Những trò ngông "khó đỡ" của bạn trẻ ngày Tết

(Dân trí) - Dường như ngày Tết là cớ để không ít bạn trẻ buông thả, thoải mái trải nghiệm những trò ngông. Nhưng nhiều khi vì mức độ chơi quá đà, mà cái giá các bạn phải trả khá đắt.

Những cuộc rượu liên miên từ ngày này sang ngày khác đã không còn là điều lạ lẫm trong các ngày Tết của các bạn nam. “Nó đã trở thành nét “văn hóa mới” – cách gọi vui mà chúng mình vẫn thường đùa với nhau, những khi Tết đến. Uống vì vui, uống vì nể bạn bè”, Tú (21 tuổi, trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) cho biết.

Từ uống rượu để cho vui, có những bạn còn muốn đua xem ai lợi hại hơn, để trở thành cuộc “tỉ thí rượu”. Tú cũng là một thành viên nhập cuộc này, sau đó nhận danh hiệu “thánh rượu” dành cho người thắng cuộc.

Tú chia sẻ: “Thật ra thì mình cũng không cần cái danh hiệu ấy làm gì, nhưng thấy vậy cũng hơi oai oai. Thể hiện được bản lĩnh của “đấng nam nhi” nên mình tham gia”.

Cuối cùng người thắng cuộc là Tú với tửu lượng là 1,5 chai rượu đầy. Vì chỉ uống, không được phép ăn, lại liên tục trong một thời gian ngắn, vừa dừng cuộc đấu, Tú miên man luôn 2 ngày – đêm, khiến bố mẹ sốt sắng không yên.

Người bạn của Tú thì không chịu nổi, được đưa ngay vào bệnh viện huyện để rửa ruột, vì uống quá liều. Gầy sọp hẳn 4kg, bạn ấy kể lại với Tú trong sự sợ hãi và “hết hồn”: “Bạn ấy bảo như từ cõi chết trở về vậy, trong người không còn sức lực nào hết. Từ nay trở đi, bạn ấy cạch đến già luôn, chẳng cần chứng tỏ đàn ông bằng hành động ấu trĩ ấy nữa”.


Những cuộc vui tới bến ngày Tết có thể gây nguy hại cho bạn trẻ bất cứ lúc nào. (ảnh minh họa)

Những cuộc vui "tới bến" ngày Tết có thể gây nguy hại cho bạn trẻ bất cứ lúc nào. (ảnh minh họa)

Trò nghịch ngợm nguy hại không kém mà nhiều thanh niên lựa chọn ngày Tết là đua xe. Gần như năm nào cũng có vụ tai nạn lớn nhỏ, nhưng chẳng đủ làm cảnh tỉnh những “anh hùng xa lộ” sau men say.

Đội của Tuấn (SN 1991, Thanh Hóa) sau khi đã “ngà ngà say”, trên đường đến quán karaoke để tiếp “tăng 2” thì nghe theo lời khiêu khích của người bạn khác trong nhóm, đã chạy đua xem ai đến nhà kia nhanh hơn.

Vì không đủ minh mẫn, Tuấn đã lao ngay xuống ruộng ở ngay bên lề đường. Cũng may vì dưới ruộng không có đá hay vật cứng, chủ yếu là đất nên Tuấn chỉ bị gãy tay trái và khâu vài mũi ở trán.

Tuấn cho biết: “Mới mồng 1, mình đã khiến cả nhà lo lắng không yên. Mình không sợ mắng, sợ đánh, sợ đau mà chỉ ân hận vì không chỉ khiến bản thân đau đớn, hơn cả là khiến người trong nhà xót xa”.

Không dừng lại ở đó, Thuận (Nam Định) và nhóm bạn trong một phút nổi hứng đã nghĩ ra chuyện đua xe quy mô nhỏ để trải nghiệm cảm giác mạnh. Hội ấy có 10 người, và có tới 7 thành viên tham gia đua. Số còn lại đứng ra khuyên can còn bị chế giễu, mỉa mai rằng: “Không đáng mặt đàn ông. Đàn ông gì mà nhát như cáy…”.

“Mình nghe vậy không tức giận, chỉ lo cho các bạn. Đều lớn cả rồi, mỗi người cần chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, nên mình không khuyên ngăn nữa. Nhưng mình đợi ở điểm xuất phát mà cảm thấy thấp thỏm không yên”, Thuận nói.

Lo lắng của Thuận là chính xác khi cuộc đua đã khiến một người bạn ra đi mãi mãi. Vì hiếu thắng, người bạn của Thuận đã phóng hết tốc độ. Khi gặp phải chướng ngại vật trên đường, bạn ấy vội quặt tay lái để không đâm phải, nên bị ngã, văng nhiều vòng trên đường. Cùng lúc ấy, xe tải đi tới nên tông vào người bạn đó.


Không khó để bắt gặp những anh hùng xa lộ kiểu này trong dịp Tết (ảnh minh họa)

Không khó để bắt gặp những "anh hùng xa lộ" kiểu này trong dịp Tết (ảnh minh họa)

Thuận bày tỏ: “Nhớ lúc lên bệnh viện, chứng kiến nỗi đau như xé gan ruột của người thân bạn ấy, mình thương và ân hận vô cùng. Chúng minh có tội vô cùng lớn, vì đã không dùng phương án quyết liệt hơn để ngăn chặn kịp thời”.

Ngoài ra, chuyện kẹp xe, lạng lách đánh võng trên đường để thể hiện bản thân của không ít các bạn nam cũng trở thành chuyện “thường tình” trên đường quê những ngày Tết. Thậm chí có những lúc “sung quá”, nhiều bạn còn dùng chân điều khiển hoặc đi không tay… gây nên những chấn thương, tai nạn.

“Chơi là phải chất” là tuyên ngôn của một hội bạn mới nổi ở quê của Phương (trường ĐH Giao thông Vận tải) năm nay. Theo lời kể của Phương, những người bạn đó đã rủ cô tham gia “thú vui” hút shisha một lần, khiến cô sợ hết hồn.

“Ban đầu mọi người vui vẻ ăn uống, sau đó kéo nhau ra quán karaoke để chơi tiếp. Mình tưởng vào chỉ uống nước ngọt và hát đơn thuần thôi, không ngờ các bạn ấy lôi ra bình shisha và tranh nhau hút. Họ còn mời mình thử với những lời lẽ hay ho, nhưng mình từ chối. Thuyết phục mãi không được, họ mặc kệ mình, bảo lần sau không rủ nữa vì đã làm mất vui”, Phương nói.


Shisha, thú chơi nhiều ẩn họa của bạn trẻ. (ảnh minh họa)

Shisha, thú chơi nhiều ẩn họa của bạn trẻ. (ảnh minh họa)

Những người bạn đó của Phương cho rằng hút shisha mới thể hiện sự đẳng cấp, chất chơi đúng nghĩa. Nhiều bạn gái đi cùng cũng thử, và tỏ ra thích thú với kiểu chơi mới.

Khi Phương nói với mọi người về tác hại của shisha, nhiều bạn nam gạt phăng với lí lẽ “cùn”: Shisha không độc hại bằng thuốc lá, trong khi mỗi ngày họ hút vài bao cũng chẳng sao cả.

Phương chia sẻ: “Nhưng khi mình tìm hiểu, thì hút shisha độc hại tương đương thuốc lá, thậm chí còn gấp 100 – 2- lần nếu hít sâu khói. Hơn nữa, mình còn lo các bạn ấy bị người bán pha thêm những chất khác như rượu, ma túy để làm tăng độ kích thích.

Mình có hỏi, các bạn ấy cười ồ nhìn mình như đứa nhà quê chính hiệu. Vì họ đã từng thử rồi, mà không có sao hết, chỉ kích thích hơn thôi. Mình sợ quá, hôm sau không dám đi cùng. Mình còn nghe tin vài bạn trong nhóm ấy vì hút shisha quá liều nên đã phải nhập viện do ngộ độc. Bác sĩ bảo may nhập viện sớm, nếu không với liều lượng dày đặc vài ngày Tết như vậy, thì nguy cơ nhiễm các bệnh về phổi là rất cao.

Ngoài ra, nhiều hội bạn nam còn lập các chiếu “tổ tôm” để tiêu khiển ngày Tết. Từ giải trí, các bạn đã biến nó thành trò sát phạt mà không ít những vụ xích mích thậm chí cả án mạng xuất phát từ đó.

Hoài Thư