Tranh cãi về nữ quyền và hai câu hỏi "hack não"
(Dân trí) - "Ai sẽ là người làm việc nhà?", "Ai sẽ là người làm kinh tế?", đây là hai trong số các câu hỏi khiến dư luận tranh cãi thời gian gần đây.
Chủ đề nữ quyền đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Nguồn gốc của chủ đề này được cho là xuất phát từ quan điểm của một TikToker về việc phụ nữ phải làm việc nhà còn nam giới được nghỉ ngơi, thư giãn.
Trả lời về vấn đề trên, cô gái lên tiếng "họ có đủ tay đủ chân mà", "người lành lặn phải biết tự phục vụ bản thân" và mong muốn phụ nữ hay đàn ông đều nên hỗ trợ lẫn nhau trong công việc.
Vậy, nam hay nữ là người làm việc nhà mới là hợp lý? Phóng viên Dân trí ghi nhận các quan điểm của người trẻ về vấn đề này.
Bạn Phan Thị Bảo Ngọc (sinh năm 2001) sinh viên năm 3, trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: "Theo mình hiểu, nữ quyền là sự ủng hộ các quyền thuộc về phụ nữ và trẻ em gái. Nó được thể hiện ở việc bình đẳng về quyền lợi giữa các giới trong xã hội. Một xã hội có nữ quyền là khi phụ nữ không còn bị ràng buộc bởi những định kiến và quy tắc xã hội cũ mà được bảo vệ, tôn trọng và trao những cơ hội để phát triển và chứng tỏ bản thân. Họ có quyền được giáo dục, có quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị, quyền được sở hữu tài sản, quyền được trả lương dựa theo năng lực tương đương với nam giới…".
Bảo Ngọc thẳng thắn bày tỏ: "Trong cuộc sống gia đình, việc lựa chọn công việc nội trợ hay làm kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn, khả năng và hoàn cảnh của mỗi thành viên. Có thể hài hòa bằng cách cả phụ nữ và đàn ông đều làm kinh tế và cùng nhau làm việc nhà. Mặt khác, trong trường hợp, phụ nữ muốn ở nhà làm nội trợ, chăm sóc gia đình thì điều đó không có gì mâu thuẫn với các phong trào nữ quyền cả".
Theo Ngọc, nữ quyền trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay khi phái nữ đứng dậy đấu tranh cho quyền lợi của mình nhưng không phải để chia thế giới thành hai nửa. Phụ nữ mong muốn được đảm bảo sự bình đẳng trong quyền lợi, vị trí của phụ nữ trong xã hội, đồng thời có thể mở rộng mối quan hệ, sống độc lập và tự tin hơn.
Cùng quan điểm với Bảo Ngọc, bạn Lan Nhi (sinh năm 2001), sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ thêm: "Nữ quyền được thể hiện đơn giản nhất ở việc nam nữ được trao cơ hội dựa theo năng lực làm việc chứ không phải giới tính".
"Phụ nữ hay đàn ông dù làm việc nhà hay làm kinh tế đều có vai trò và địa vị ngang nhau. Vì thực chất, cả hai đều vẫn đang lao động, sử dụng sức lực của bản thân tạo nên giá trị về mặt vật chất hoặc tinh thần", Lan Nhi nói.
Mỹ Linh (sinh năm 2000), sinh viên năm cuối, Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chia sẻ: "Từ xưa, mình luôn thấy đàn ông sẽ là trụ cột trong nhà, còn phụ nữ sẽ là người chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi rằng, phụ nữ không có khả năng làm chủ kinh tế nên một số người không có cái nhìn tích cực về nữ giới, thậm chí là coi thường họ dẫn đến nhiều bất đồng trong quan điểm".
Với Mỹ Linh, cô luôn muốn tự chủ về kinh tế, không phải phụ thuộc vào ai. Bên cạnh đó, Mỹ Linh bộc bạch thêm: "Mình nghĩ, đã là phụ nữ thì cần biết làm việc nhà và đàn ông cũng nên có sự nghiệp và độc lập về tài chính. Bây giờ, giữa nam và nữ có thể chia sẻ công việc với nhau, không có nghĩa là mỗi giới không cần làm tròn vai trò của riêng mình".
Nguyễn Đức Hoàng (sinh năm 1999) sinh viên năm cuối, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: "Bình đẳng giới là mọi giới trong xã hội đều có quyền như nhau. Tất cả mọi người đều có quyền tham gia vào các hoạt động kinh tế, giáo dục, chính trị… và không còn bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính".
Đức Hoàng thẳng thắn chia sẻ: "Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, các bộ luật dưới thời quân chủ như thời Lê (Quốc triều hình luật), thời Nguyễn (Hoàng Việt luật lệ) đều bảo vệ phụ nữ rất rõ ràng, cụ thể là các vấn đề về hôn nhân và thừa kế tài sản. Cho đến các văn bản pháp luật hiện đại cũng vậy. Điển hình như Luật bình đẳng giới (2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình (2007), Luật hôn nhân và gia đình (2000, 2014)… Điều này cho thấy, pháp luật Việt Nam rất quan tâm đến quyền lợi của nữ giới. Phụ nữ ở Việt Nam cũng như mọi công dân đều được pháp luật bảo vệ".
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm: "Phụ nữ luôn mong muốn được đối xử bình đẳng, công bằng trong cơ hội việc làm, học tập và tham gia chính trị, xã hội và đời sống cá nhân".
Chị Trang nói thêm: "Trong cuộc sống hiện nay, vai trò của đàn ông và phụ nữ là như nhau vậy nên khó có thể phân chia rõ ràng việc này là của ai. Thay vào đó, họ nên học cách chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình. Phụ nữ cũng có công việc riêng và làm việc 8 tiếng mỗi ngày như đàn ông thì việc chia sẻ công việc gia đình là điều cần thiết và thỏa đáng".
Hơn nữa, chị Trang cho rằng ở xã hội ngày nay, cả đàn ông hay phụ nữ đều có thể trở thành người làm chủ tài chính trong gia đình. Tuy nhiên, với trọng trách chăm lo kinh tế, trụ cột trong nhà, người đàn ông gánh vác có phần nặng nề hơn. Phụ nữ nên là "người xây tổ ấm", lo chuyện bếp núc và chăm sóc và vun vén chuyện gia đình.
Có thể thấy, vai trò của nữ giới và nam giới luôn song hành cùng nhau. Câu chuyện về nữ quyền không phải là để đấu tranh và bài trừ lẫn nhau mà là để cùng nhau thấu hiểu, cảm thông và chung sống.