Một thế hệ đang bị hủy hoại

(Dân trí) - "Từ khi còn nhỏ, chúng tôi đã nhìn thấy súng và xe tăng. Thế hệ trẻ Palestine chúng tôi gần như bị bỏ rơi, sống cực đoan, bạo lực và bi quan. Điều duy nhất mà chúng tôi mong muốn là được cầm súng chiến đấu chống lại Israel". Raed Debie, 24 tuổi, sinh viên Đại học An Najah, Palestine tâm sự.

Họ là những đứa trẻ của phong trào Intifada lần thứ hai bắt đầu vào năm 2000, lớn lên ở một vùng lãnh thổ bị chia cắt bởi chiến tranh, bị tàn phá bởi bạo lực và bị các rào chắn và trạm kiểm soát tách biệt với thế giới bên ngoài. Intifada là cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại người Israel ở Bờ Tây và dải Gaza. 

Issa Khalil, 25 tuổi, giãi bày: "Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì tốt đẹp trong cuộc sống". Issa đã bị bắt vì tội ném đá trong phong trào Intifada đầu tiên (bắt đầu từ cuối thập niên 1980 và kéo dài đến năm 1993 khi Hiệp định Oslo với Israel được ký kết) và cũng bị bắt trong phong trào Intifada lần thứ hai.

Các trạm kiểm soát, rào chắn... do Israel lập nên để bảo vệ công dân Israel khỏi những người Palestine đánh bom cảm tử, đã giới hạn chân trời của họ. Các biện pháp an ninh càng được thắt chặt hơn khi nhóm Hồi giáo Hamas, được Israel xem là quân khủng bố đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006.

 

Nhiều người Israel cho rằng thế hệ thanh niên Palestine hiện tại cực kỳ quá khích và đó là sản phẩm của những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo đã ủng hộ các hành động bạo lực chống lại Israel.

 

Theo nghiên cứu của Trung tâm điều tra và nghiên cứu chính sách Waleed Ladaweh của Palestine, thế hệ thanh niên Palestine ngày nay thích đấu tranh vũ trang hơn thế hệ cha mẹ họ. Bạo lực không chỉ nhằm vào Israel mà còn hướng vào những người khác. Shadi el - Haj, một thanh niên 20 tuổi tâm sự: "Chúng tôi bị đẩy vào tình trạng cực đoan hơn, hiếu chiến hơn. Chúng tôi muốn là người Palestine, giống như thế hệ intifada đầu tiên. Nhưng ai đã xô đẩy chúng tôi vào tình thế như vậy?" Điều đáng nói hơn, thế hệ này đã mất niềm tin vào các giải pháp chính trị. Shadi chua chát: "Chúng tôi như chưa từng hy vọng vào một nhà nước thực sự".

 

Ở trại tị nạn Nuseirat ở Gaza, hai vợ chồng Najwa và Taher el - Assar ngồi trầm ngâm về số phận của 3 đứa con: Muastafa, 5 tuổi; Ahmed, 4 tuổi và Salma vừa mới sinh.

 

Assar nhận xét: "Những đứa con trai ngày càng trở nên dữ dội theo cách của chúng. Ahmed thì rất hung bạo đối với anh trai". Mới 5 tuổi nhưng Mustafa đã nghĩ đến chuyện đánh bom tự sát chống lại Israel.

 

Chính những tiếng máy bay, tiếng đại bác hàng ngày đã ảnh hưởng đến chúng. Hầu như những đứa trẻ ở Gaza đều biết phân loại vũ khí, biết rõ về rocket mang tên Quassam mà chiến binh Palestine bắn vào miền Nam Irsael.

 

Assar tâm sự: "Tôi cảm thấy không thể bảo vệ, che chở cho chúng. Ai cũng hạnh phúc khi có con, nhưng lạy chúa, điều gì xảy ra khi Mustafa 19 tuổi và được chiêu mộ vào một nhóm chiến binh nào đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu như một ngày nào đó tôi xem được bản tin trên truyền hình và thấy đứa con tôi đã thâm nhập vào Israel và đánh bom tự sát...".

 

Trước đây, người Palestine mơ ước xây dựng một nhà nước mới, giờ thì nhiều người từ bỏ ước mơ đó và nung nấu ý chí tìm đường bỏ trốn. Theo điều tra của trường Đại học Bizeit, 35% người Palestine trên 18 tuổi đều muốn ra nước ngoài. Moayyed Haj Hussein, 22 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin. Anh tự nhận mình là một người Palestine yêu nước, nhưng "mọi thứ ở đây chỉ có thể tồi tệ thêm mà thôi". Anh mong mỏi tìm một công việc phù hợp và tìm cách đến Mỹ nhưng vượt ra ngoài biên giới Palestinecũng giống như lên trời vậy.

 

H.H

Theo AP