Khóc sưng mắt vì sợ người khác bàn tán về mình: Phải làm sao để ngừng tự ti?
(Dân trí) - "Đừng quan tâm cái nhìn của người khác về mình" đã trở thành một khẩu hiệu quen thuộc của giới trẻ bấy lâu nay. Tuy nhiên, làm được điều này có đơn giản như những gì mọi người vẫn thường nói?
Người trẻ đang quá để tâm đến cái nhìn của người khác về mình
Khi còn nhỏ, chúng ta không bận tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình như lúc trưởng thành. Chúng ta sẵn sàng nói lên những ý tưởng, ước mơ "điên rồ" mà không sợ bị phán xét.
Kỳ lạ thay khi lớn lên, khi suy nghĩ của chúng ta trưởng thành hơn, hiểu biết hơn thì đó cũng là lúc bắt đầu xuất hiện nỗi sợ về việc người khác sẽ đánh giá, nhận xét mình. Chúng ta luôn lo lắng và dành thời gian bận tâm về việc khi làm một điều gì đó, liệu họ có chê cười mình, có bị nhận xét, đánh giá hay không.
Linh Đan, sinh viên Đại học Ngoại ngữ tâm sự: "Mình vẫn tự tin cho đến khi bị một số người nói về những khuyết điểm trên khuôn mặt mình, từ đó mỗi khi ra ngoài thấy người khác bàn tán, mình bất giác nghĩ họ đang nói về mình, có thể họ nói mũi tẹt quá, mặt nhiều mụn quá và vô số những vấn đề khác. Vì vậy, có thời gian mình không muốn chụp ảnh, không muốn thấy bản thân trong gương.
Trong đầu luôn lo lắng cái nhìn của người ngoài về mình nên mình ít khi thể hiện cái tôi của bản thân. Mình đam mê nhảy trên những nền nhạc K-pop nhưng cũng vì sợ mọi người bàn tán, nhận xét nên chỉ dám nhảy trước mặt người thân. Mình lo lắng khi mình nhảy, mọi người lại có lời ra lời vào bàn tán, mình thấy sợ những lời bàn tán đó".
Thanh Thảo, hiện đang là sinh viên Đại học Luật cũng chia sẻ: "Trước đây mỗi khi đăng ảnh, mình sẽ hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần xem đăng ảnh này có đẹp không? Hay khi muốn thay đổi sang phong cách nữ tính hơn, mình lại chần chừ vì không biết mọi người thấy thế nào, có bàn tán gì không?
Ngành học của mình là Luật kinh tế nhưng mình nhận ra bản thân yêu thích và có năng khiếu trong việc dẫn chương trình. Mình muốn làm MC nhưng lại sợ mọi người nói rằng học làm luật sư mà lại muốn làm MC nên mình không dám thể hiện bản thân, một phần nữa cũng vì lo sợ sẽ bị nhận xét về ngoại hình, kỹ năng chưa phù hợp".
Hai câu chuyện trên mà nhân vật chia sẻ chỉ là số ít trong rất nhiều câu chuyện vì lo lắng cái nhìn, suy nghĩ của người khác về mình mà không dám thể hiện bản thân. Người trẻ dường như đặt cái nhìn của người khác lên làm sự ưu tiên, họ luôn bị mắc trong vòng suy nghĩ liệu mình làm thế này có được không? Mình mặc bộ quần áo này có bị mọi người nói không và hàng trăm câu hỏi khác.
Vì sao chúng ta lại quan tâm đến cái nhìn của người khác? Làm thế nào vượt qua rào cản đó?
Đây có lẽ là sự trưởng thành tự nhiên, khi chúng ta nhận thức được những chuẩn mực, phép tắc, biết được những gì nên làm và không nên, từ đó bắt đầu sự để tâm đến cái nhìn của người khác.
Bạn Đàm Thành Đạt (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Theo mình, lý do phần lớn người trẻ hiện nay quan tâm nhiều hơn đến cái nhìn của người khác là vì sự phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, mỗi người có thể tự do bình luận về một vấn đề trên mạng.
Điều này vô hình chung tạo ra thói quen ngại cái nhìn, ngại bị săm soi của nhiều bạn trẻ, từ đó đánh mất nhiều cơ hội thể hiện bản thân cũng như con người thật của mình để chạy theo các quy chuẩn chung của xã hội. Vì vậy, mỗi người cần phải tự ý thức về những phát ngôn của mình trên mạng xã hội vì có thể đó là con dao vô hình giết chết sự tự tin của người khác.
Gần đây, mình có nghe một bài hát của nhóm nhạc (G)-IDLE và thực sự ấn tượng với phần lời có thông điệp self - love (yêu bản thân - PV) vô cùng ý nghĩa. Theo mình, việc nghe nhiều các bài hát có chủ đề như vậy cũng là một cách hay để giúp chúng ta có thêm động lực thể hiện bản thân, ngoài ra các bạn có thể đọc sách, nghe podcast, sử dụng mạng xã hội ít hơn để chữa lành bản thân".
Linh Đan từ một người ngại nhảy trước nhiều người đã đứng trên sân khấu biểu diễn, cô cho biết: "Mình học cách chăm sóc da, học trang điểm để trở nên xinh đẹp. Về đam mê nhảy của mình, mình tham gia vào nhiều hoạt động của trường, chăm chỉ tập luyện để có thể thoải mái thể hiện đam mê.
Nỗi sợ nào cũng cần có thời gian để vượt qua, sự động viên và thấu hiểu từ mọi người là yếu tố quan trọng, nhờ mọi người mà mình nhận ra cái nhìn của người ngoài về mình thế nào không thực sự quan trọng, mình đã tự tin và biết yêu bản thân nhiều hơn".
"Mình nghĩ mình và nhiều bạn trẻ chịu tác động từ bên ngoài, nhất là khi mạng xã hội phát triển, chúng ta bị để ý hơn đến những lời nói, bình luận của mọi người. Ai cũng muốn khi đăng ảnh sẽ nhận những lời khen chứ không phải bị chê bai, phán xét.
Mình cũng đã từng vì quá quan tâm đến cách nhìn của người khác về bản thân mà đánh mất nhiều cơ hội. Chẳng hạn như mình thích các lĩnh vực báo chí, văn học, mình có dự định thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng sau khi thấy một số người có định kiến và một vài nhận xét không hay về nhà báo nên mình không thi nữa.
Đó là điều mình thấy hối hận và rút ra được từ việc sống phụ thuộc vào cái nhìn người khác. Mình nhận ra chẳng có ai làm hài lòng được tất cả mọi người nên việc chúng ta cần làm đó là nắm rõ giá trị của bản thân, tự tin theo đuổi điều mình thích", Lan Anh (sinh viên Học viện Ngoại giao) chia sẻ.
Thanh Thảo lại cho rằng việc người trẻ luôn đặt cái nhìn và suy nghĩ của người khác về mình làm sự ưu tiên là do chính bản thân mỗi người: "Có lẽ mình bị như vậy là do chưa thực sự hiểu rõ bản thân, mình còn tâm lý lo sợ những lời chê bai, phán xét, sợ những ánh nhìn của người khác về mình. Từ đó luôn cố gắng để làm hài lòng tất cả mọi người.
Hiện tại, thay vì hỏi ý kiến người khác, mình đã tự nhìn nhận lại bản thân một cách khách quan nhất. Biết được những ưu điểm, nhược điểm để từ đó thay vì lo ngại cái nhìn của người khác, mình sẽ tập trung vào phát triển bản thân, cố gắng nỗ lực để thực hiện đam mê, mục tiêu của mình; học hỏi, trau dồi những kiến thức, kỹ năng mà mình chưa biết; trải nghiệm thực tế nhiều hơn để sau mỗi lần va vấp có thêm kinh nghiệm.
Bên cạnh đó những lời góp ý, nhận xét mình đón nhận một cách cởi mở để hoàn thiện bản thân. Bây giờ mỗi khi đăng ảnh hay mặc một chiếc váy xinh xắn mình không còn bận tâm quá nhiều đến suy nghĩ của người khác, điều này làm cuộc sống của mình dễ chịu và ý nghĩa hơn rất nhiều", Thanh Thảo chia sẻ.
Thật ra người khác không để ý chúng ta nhiều như cách mà ta vẫn nghĩ
"Có đêm mình khóc sưng mắt nhưng hôm sau mình chỉ lo lắng về việc bạn bè, những người xung quanh có bàn tán gì mình không, có thấy mắt mình khác thường không mà chẳng còn để tâm đến cảm xúc của bản thân.
Mình hỏi bạn bè là hôm nay nhìn mình có khác không và câu trả lời nhận được là mọi người không để ý. Từ đó mình nhận ra là thực sự họ không để ý đến mình như mình nghĩ", Linh Đan chia sẻ.
Mỗi người cần phải hiểu rằng mình không thể điều khiển suy nghĩ và cái nhìn của người khác. Việc làm hài lòng tất cả mọi người là điều rất khó thực hiện, có thể hôm nay họ nhìn mình không tốt nhưng ngày mai, suy nghĩ, định kiến của họ lại thay đổi.
Vì vậy, ánh nhìn của người khác về mình thực sự không quan trọng đến thế, chúng ta chỉ cần sống đúng với cảm xúc, ước mơ của mình. Tuy nhiên, điều đó vẫn phải dựa trên một chuẩn mực nhất định của xã hội. Một khi từ bỏ việc nghĩ quá nhiều về ý kiến và suy nghĩ của người khác, chúng ta sẽ tìm thấy con người thật của mình.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng người khác không để ý chúng ta như cách mà ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, phần lớn thời gian của họ có thể cũng đang bận tâm về việc người khác nhìn họ thế nào. Hóa ra vô tình chúng ta đều lãng phí thời gian vào việc bận tâm xem người khác nhìn mình với ánh mắt ra sao.
Cuộc sống này quá ngắn chỉ để đoán xem người khác nghĩ gì và cố gắng làm hài lòng tất cả. Bạn không thể kiểm soát những gì người khác nói nhưng hoàn toàn có thể chọn cách phản ứng với những điều tiêu cực xảy đến, yêu quý bản thân và sống lạc quan hơn.