Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật

Lê Nguyễn Quỳnh Anh

(Dân trí) - Các cuộc thi nhan sắc được cho là phản ánh văn hóa đánh giá phụ nữ qua ngoại hình và những định kiến giới cứng nhắc.

Yuki Iozumi hiện là sinh viên năm hai chuyên ngành nghiên cứu cộng đồng. Dù có thân hình nhỏ bé, nhưng cô gái 20 tuổi này cho rằng vai mình trông quá cơ bắp khi mặc váy cưới và nhìn không mềm mại, nữ tính. Hình mẫu mà cô hướng tới là vẻ nữ tính truyền thống.

Iozumi đã tham gia một cuộc thi sắc đẹp tại Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo. Những sự kiện như thế này được gọi là "Miss Con", đang trở thành một hiện tượng trong các trường đại học ở Nhật Bản.

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 1

Yuki Iozumi (giữa) và các thí sinh lọt vào chung kết cuộc thi Miss Mister Aoyama ở Tokyo hồi tháng trước (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức rất nhiều trên khắp Nhật Bản, kể cả tại các trường lâu đời như Đại học Tokyo và Đại học Keio, nơi được coi là cơ sở đào tạo các nhà chính trị và doanh nhân ưu tú.

Cơ hội nghề nghiệp, tiền bạc

Các cuộc thi sắc đẹp đã tồn tại nhiều ở các nước phương Tây; điều khác biệt ở Nhật Bản là sự kiện kiểu này được tài trợ bởi các nhóm sinh viên với sứ mệnh là đề cao thành tích trí tuệ và là bước đệm để có cuộc sống sung túc cho thí sinh. Trên thực tế, cuộc thi này lại áp đặt nữ giới vào những khuôn mẫu và định kiến cứng nhắc.

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 2

Một thí sinh trong vòng chung kết Miss Aoyama tạo dáng với khán giả. Những cô gái mang tiêu chuẩn vẻ đẹp lý tưởng thường có nhiều khả năng tìm được việc làm trong ngành người mẫu hoặc truyền hình. (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 3

Người nhà, người hâm mộ đến cổ vũ cho các thí sinh lọt vào chung kết (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Tại Nhật Bản, các thí sinh lọt và vòng chung kết Miss Con thu hút hàng nghìn người theo dõi trên mạng xã hội và nhận được tiền tài trợ lớn từ các công ty. Cuộc thi còn mở ra cơ hội cho các thí sinh kiếm được những hợp đồng trở thành người mẫu. Hoạt động cộng đồng không phải là điều kiện quyết định để tham gia các cuộc thi này.

Các cuộc thi hoa hậu được coi là "bệ phóng" cho các phát thanh viên truyền hình hoặc người "tài năng" - những cô gái xuất hiện trên các chương trình tạp kỹ, hài kịch hay các talk show, nơi mà ngoại hình được đánh giá cao hơn kiến thức và kỹ năng.

Mặc dù có cả các cuộc thi cho nam giới lẫn nữ, nhưng những cuộc thi dành cho phụ nữ thu hút nhiều người quan tâm hơn.

Tasuku Ito, giám đốc công ty quản lý tài năng của Dự án Furutachi ở Tokyo cho biết: "Các cuộc thi Miss Con là một trong những nguồn khách hàng lớn nhất của chúng tôi, bởi nơi đó hội tụ những phụ nữ dễ thương và xinh đẹp, chúng tôi không phải tìm kiếm họ".

Theo Tasuku, thí sinh nam trong các cuộc thi sắc đẹp thường không được ưu tiên tuyển dụng, bởi với nam giới làm tin tức và truyền hình, chuyên môn được chú trọng hơn.

Ở Nhật Bản, vẻ đẹp được định nghĩa hẹp hơn phương Tây. Một cô gái "đẹp" nghĩa là phải có nét nữ tính, đôi mắt tròn và thân hình mảnh khảnh, mang dáng vẻ "kawaii" hay là "dễ thương" thường thấy trong các bộ phim truyền hình, các nhóm nhạc pop, quảng cáo và thậm chí là anime.

Trong các cuộc thi ở trường đại học, khán giả cũng thường có xu hướng bình chọn cho những người mang nét đẹp lý tưởng với nền văn hóa Nhật Bản.

Tại Aoyama Gakuin, cuộc thi được tổ chức ở trung tâm thời trang sang trọng ở Tokyo, tồn tại gần nửa thế kỷ và là một trong những cuộc thi nổi tiếng nhất ở Nhật Bản.

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 4

Một màn trình diễn trong cuộc thi (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 5

Chuẩn bị cho phần thi chung kết trước khi cuộc thi bắt đầu (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Các video giới thiệu của thí sinh được sản xuất vô cùng chuyên nghiệp, lộng lẫy, và được đăng tải trực tuyến. Trong một video, 3 thí sinh nữ đã đóng một tiểu phẩm thảo luận về vấn đề hôn nhân, và một video khác trình chiếu hình ảnh người phụ nữ nướng cupcake và người đàn ông nâng tạ vào đêm chung kết cuộc thi.

Hai năm trước, trong một video được đăng tải của 6 thí sinh lọt vào vòng chung kết ở Aoyama Gakuin, họ tham gia vào "thử thách một ngày làm người đẹp" và chẳng nói hay làm gì ngoài việc đi dạo, ăn kem, chơi cầu lông, mua sắm, chơi điện tử và ăn bánh ngọt cùng người lạ, đồng thời tạo dáng dễ thương trước camera. Video đó kết thúc bằng câu hỏi: "Bạn sẽ hẹn hò với ai?"

Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên và giảng viên tại các trường đại học Nhật Bản đã bắt đầu đặt câu hỏi về chất lượng của những cuộc thi này. Các nhà phê bình cho rằng chúng đã áp đặt các tiêu chuẩn sắc đẹp khuôn mẫu vào người phụ nữ và điều này không phù hợp với trường đại học.

Những góc khuất

Hae-bong Shin, giáo sư luật tại Đại học Aoyama Gakuin, nhà sáng lập trung tâm nghiên cứu về giới tính, cho biết: "Cá nhân tôi nghĩ rằng cuộc thi sắc đẹp giữa các sinh viên đại học này đang bị làm quá, bởi vì nó đề cao ngoại hình và vẻ bề ngoài của phụ nữ trẻ trong xã hội Nhật Bản. Văn hóa của sinh viên đại học dường như đã bị phá hủy bởi điều đó".

Đại học Aoyama Gakuin tuyên bố rằng tính đến năm ngoái, Miss Con không còn là sự kiện chính thức trong trường, và nhà trường đã thiết lập trung tâm nghiên cứu về giới tính để loại bỏ các nhận thức mang tính định kiến giới.

Những tiêu chuẩn sắc đẹp nặng nề được cổ súy bởi các cuộc thi sắc đẹp có thể dẫn đến hành vi không lành mạnh. Trong một video được đăng tải trên YouTube, một cựu thí sinh của Đại học Rikkyo cho biết, để có thể mặc vừa chiếc váy cưới trong cuộc thi, cô đã ăn kiêng đến mức bật khóc giữa đêm vì đói.

Các cuộc thi cũng bắt đầu bị điều tra sau khi ban tổ chức một cuộc thi tại Đại học Keio bị cáo buộc tấn công tình dục một nữ sinh viên tham gia cuộc thi.

Tại Đại học Tokyo, Asa Kamiya, 22 tuổi, đăng quang Hoa hậu Todai năm 2020, đã công khai cáo buộc ban tổ chức quấy rối tình dục các thí sinh, điển hình như trong các cuộc phỏng vấn, họ được hỏi rằng đã từng quan hệ với bao nhiêu người.

Tại Aoyama Gakuin và nhiều trường đại học khác, các sinh viên đứng ra tổ chức các cuộc thi nói trên không còn được nhà trường công nhận.

Ban tổ chức cuộc thi tại Đại học Tokyo - cuộc thi Todai - cho biết họ đã phân công nữ quản lý cho từng thí sinh tham gia cuộc thi. Ryoma Ogasawara, một thành viên ban tổ chức cuộc thi cho biết: "Chúng tôi đã khuyến cáo các thành viên trong ban tổ chức không quấy rối các thí sinh, chúng tôi không thể làm gì hơn".

Kamiya cho biết cô chứng kiến một thí sinh khác bật khóc vì một nhóm thành viên nam trong ban tổ chức ép uống 10 ly rượu.

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 6

Buổi diễn tập cho cuộc thi tại Đại học Sophia, Tokyo (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 7

Hậu kỳ đêm chung kết trong buổi diễn tập ở Đại học Sophia. (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Kamiya chia sẻ: "Hồi mới vào đại học, tôi vẫn còn rất trẻ, nhưng đã bị ban tổ chức hỏi về đời sống tình dục. Nghĩ tới việc được những người đàn ông như vậy hỗ trợ khiến tôi cảm thấy hơi rùng mình". Tuy nhiên, Kamiya cũng cho biết, cuộc thi đã thay đổi cuộc đời cô, vì sau đó cô nhận được hợp đồng làm người mẫu và xuất hiện trên các chương trình tạp kỹ trên truyền hình. Vì vậy, cô cho rằng không nên bỏ các cuộc thi sắc đẹp.

Thay đổi tích cực

Sau khi các cáo buộc quấy rối nổi lên, hội sinh viên tổ chức chương trình đã đưa ra lời xin lỗi công khai. Tại một số trường đại học, các sinh viên đã duy trì cuộc thi bằng cách tập trung khai thác nhân vật và thông điệp xã hội.

Tại Đại học Sophia ở Tokyo, ban tổ chức yêu cầu mỗi ứng viên chọn một vấn đề xã hội làm chủ đề cá nhân và đăng tải các thông điệp lên mạng xã hội. Họ cũng thống nhất rằng các cuộc thi nên khích lệ thí sinh từ bất kỳ giới tính nào.

Năm ngoái, trong đêm chung kết chương trình của Đại học Sophia theo nội dung mới được tổ chức trực tuyến, một nữ sinh đã giấu mặt để truyền tải rằng vẻ đẹp không phải là tâm điểm của sự kiện, và cô ấy đã không giành chiến thắng.

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 8

Khán giả bình chọn trực tuyến cho đêm chung kết ở Sophia (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 9

Đêm chung kết Miss Mister Aoyama (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Người chiến thắng năm nay, Mihane Fujiwara, 19 tuổi, sinh viên chuyên ngành phúc lợi xã hội, đã ghé thăm tới Campuchia để chứng kiến vấn đề rác thải ở các cộng đồng nghèo, và làm tình nguyện tại căn bếp ở Los Angeles (Mỹ).

Tuy nhiên, á hậu năm ngoái, Mai Egawa, 21 tuổi, đang học chuyên ngành nghiên cứu về châu Phi, cho biết bất cứ khi nào cô đăng tải sự quan tâm về các vấn đề ở Rwanda, cô đều nhận được những bình luận nói rằng "bạn thật dễ thương" hoặc bạn thật xinh đẹp".

Mai chia sẻ: "Nếu những người đang theo dõi cuộc thi không thay đổi góc nhìn của mình, thì nhận thức của người xem cũng không thể thay đổi".

Mới đây, đêm chung kết kéo dài hai ngày của cuộc thi Miss Mister Aoyama được tổ chức trong một khán đài tầng chín của tòa tháp quận Shibuya, Tokyo. Cô Iozumi và năm nữ thí sinh khác lọt vào vòng chung kết đã diễu hành trên sân khấu trong trang phục dạ hội từ nhà tài trợ với các video giới thiệu từ người ủng hộ trên công ty được chiếu trên màn hình lớn. Mỗi thí sinh đã có một màn trình diễn ngắn, như là trang trí bánh, hát một bài hiphop tự sáng tác, hoặc biểu diễn karate với bạn nhảy như Iozumi.

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 10

Buổi công bố người đăng quang ở Đại học Sophia (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 11

Hậu trường cuộc thi Miss Mister Aoyama (Ảnh: Shiho Fukada/The New York Times).

Trong suốt 4 tháng diễn ra cuộc thi, khán giả có thể bỏ phiếu trực tuyến hàng ngày. Tại đêm chung kết, họ bình chọn để chọn ra những người lọt vào vòng trong. Masayuki Yamanaka, 47 tuổi, một khán giả "ruột" của các cuộc thi kiểu này, tỏ vẻ phân vân khi bình chọn người chiến thắng. Ông cho rằng: "Họ đều quá dễ thương".

Vào đêm diễn thứ hai, 3 thí sinh nữ còn lại xuất hiện trong bộ váy cưới xòe rộng và vương miện lấp lánh, mỗi người đi cùng một thí sinh nam trên đường băng trải thảm đỏ. Cô Iozumi giấu bờ vai dưới vạt áo có cổ cao và tay áo dài.

Phần biểu diễn đem lại cảm giác như một đám cưới tập thể còn các cặp đôi nhìn có vẻ gượng gạo.

Đến cuối chương trình, khi được xướng tên là Miss Aoyama, Iozumi vẫn còn ngỡ ngàng.

Ngồi phía sau khán phòng với người bạn học từ đại học ở Chiba, một tỉnh giáp với Tokyo, Nodoka Ogawa, 21 tuổi, cho biết cô sẽ không bao giờ tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ. Cô chia sẻ: "Tôi nghĩ những người tham dự cuộc thi hẳn phải rất dũng cảm, bởi sẽ có rất nhiều người nhìn vào họ, và họ cũng phải rất đẹp".

Những định kiến đằng sau các cuộc thi nhan sắc ở Nhật - 12

Cô Iozumi (trái) ở trong hậu trường trước khi trở thành Miss Aoyama (Shiho Fukada/The New York Times).

Theo www.nytimes.com