Lối sống độc hại của Gen Z: Thức khuya là "tiền đề" dẫn đến trầm cảm
(Dân trí) - Các bạn trẻ hoạt động về đêm với tần suất liên tục, thường xuyên thức khuya, có thể phải gánh những hậu quả nặng nề khó lòng tưởng tượng.
Hiện nay, xu hướng hoạt động về đêm ở giới trẻ ngày càng phổ biến. Các bạn trẻ dành ra khoảng thời gian mà thế hệ trước dùng cho nghỉ ngơi thư giãn để làm việc, giải trí. Họ đang sống trong độ tuổi có sắc đẹp, sức khỏe, các cơ quan của cơ thể đang hoạt động khỏe mạnh nên thường lãng quên lời khuyên của chuyên gia, bác sĩ về tác hại của việc thức khuya.
Đêm khuya là khoảng thời gian riêng tư, thuận tiện cho hoạt động cá nhân
Bàn về vấn đề thức khuya, bạn Bùi Thị Chung (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: "Mình thường xuyên thức đến một giờ sáng để làm bài tập.
Hiện mình đang là sinh viên, ngoài việc đi học, mình còn phải đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập giúp đỡ cha mẹ. Vậy nên mình phải phân chia thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc đi học, đi làm và ôn tập kiến thức".
Chung chia sẻ bản thân thích học vào ban đêm bởi đó là thời gian riêng tư, không bị quấy nhiễu hay làm phiền. Điều đó làm Chung cảm thấy yên tĩnh, tập trung, có hiệu quả, dễ tiếp thu kiến thức hơn. Vào những hôm rảnh rỗi, Chung thường xem phim, lướt Facebook, đọc sách vào đêm khuya để thư giãn, giải trí.
Bên cạnh đó, cô chọn làm việc vào thời gian "nửa đêm, giờ Tý, canh ba" do nó đã trở thành thói quen khó có thể thay đổi. Bởi việc thức khuya lâu ngày đã làm thay đổi đồng hồ sinh học và sinh lý trong cơ thể mỗi người.
Khi được hỏi đến tác hại của việc thức khuya, Chung cho biết: "Mình biết thức đêm nhiều có tác hại rất lớn đối với sức khỏe, gây mệt mỏi cho cơ thể vào ngày mới.
Nhưng do yếu tố học hành, công việc nên ngủ sớm là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe mình luôn cố gắng ngủ đủ giấc, mỗi ngày 8 tiếng để cơ thể đỡ mệt mỏi".
Những giai đoạn của một chu kỳ ngủ sinh lý
Theo Quỹ Giấc ngủ Quốc gia Mỹ, khi đi ngủ, cơ thể và não bộ sẽ trải qua nhiều chu kỳ ngủ khác nhau, gồm 4 giai đoạn:
Giai đoạn N1: Là giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ, con người rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Giai đoạn N2: Ở giai đoạn này, cá thể chính thức bước vào giấc ngủ, chúng ta sẽ không còn nhận thức, cảm nhận được những việc đang xảy ra xung quanh mình.
Giai đoạn N3: Là khi chúng ta ngủ sâu nhất, đây là lúc cơ thể được phục hồi và nạp năng lượng mạnh mẽ nhất. Ở giai đoạn này, nhịp thở sẽ chậm lại, huyết áp được hạ xuống, các cơ thư giãn, một số loại hormone đặc trưng sẽ tiết ra độc tố hỗ trợ cho việc thải độc, phục hồi sức lực.
Giấc ngủ REM: Đây là giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ ngủ và nó thường chiếm tới 25% thời lượng mỗi giấc ngủ. REM là giai đoạn não của cá thể hoạt động mạnh mẽ nhất.
Những giấc mơ bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn này, bên cạnh đó mắt cũng sẽ chuyển động liên tục dưới mi mắt. REM là giai đoạn tăng cường mạnh mẽ năng lực thần kinh và thể chất của con người để sẵn sàng cho việc tỉnh giấc.
Thức khuya lâu dài dễ dẫn đến căn bệnh khó chữa: Trầm cảm
Nói về lối sống thức khuya của Gen Z, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn đến từ Bệnh Xá Quân Y Nhà Máy Z111 cho hay: "Hiện nay, các bạn trẻ thức khuya ngày càng nhiều với mật độ dày đặc và bỏ ngoài tai lời khuyên của bác sĩ .
Đối với mỗi người, giờ giấc sinh lý chiếm vai trò quan trọng. Chúng ta nên đi ngủ trước 22 giờ và thức dậy trước 6 giờ sáng để đón bình minh, hít thở không khí trong lành và tập thể dục".
"Nếu thức khuya nhiều, hiệu suất làm việc sẽ không cao, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đặc biệt nó còn gây ra rối loạn thần kinh cũng như hệ tiêu hóa, giảm thị lực do tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh.
Trong trường hợp bắt buộc phải thức khuya để làm việc, cá nhân phải đảm bảo ngủ đủ giấc mới đủ sức để hồi phục, cải thiện thời gian ngủ để thay đổi nhịp sinh lý sao cho phù hợp.
Khi thức khuya, con người sẽ có nhu cầu sử dụng chất kích thích như trà, cà phê, nước tăng lực để giúp bản thân tỉnh táo hơn. Nhưng họ không biết rằng mình đã vô tình gây nên những căn bệnh nguy hiểm như: Tiểu đường, béo phì, tim mạch, thần kinh", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bác sĩ cho biết khi thức đêm nhiều hệ thống men tiêu hóa, dạ dày, ruột non sẽ phải làm việc trái quy luật nên dễ gây ra các bệnh về đường ruột. Chất kích thích từ đồ uống giúp tỉnh táo làm tăng tính axit trong dạ dày.
Thức đêm nhiều còn làm suy giảm trí nhớ, rối loạn nội tiết tố. Đặc biệt, thức khuya thường xuyên sẽ gây ra căn bệnh trầm cảm - căn bệnh thế kỷ XXI.
Theo bác sĩ Sơn, các bạn trẻ làm việc vào ban đêm buộc phải đảm bảo ngủ đủ giấc (8 giờ/ngày) để tránh tình trạng thiếu ngủ lâu dần thành mất ngủ triền miên.
Mất ngủ là căn bệnh khó chữa, cần đi khám, chữa trị nếu có biểu hiện. Bởi nếu dùng thuốc không theo hướng dẫn, thăm khám của bác sĩ sẽ dẫn đến bệnh ngày càng nặng nề hơn, có nguy cơ phải dùng thuốc suốt đời.
Để có giấc ngủ sâu, khoa học, trước khi đi ngủ các bạn có thể nghe nhạc, xem phim hài để thư giãn, làm dịu thần kinh, tập các động tác giúp cơ thể thoải mái để có giấc ngủ ngon.
Tuổi trẻ làm việc, kiếm tiền học hỏi là điều đáng trân trọng, nhưng sống trong thời đại "lắm tiền nhiều bệnh" các bạn trẻ cần tìm hiểu, trang bị cho mình kiến thức sống khoa học, tránh trẻ hóa bệnh tật và các bệnh lý khi về già.