn mạnh.