Nữ quyền có rồi, vậy khi nào có "nam quyền"?

Mai Châm

(Dân trí) - Nam giới khó thấy vai trò của mình trong phong trào nữ quyền, đôi khi còn cảm thấy "mình đang mất cái gì đó". Nếu như nói phụ nữ "giành" quyền lợi từ đàn ông, dễ khiến đàn ông đứng ở phía đối lập.

Câu chuyện nữ TikToker trẻ phản bác lời dạy của những người lớn tuổi trong nhà khi được dạy phụ nữ phải nấu cơm, rửa bát phục vụ đàn ông đang trở thành chủ đề tranh luận, khiến các diễn đàn mạng xã hội ngày một "nóng" hơn. Xoay quanh câu chuyện này, vấn đề bình đẳng giới, phong trào nữ quyền cũng được đưa ra bàn luận.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An - Nghiên cứu sinh Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TPHCM là một nhà nghiên cứu trẻ, có tư duy cởi mở và mới lạ trong nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.

Nữ quyền có rồi, vậy khi nào có nam quyền? - 1

Nghiên cứu sinh Tâm lý Nghiên cứu sinh Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TPHCM.

Đối với câu chuyện kể trên, chuyên viên Đào Lê Tâm An cho rằng, nên nhìn nhận việc nhà như một dạng kỹ năng cần có của tất cả bạn trẻ, không kể giới tính gì.

Vì vậy, mặc định đó là việc của giới nữ nghĩa là định kiến, nhưng loại trừ hoàn toàn điều đó cũng không phải là ý nghĩa của bình đẳng giới.

Trong trường hợp này cần xét bối cảnh rộng hơn, phân chia công việc hợp lý theo khả năng và hoàn cảnh cụ thể. Với sự phân chia công việc đều cho tất cả thành viên, mỗi người đều cảm nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng và vun đắp tình cảm gia đình và không để bất kỳ ai cảm thấy quá nặng nề hoặc bị bỏ rơi.

Mở rộng vấn đề, bàn về nữ quyền và bình đẳng giới, chuyên gia Tâm An nêu góc nhìn mới mẻ.

Nam giới ở đâu trong phong trào nữ quyền?

Xét về ý nghĩa câu chữ và suy nghĩ đại chúng, cụm từ "nữ quyền" khó thấy hình bóng của nam giới mà chỉ nhắm tới "quyền lợi của phụ nữ". Do đó, nam giới khó thấy vai trò của mình trong phong trào nữ quyền, đôi khi còn cảm thấy "mình đang mất cái gì đó". Nếu như nói phụ nữ đang "giành" quyền lợi từ đàn ông, thì dễ khiến đàn ông đứng ở phía đối lập. Có một số người còn nói vui rằng: Nữ quyền có rồi, vậy khi nào có "nam quyền"?

Trong quá trình làm việc với người trẻ trên các cộng đồng online, anh Tâm An nhận ra cán cân bình đẳng giới đang dần lệch lạc theo xu hướng kỳ lạ: Một phần vẫn ưu tiên thái quá nam giới, phần còn lại ưu tiên thái quá nữ giới.

Hệ tư tưởng thứ nhất vẫn giữ tư tưởng hình thành từ thời phong kiến, ủng hộ hình ảnh nam giới thống trị, thậm chí là bạo lực (tên gọi khác là "nam tính độc hại" - toxic masculinity). Lối suy nghĩ này cổ vũ nam giới xây dựng hình ảnh truyền thống: quyết đoán, mạnh mẽ, bạo lực, không được yếu đuối... 

Trong khi đó, những người "mượn danh" nữ quyền lại có xu hướng ép buộc, định chuẩn cho hình ảnh "người phụ nữ hiện đại", bài xích việc bếp núc, nội trợ, nữ công gia chánh... xem đó là cổ hủ, thấp kém.

Đặc điểm chung của cả hai lối suy nghĩ trên chính là loại bỏ quyền tự quyết của cá nhân và thiết lập những chuẩn mực mà các giới phải tuân theo, từ đó tạo ra một khoảng "chênh" trong xã hội. Đó là, dù là đàn ông hay phụ nữ đều kỳ vọng phải kiếm tiền giỏi, mạnh mẽ, không được yếu đuối... Điều này gây ra những sự đứt gãy trong cuộc sống trong gia đình.

Câu chuyện về nữ sinh cho rằng việc rửa chén là "phục vụ đàn ông" vẫn phản ánh một thực trạng đáng buồn về mặt văn hóa khi người ta vẫn cho rằng "chuyện bếp núc dọn dẹp là của phụ nữ". Tuy nhiên, cộng đồng lên án gay gắt bởi đây như "giọt nước" làm tràn một cái ly đầy sự hỗn độn từ những xu hướng chưa lành mạnh, nội dung xấu độc cố tình làm lệch vai trò của nam và nữ trong cuộc sống. 

Xu hướng nữ quyền cực đoan càng đẩy nam giới khỏi bức tranh bình đẳng

Trong khoảng 2 năm trở lại, cụm từ "nhà phải có nóc" chưa bao giờ hết "hot" trong cộng đồng giới trẻ. Trào lưu "nóc nhà" xuất hiện ban đầu với những tình huống hài hước, thường hướng đến việc nam giới nhường nhịn, chiều chuộng bạn gái, người yêu.

Càng về sau, những tình huống dàn dựng càng trở nên phiến diện, hình ảnh người nam giới được khắc họa mang tính chất hạ mình, khúm núm. Những đoạn clip ngắn chưa đến một phút dễ dàng lan rộng, "nhà phải có nóc" thường được sử dụng để chứng tỏ vị thế của một cá nhân nào đó (thông thường là phụ nữ).

Một số bạn nữ trẻ khi xem những thông tin này nhưng không có sự phản biện sẽ tự huyễn hoặc bản thân có rất nhiều quyền, và nghĩa vụ của bạn nam là phải chiều chuộng với bất kỳ yêu cầu nào của mình.

Nữ quyền có rồi, vậy khi nào có nam quyền? - 2

Chuyện một cô gái trẻ yêu cầu bạn trai phải biết nấu nướng, cho tiền chi tiêu, từng gây xôn xao trên mạng xã hội.

Hình ảnh người nam giới bị đả kích, tấn công trở thành một kịch bản "gây cười" trong những đoạn clip hài trên Tiktok. Điều này vốn đã xuất hiện trong các nghiên cứu về bạo lực gia đình, trong đó ghi nhận tình trạng nạn nhân cũng có thể là nam giới.

Các nghiên cứu thường chỉ ra một điểm chung, chúng ta đang thực hiện công tác tuyên truyền, bảo vệ phụ nữ nhưng phần nào đẩy đàn ông vào "vai phản diện". Từ đó, việc chấp nhận nam giới cũng có thể là nạn nhân của bất bình đẳng giới càng trở nên khó khăn hơn, thậm chí hệ thống pháp luật, trợ giúp về tâm lý cũng rất hạn chế.

Không dừng lại ở đó, những bộ phim hoặc câu nói "ngôn tình" càng cố gắng ủng hộ hình ảnh người nam giới nên "chịu toàn bộ trách nhiệm" cho phụ nữ, như: "Phụ nữ sướng hay khổ là do tấm chồng", "Phụ nữ có quyền vô lý, còn đàn ông hãy biết rộng lượng", "Phụ nữ sẽ không cần trưởng thành khi gặp đúng người đàn ông"... Bức tranh bình đẳng như bị xé toạc khi nam giới và nữ giới đang đứng ở hai chiến tuyến đối lập.

Chúng ta không cần thêm phong trào mang tên "nam quyền" vì nhiệm vụ gốc rễ của nữ quyền đã là tái thiết sự bình đẳng cho cả nam và nữ. Điều quan trọng là sự đính chính kịp thời những tư tưởng sai lệch, những phong trào ý nghĩa, thông điệp rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai giới trong mối quan hệ, trong cuộc sống, trong cách giao tiếp và hành động.

Hãy làm cho nam giới hiểu rằng, nữ quyền không giành bất cứ quyền lợi gì từ nam giới, điều cần thiết là phá bỏ những tư tưởng áp đặt, tước đoạt quyền quyết định cá nhân. Nữ quyền cũng đứng về phía nam giới, cũng bảo vệ những quyền lợi phù hợp của nam giới và sẵn sàng hỗ trợ những cá nhân đang đối mặt với sự bất công.

Không dừng lại ở những phong trào, kiến thức về bình đẳng giới, phá bỏ những định kiến giới cũng cần được đề cập chính quy, nghiêm túc trong giờ Giáo dục công dân hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Trang bị những tư tưởng chuẩn, chỉnh, chính là liều vắc xin hiệu quả, giúp người trẻ tự miễn nhiễm với những trào lưu xấu độc mang "mác" bình đẳng giới.