Chung tay lan tỏa giá trị Việt

Samsung Việt Nam vừa tổ chức Tọa đàm “Tự Hào Cùng Việt Nam” với chủ đề “Chung tay lan tỏa giá trị Việt” vào sáng ngày 16/11/2014.

Tọa đàm có sự tham gia của Đại biểu Quốc hội – ông Dương Trung Quốc, bà Phạm Phương Thảo -Nguyên chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đạo - Phó tổng giám đốc Samsung Vina, anh Nguyễn Chí Hiếu - Tiến sĩ ĐH Stanford và gần 300 bạn đọc. Buổi tọa đàm là hành trình cuối cùng của chương trình Diễn đàn “Tự Hào Cùng Việt Nam”.

 

Đây là diễn đàn giúp bạn đọc chia sẻ những trải nghiệm của bản thân, những câu chuyện tôn vinh phẩm chất, đức tính và các giá trị văn hóa của người Việt, qua đó gạn đục khơi trong nhằm xây dựng giá trị Việt mang đậm bản sắc dân tộc, niềm tự hào của người Việt.

 

Các diễn giả trong buổi tọa đàm
Các diễn giả trong buổi tọa đàm

 

Đến nay, BTC đã nhận được 127 bài viết của các độc giả trong và ngoài nước là học sinh, sinh viên, kỹ sư, nhà văn, cán bộ hưu trí và nhiều người nổi tiếng gửi về diễn đàn Tự Hào Cùng Việt Nam www.tuhaovietnam.tuoitre.vn. Và những câu chuyện rất đời thường làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày.

 

Diễn đàn đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân với hơn 1.000 bạn trẻ tham gia, 5.000.000 lượt truy cập vào trang website chính của chương trình, các bài viết xuất hiện trên 4.500.000 ấn phẩm, thu hút 11.000.000 độc giả khắp cả nước, hơn 1.000 người bình chọn các đức tính tốt của người Việt trên diễn đàn trong vòng 12 tuần.

 

Tọa đàm là dịp để độc giả có cái nhìn khái quát hơn về những phẩm chất của người Việt qua một cuộc khảo sát trên 1000 bạn đọc trực tuyến. Đối với câu hỏi những đức tính tốt của người Việt thì đức tính chăm chỉ chiếm 60% còn đức tính trung thực chỉ có 6%. Lý giải về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc cho rằng môi trường và hoàn cảnh sống là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính cách của mỗi người.

 

Ông Dương Trung Quốc chia sẻ
Ông Dương Trung Quốc chia sẻ

 

Còn với câu hỏi những đức tính của người Việt đang tăng hay giảm thì có đến 27% cho rằng giảm đi rất nhiều, 60% cho rằng giảm đi, 5% cho rằng giữ nguyên và chỉ có 7% cho rằng đang tăng lên. Các diễn giả đồng tình với kết quả khảo sát là các đức tính tốt đang giảm đi.

 

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đạo chia sẻ: “Người Việt Nam có những đức tính rất tốt nhưng hiện nay các đức tính ấy đang giảm đi? Từ trong tiềm thức của mỗi người, đức tính tốt vẫn luôn có ở đấy nhưng các môi trường xung quanh có tạo điều kiện để phát triển hay không hay ngược lại làm cho nó mai một đi và tạo điều kiện cho các tính xấu lộ ra”.

 

Ông Dương Trung Quốc chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Đạo (Phó tổng giám đốc Samsung Vina) giúp các bạn trẻ định hướng đúng suy nghĩ và hành động, góp phần phát huy phẩm chất tốt trong mỗi cá nhân

 

Còn bà Phạm Phương Thảo cho rằng: “Trong hoàn cảnh cần phải giành độc lập thì cái yêu nước, gắn bó sẽ nổi trội mạnh mẽ. Tôi tin là như vậy! Và trong mỗi người Việt chúng ta, trong tuổi trẻ chúng ta tôi vẫn thấy nổi trội tinh thần hiếu học, sáng tạo, cống hiến hy sinh. Tuy nhiên, những biểu hiện về mặt sa sút vẫn có rất nhiều. Nhưng tôi tin nếu chúng ta khơi dậy những điều tốt đẹp thì sẽ có sự tập hợp!”.

 

Ông Dương Trung Quốc chiêm nghiệm: “Chúng ta đang thiếu điều kiện, cơ hội để tính tốt phát lộ, phát triển, môi trường sống hiện tại - vốn đang trong thời kỳ chuyển tiếp giữa cái mới và cái cũ, thời kỳ đụng độ của nhiều luồng quan điểm khiến trắng đen lắm khi đảo lộn - không phải là môi trường thuận lợi cho những tính tốt như trung thực, dũng cảm lên ngôi”. Nhưng ông khẳng định: “Không có niềm tự hào, dân tộc, đất nước đã không thể tồn tại đến ngày nay. Rõ ràng sự tự hào cũng như những điều tốt đẹp vẫn còn đó”.

 

Không khí của buổi tọa đàm như càng nóng lên bởi sự phản hồi những điểm trừ của người Việt cần được thay đổi đó là tính tham lam, ích kỷ, tự ti, hình thức và hay chê.  Đây cũng là trăn trở của không ít bạn trẻ trong việc tìm ra hướng thay đổi để hoàn thiện bản thân.

 

Các bạn trẻ tích cực chia sẻ các quan điểm cá nhân
Các bạn trẻ tích cực chia sẻ các quan điểm cá nhân

 

Nhiều bạn đọc trẻ đã chỉ ra những tính xấu như một bản tự kiểm bản thân. Như bạn Trúc Lâm, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận có nhiều việc người trẻ biết sai vẫn làm, như vi phạm Luật giao thông, hành động gây hại môi trường... chỉ vì không thích thay đổi bản thân.

 

Hoặc như bạn Huy, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), nhận xét từ bạn bè quanh mình: nhiều bạn manh động theo cách cộng đồng mạng vẫn gọi là “trẻ trâu”: sẵn sàng gây tổn thương người khác, bất chấp hậu quả. Các bạn trẻ cũng mạnh dạn nêu ra những tính xấu của người lớn như bao che, ô dù, tạo môi trường kém công bằng để người trẻ cạnh tranh...

 

Bạn Huy, sinh viên Trường ĐH Bách khoa
Bạn Huy, sinh viên Trường ĐH Bách khoa  (Đại học Quốc Gia TP.HCM) phát biểu cảm nghĩ của mình về chính thế hệ trẻ
 
Bạn Huy, sinh viên Trường ĐH Bách khoa

Bạn Trúc Lâm, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận có nhiều việc người trẻ biết sai vẫn làm

 

Trong khi đó, nặng lòng với việc giáo dục lớp trẻ, bác Võ Ái Dân (70 tuổi) hùng hồn góp những lời tâm huyết: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Người lớn không ra người lớn, không làm gương, sao đám nhỏ noi theo?”

 

Bác Ái Dân (70 tuổi) góp những lời tâm huyết
Bác Ái Dân (70 tuổi) góp những lời tâm huyết

 

Để định hướng cho các bạn trẻ trong buổi thảo luận,các diễn giả đã chia sẻ những câu chuyện bản thân từng chứng kiến và những ý kiến cá nhân để độc giả có cái nhìn rõ hơn về những người Việt trẻ tuổi làm rạng danh đất nước hay nhiều người thành công trong một lĩnh vực nào đó đều ấp ủ trong mình các bản sắc, các phẩm chất đáng quý, đáng tự hào của Việt Nam, trong đó có 5 đặc tính nổi bật nhất gồm hiếu thảo, bao dung, thân thiện, yêu nước và dễ thích nghi, hào nhập.

 

Anh Nguyễn Chí Hiếu kể một câu chuyện minh họa: anh cho học trò mình - những bạn trẻ thường chỉ quan tâm các vụ lùm xùm trong giới nghệ sĩ - xem một đoạn phim về việc làm mẹ. Phim hết, đèn bật lên, anh nhìn thấy nước mắt chảy dài trên những gương mặt mới vài phút trước đó còn... chửi thề trên mạng xã hội. “Rõ ràng bản chất của người trẻ là tốt, dù hiện tượng bên ngoài có vẻ xấu hơn” - anh nhận định.

 

Xin mượn phát biểu của bà Phạm Phương Thảo để kết lại các hành động cụ thể mà giới trẻ nói riêng và cộng đồng Việt Nam nói chung phải thực hiện ngay để tạo điều kiện cho những đức tính tốt của người Việt được phát huy.

 

Tôi nghĩ để khắc phục những chưa tốt cần có sự chung tay của tất cả mọi người. Mỗi cá nhân nên làm tốt vai trò của mình thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Chính quyền phải có chính sách đúng đắn, phù hợp với sự phát triển của người dân. Truyền thông nên đưa thông tin một cách đúng đắn, chính xác, khách quan. Giáo dục phải khắc phục được những bất cập hiện tại của mình, phục vụ tốt nhất cho người học. Văn hóa văn nghệ cũng phải góp phần định hướng nhân cách, tâm hồn cho khán thính giả... Có như vậy xã hội mới có thể phát triển đúng đắn”.

 

Buổi tọa đàm đã giúp mỗi người nhìn lại những phẩm chất đáng quý của người Việt hiện nay, từ đó khơi gợi, định hướng phát huy cho giới trẻ những đức tính tốt, góp phần nâng cao niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước nồng nàn trong mỗi người Việt Nam.

 

Lâm Anh

 

Bác Ái Dân (70 tuổi) góp những lời tâm huyết
Bạn đã làm gì để có thể ngẩng cao đầu hãnh diện: “Tôi là người Việt Nam”? Đó chính là trăn trở hiện nay của không ít người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ chúng ta.

 

Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.

 

Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!

 

Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn