Năm bùng nổ của tuổi trẻ Bộ LĐ-TB&XH: Sưởi ấm 6.000 mảnh đời, điểm nhấn AI
(Dân trí) - Các hoạt động được tổ chức bài bản với quy mô lớn và có tính lan tỏa đã khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn Thanh niên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Năm 2023 là năm đặc biệt quan trọng của Đoàn Thanh niên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đây là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới sau Đại hội đoàn các cấp, với nhiều nhiệm vụ mới, thách thức mới đòi hỏi toàn Đoàn Bộ LĐ-TB&XH phải nỗ lực cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong buổi gặp Ban thường vụ Đoàn Bộ LĐ-TB&XH nhân dịp 92 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2023) vào chiều 24/3/2023, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã giao nhiệm vụ cho thanh niên của Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục phát huy thế mạnh của sức trẻ, tinh thần xung kích, sáng tạo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Bộ.
65 hoạt động với 3.200 lượt đoàn viên tham gia
Nhận định 2023 là năm "bản lề" cho việc đổi mới phương thức hoạt động của nhiệm kỳ 2022-2027, Ban Chấp hành Đoàn Bộ LĐ-TB&XH ngay từ cuối năm 2022 đã tập trung xây dựng các giải pháp, kế hoạch, phân công nhiệm vụ từ sớm.
"Các hoạt động được tổ chức bài bản, với quy mô lớn và có tính lan tỏa đã khẳng định vai trò, vị thế của Đoàn Bộ và được tổ chức đoàn cấp trên ghi nhận thông qua 4 bằng khen cho riêng tập thể Đoàn Bộ trong năm 2023.
Từ đó, tạo nền tảng, tâm thế vững chắc cho cả một giai đoạn tiếp theo của nhiệm kỳ", Bí thư Đoàn Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Hiệp chia sẻ.
Theo anh Hiệp, 100% chỉ tiêu công tác của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH đều vượt kế hoạch. Nhìn lại một năm "bùng nổ" của tuổi trẻ Bộ LĐ-TB&XH qua những con số ấn tượng dưới đây:
- 65: Tổng số hoạt động do Đoàn Bộ LĐ-TB&XH chủ trì triển khai trong năm 2023.
- 3.200: Tổng số lượt đoàn viên đã tham gia các hoạt động.
- 6.273: Tổng số lượt người thụ hưởng từ những hoạt động của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó có 4.115 là trẻ em vùng sâu, vùng xa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc, hơn 500 người có công và hơn 200 cựu thanh niên xung phong.
- 3.500: Số lượng cây xanh được Đoàn Bộ LĐ-TB&XH trồng mới.
- 23: Hoạt động theo phong trào cách mạng thanh niên, tình nguyện bao gồm các hoạt động như: tình nguyện mùa đông, ngày làm việc tốt, Chủ Nhật Xanh, công trình thanh niên…
- 13: Hoạt động dành riêng cho con em người lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH với hơn 1.000 lượt trẻ em tham gia như: Trung thu, Quốc tế thiếu nhi, khám sàng lọc tâm lý…
- 7: Cuộc tập huấn, tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hơn 400 đoàn viên về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.
Điểm sáng từ các phong trào thanh niên tình nguyện
Phong trào thanh niên tình nguyện là một trong những điểm sáng nhất trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên Bộ LĐ-TB&XH.
Các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em, đền ơn đáp nghĩa, giáo dục truyền thống cách mạng được triển khai hiệu quả, có tính liên kết, tạo quy mô, dấu ấn tốt.
Gần 1,5 tỷ đồng là tổng giá trị của hơn 20 hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, về nguồn mà Đoàn Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chỉ riêng trong năm 2023. Các hoạt động này được lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ LĐ-TB&XH.
Đoàn Bộ đã trồng mới được 3.500 cây xanh, vượt 16% chỉ tiêu nhiệm kỳ đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Bộ LĐ-TB&XH lần thứ X (3.000 cây).
Các hoạt động đồng hành, tham gia chăm sóc, hỗ trợ trẻ em được các cấp đoàn triển khai sôi nổi.
"Các cấp Bộ Đoàn đã tặng 2.000 suất quà với tổng giá trị gần một tỷ đồng; 90 học bổng với tổng giá trị 90 triệu đồng; 40 xe đạp với tổng giá trị khoảng 72 triệu đồng; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 2.000 trẻ em với tổng kinh phí huy động từ các nguồn lực gần 600 triệu đồng", Đoàn Bộ LĐ-TB&XH tổng kết.
"Việc thúc đẩy liên kết trong hoạt động và tập hợp các nguồn lực trong xã hội là chìa khóa để tạo ra những hoạt động có quy mô, giá trị lớn, tạo dấu ấn riêng của thanh niên Bộ LĐ-TB&XH" anh Hiệp chỉ rõ.
Từ lắng nghe, thấu hiểu đến đồng hành cùng thanh niên
Đoàn Bộ LĐ-TB&XH luôn xác định công tác chính trị tư tưởng cho các đoàn viên là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
"Công chức, viên chức tại cơ quan trung ương có vị trí vai trò trọng yếu, đặc biệt là những vị trí làm công tác tham mưu, thực thi chính sách với những tác động trực tiếp đến hiệu quả, hiệu lực của hệ thống chính trị và sự vận hành đời sống xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh Internet bùng nổ, trên không gian mạng luôn tiềm ẩn những thông tin xấu độc, phản động thì công tác định hướng tư tưởng cho đoàn viên luôn được đặt lên hàng đầu", Bí thư Đoàn Bộ LĐ-TB&XH phân tích.
Công tác định hướng Tư tưởng được triển khai bài bản, sáng tạo và gắn với thực tiễn.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là chương trình sinh hoạt chính trị cho đoàn viên với chủ đề "Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh" được truyền tải thông qua vở kịch "Lá đơn thứ 72".
Hình thức mới mẻ này đã thu hút được trên 300 đoàn viên tham gia, nâng cao rõ rệt hiệu quả của việc sinh hoạt chính trị. Thông qua vở kịch, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác trở nên gần gũi, trực quan và đi sâu vào nhận thức của thế hệ trẻ.
Để lắng nghe thanh niên, ngoài thông qua các kênh của Đoàn; các cấp đoàn đã đề xuất tổ chức nhiều buổi gặp mặt, đối thoại với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị để tạo cơ hội cho đoàn viên: bày tỏ tư tưởng, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn và đóng góp tâm huyết cho những công việc chung.
Để đồng hành cùng thanh niên trong nâng cao trình độ, kỹ năng làm việc, Đoàn Bộ LĐ-TB&XH triển khai 7 hoạt động tập huấn, tọa đàm về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, thu hút hơn 400 lượt đoàn viên tham gia.
Để chăm lo đời sống tinh thần của thanh niên, các hoạt động văn hóa, thể thao và gặp mặt dành cho đoàn viên được đẩy mạnh, tạo môi trường công tác vui tươi, tích cực, tập thể gắn kết để đoàn viên phấn đấu, rèn luyện.
Năm chuyển đổi số: AI hỗ trợ hoạt động đoàn, số hóa công tác quản lý
Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được sử dụng để hỗ trợ xây dựng hoạt động đoàn của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH, các cuộc họp không giấy; công tác quản lý đoàn viên được "số hóa" hoàn toàn…
Những điểm nhấn về công tác chuyển đổi số hoạt động đoàn cho thấy quyết tâm mạnh mẽ cũng như tính sáng tạo, tiên phong của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH trong việc cụ thể hóa "Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn" theo chủ đề công tác năm do Trung ương Đoàn đặt ra.
Theo anh Nguyễn Trọng Hiệp, tinh thần chuyển đổi số đã được các cấp Bộ Đoàn thể hiện rõ nét trong cả công tác đoàn và công tác chuyên môn.
Đoàn Bộ LĐ-TB&XH đã thiết lập và triển khai hệ thống quản lý văn bản trên hệ thống eMolisa (toàn bộ văn bản được lưu trữ, phân công, ký số, phát hành trên hệ thống online, không gửi văn bản giấy như trước đây).
Triển khai đồng bộ các nghiệp vụ công tác đoàn trên hệ thống phần mềm quản lý đoàn viên (kết nạp; chuyển đến - đi; trưởng thành đoàn; chương trình rèn luyện; đánh giá, xếp loại...).
Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm trực tuyến để tối ưu hóa thời gian và tiết kiệm kinh phí như: Họp trực tuyến qua Zoom, Microsoft Team; cung cấp tài liệu qua mã QR Code; báo cáo nhanh qua Google Drive; sửa văn bản trực tiếp trên Google docs… thay cho cách làm truyền thống trước đây.
Đặc biệt, hoạt động được lan tỏa thông qua các hình thức truyền thông hiện đại phù hợp với tuổi trẻ.
"Chuyển đổi số mang lại những lợi ích rõ rệt trong các hoạt động đoàn. Một ví dụ điển hình là các chương trình lớn của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH đã được truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Chuyển thể thông tin, chương trình thành đồ họa bằng trí tuệ nhân tạo; livestream trực tiếp trên Fanpage; video highlight sau chương trình.
Phương thức mới này giúp tạo thư viện kiến thức trực tuyến và mở rộng số lượng đoàn viên tiếp cận thông tin.
Thông qua đó, các chương trình được lan tỏa rộng rãi và tạo sự thu hút với các đoàn viên thanh niên", anh Hiệp phân tích, nêu bật vai trò của truyền thông là để lan tỏa thông điệp và kết nối để tạo sức mạnh, chứ không phải chỉ dừng lại ở việc báo cáo kết quả.
Hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số, Đoàn Bộ LĐ-TB&XH tổ chức nhiều buổi tọa đàm, diễn đàn để trao đổi về ứng dụng thực tế của trí tuệ nhân tạo trong thực thi công vụ.
Những kiến thức chia sẻ được đoàn viên hưởng ứng và vận dụng tích cực vào thực tế công việc, có thể kể đến như việc ứng dụng AI trong việc: Chuyển báo cáo chữ thành bài trình bày; thiết kế banner; dự thảo bài phát biểu; phân tích số liệu…
Dấu ấn "Trẩy hội trăng rằm"
Ngày 24/7, hơn 700 em thiếu nhi là con của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ LĐ-TB&XH vỡ òa với các tiết mục đặc sắc trong chương trình Trung thu "Trẩy hội trăng rằm" do Đoàn Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.
Tới dự và phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà hoan nghênh Đoàn Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Tết Trung thu rất quy mô, ý nghĩa và thiết thực cho trẻ em của Bộ LĐ-TB&XH.
Thứ trưởng cũng đề nghị các bậc phụ huynh bên cạnh nỗ lực hoàn thành công việc nên dành nhiều thời gian chăm sóc, dạy bảo các cháu, trở thành những công dân có ích của xã hội.
Theo anh Nguyễn Trọng Hiệp, "Trẩy hội trăng rằm" là chương trình có quy mô lớn nhất của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH trong mùa Trung thu.
"Đến với đêm hội, các bạn nhỏ được hòa mình trong không gian của tuổi thơ với những hình ảnh về Tết Trung thu truyền thống với chú Cuội, chị Hằng, mâm cỗ trông trăng, bến nước, sân đình ngày xưa...
Chương trình được tổ chức với nhiều tiết mục phong phú, với sự góp mặt của hơn 100 diễn viên tham gia, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: NSƯT, diễn viên hài Minh Vượng; NSƯT Thu Hà; diễn viên hài Hà Ruồi; Quán Quân giọng hát Việt Nhí Kiều Minh Tâm…", Bí thư Đoàn Bộ LĐ-TB&XH thông tin.
Theo thống kê, riêng trong năm 2023, đã có 13 hoạt động dành riêng cho con em công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH như Trung thu, Quốc tế thiếu nhi, khám sàng lọc tâm lý..., với hơn 1.000 lượt trẻ em tham gia.
Các hoạt động văn hóa, thể thao và gặp mặt dành cho đoàn viên được đẩy mạnh, tạo môi trường công tác vui tươi, tích cực, tập thể gắn kết để đoàn viên phấn đấu, rèn luyện.
"Muốn củng cố, phát triển tổ chức đoàn thì tổ chức đoàn phải hiểu rõ thành viên của mình, tức các đoàn viên, như thế nào, họ có mong muốn gì, họ đang sống, làm việc, học tập ra sao…
Từ đó, tổ chức đoàn có nội dung cách thức tác động tích cực vào các thành viên, làm cho chất lượng được nâng cao và khi đó tổ chức đoàn được củng cố và phát triển", anh Hiệp nhấn mạnh.
Hướng đến năm 2024 bùng nổ hơn
Bí thư Đoàn Bộ LĐ-TB&XH nhận định, những kết quả đạt được trong năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vai trò, vị thế ngày càng được nâng cao của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH.
Công tác đoàn năm 2024 tiếp tục bám sát 4 định hướng lớn được vạch ra dựa trên đặc thù của Đoàn Bộ LĐ-TB&XH, tiên quyết phải hướng tới phát huy vai trò của thanh niên trong thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Bộ:
Thứ nhất, công tác chính trị, tư tưởng, góp phần củng cố lý tưởng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên của Bộ LĐ-TB&XH phải được đặt lên hàng đầu.
Thứ hai, việc chăm lo cho đời sống tinh thần, đồng hành cùng thanh niên Bộ LĐ-TB&XH phải được chú trọng đặc biệt, qua đó xây dựng môi trường tập thể gắn kết, thúc đẩy thanh niên cống hiến cho mục tiêu chung của đơn vị và của Bộ LĐ-TB&XH.
Thứ ba, tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho thanh niên, đặc biệt là phát huy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào cả nhiệm vụ chuyên môn và công tác đoàn.
Thứ tư, các hoạt động phong trào, an sinh xã hội phải được lồng ghép hiệu quả với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ.
"Những thành công và kinh nghiệm trong công tác đoàn 2023 là bàn đạp để tuổi trẻ Bộ LĐ-TB&XH "bùng nổ" hơn nữa trong công tác đoàn năm 2024, cũng như tiếp tục nỗ lực, thi đua, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, chương trình công tác toàn khóa đã đề ra", anh Hiệp nhấn mạnh.