Người trẻ "tô vẽ" bản thân hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế

Thuỳ Dương

(Dân trí) - Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đã có những tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành vi của giới trẻ ngày nay. Nhiều người xa rời cuộc sống thực tế, đến với cuộc sống mới mang tên "sống ảo".

Việc "sống ảo" sẽ chẳng đáng lên án nếu như nó không ảnh hưởng gì đến cuộc sống mọi người. Tuy nhiên nếu việc đó là hành động có đầu tư, có chủ ý và gây tác động đến người khác thì khó có thể chấp nhận.

Khi cuộc sống thiếu thốn, không được như mong đợi, nhiều người trẻ "mượn" ảnh, "mượn" sự giàu có của người khác để thỏa mãn bản thân, xây dựng mình thành một con người khác thực tế.

Lấy hình ảnh của người khác để "tô vẽ" cho bản thân

Người trẻ tô vẽ bản thân hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế - 1

Câu chuyện lấy ảnh người khác "sống ảo", bị chính chủ "bóc phốt" không hiếm (Ảnh chụp màn hình).

Không khó để tìm kiếm những câu chuyện lấy ảnh của người khác để xây dựng một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội.

Một người dùng Facebook đã tình cờ phát hiện ảnh chụp bữa ăn của mình bị người khác lấy cắp. Cô tỏ ra không mấy vui vẻ khi hình ảnh của mình bị lợi dụng.

Cũng gặp tình trạng giống chủ tài khoản trên, Hương Thảo (20 tuổi), hiện đang là sinh viên và người mẫu tự do chia sẻ: "Mình thấy tình trạng này xảy ra phổ biến đối với các bạn có nhiều người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Khi biết ảnh mình bị người khác sử dụng, mình cảm thấy không được tôn trọng.

Mình đã nhắn tin với tài khoản giả mạo, yêu cầu xóa và không sử dụng hình ảnh của mình nhưng sự việc vẫn tiếp tục nên mình phải đăng bài đính chính để mọi người tránh bị lừa đảo.

Không chỉ dừng lại ở việc sử dụng hình ảnh lấy tương tác, tài khoản ấy còn đi nhắn tin cho các bạn nam với mục đích lừa tiền nên mình rất bức xúc với hành vi này".

Người trẻ tô vẽ bản thân hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế - 2

Hương Thảo bị lấy cắp hình ảnh, giả mạo cô trên mạng xã hội (Ảnh NVCC).

Theo báo cáo nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam năm 2020 của Hội đồng Anh chỉ ra thực trạng ghen tỵ vì những gì người khác thể hiện trên mạng xã hội.

Báo cáo nhận định mạng xã hội mang đến nhiều thách thức cho giới trẻ, đặc biệt là những người xuất phát điểm không đủ điều kiện như mong đợi. Điều này giống với chia sẻ của Hương Thảo về tình trạng bị "fake" ảnh thường xảy ra ở những người có lượng người theo dõi cao.

Người trẻ tô vẽ bản thân hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế - 3
Người dùng giả mạo dùng ảnh Thảo để lấy tương tác và lừa tiền (Ảnh chụp màn hình).

Tương tự, Mai Anh (20 tuổi, sinh viên) bị người khác lấy ảnh và sử dụng trong suốt 4 năm: "Mình hoàn toàn không biết đến việc hình ảnh của mình bị người khác "mượn" cho đến khi có nhiều người trong miền Nam nhắn tin hỏi mình, mình mới biết.

Người trẻ tô vẽ bản thân hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế - 4

Mai Anh bày tỏ quan điểm không đồng tình về hành vi sử dụng ảnh người khác (Ảnh NVCC).

Mình thấy rất phiền phức vì có thời gian nhiều người nhắn tin cho mình. Cả ảnh thú cưng và ảnh gia đình mình bị sử dụng một cách ngang nhiên. Mình đã nhắn tin trực tiếp với tài khoản đó nhưng bị block và đổi tên, người giả danh đã dùng với mục đích "câu" tương tác và gửi clip nhạy cảm dưới tên mình.

Là một người bị "fake" ảnh nhiều, mình cảm thấy đó là hành động chứng tỏ suy nghĩ lệch lạc, muốn lừa mọi người và có thể cho là sống dưới vỏ bọc của người khác".

"Insta Lie" - trưng lên mạng những điều bóng bẩy, khác xa với thực tế

Ditch the Label - tổ chức phi lợi nhuận chống bắt nạt và thúc đẩy bình đẳng có trụ sở tại Anh mới đây đã giới thiệu video: "Bạn đang sống kiểu Insta Lie? Mạng xã hội và thực tế?". Video này đã nhận được sự quan tâm lớn. Với độ dài hơn 3 phút, video đã phơi bày sự thật đằng sau những bức ảnh lung linh được đăng trên mạng xã hội.

Một cô gái thức dậy, vệ sinh cá nhân rồi chải chuốt trang điểm nhưng trở lại giường chụp ảnh và đăng lên với hastag #iwokeuplikethis (tôi thức dậy thế này - PV); một chàng trai ra khỏi ô tô, đội mũ bảo hiểm lên xe đạp và chụp ảnh với chú thích "Hoàn thành 30km đi xe đạp"…

Những hành động lừa dối được nhắc đến trong video kể trên và cả hành vi lấy ảnh của người khác như các nhân vật đã chia sẻ được gọi tên với thuật ngữ mới "Insta Lie", nghĩa là trưng lên mạng những điều bóng bẩy, khác xa với thực tế.

Vì sao họ phải xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội khác với ngoài đời? Vì sao họ phải lấy ảnh của người khác chỉ để có nhiều lượt thích, bình luận?

Trong thời đại mạng xã hội gắn liền với con người, khoe cuộc sống riêng lên mạng là điều thường thấy. Nhưng nếu bạn đang xây dựng cuộc sống "ảo" khác xa với thực tế, sử dụng ảnh cá nhân, ảnh thú cưng và cả ảnh gia đình người khác chỉ để tạo nên một hình ảnh hoàn hảo trên mạng xã hội thì đó là "sống ảo lệch lạc".

Hành vi "sống ảo lệch lạc" dưới góc nhìn tâm lý học

"Việc ai cũng phơi bày một cuộc sống đẹp đẽ, sang trọng trên mạng dẫn đến một cơ chế mà trong tâm lý học gọi là cơ chế lây lan, đồng nhất hóa. Trong một không gian mạng như vậy, các bạn sợ mình bị cô độc, bị khác so với số đông nên các bạn cũng cố gắng để có được cuộc sống hoàn hảo trên mạng.

Với một lượng lớn những người trẻ tuổi tham gia tương tác trên mạng xã hội khi tâm sinh lý vẫn chưa ổn định, chưa đủ kiến thức xã hội và bản lĩnh vững vàng, việc chạy theo những giá trị ảo, không thuộc về mình là điều dễ hiểu", cô T.H - giảng viên Tâm lý học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết.

Theo giảng viên Tâm lý học này, nguyên nhân dẫn đến việc một số người thích "tô vẽ" bản thân bóng bẩy trên mạng xã hội trong khi cuộc sống thực tế lại không được như vậy có lẽ xuất phát từ tâm lý muốn được bù đắp.

Người trẻ tô vẽ bản thân hào nhoáng trên mạng xã hội, khác xa với cuộc sống thực tế - 5
Thu Trang chia sẻ mỗi người phải cố gắng bằng chính khả năng của mình (Ảnh NVCC).

Khi cuộc sống thiếu thốn về tình cảm, vật chất, không nhận được sự chú ý nhưng lại chưa đủ năng lực để thực hiện, họ chọn cách sống dưới cuộc sống của người khác để chứng tỏ mình xinh đẹp, giàu có…

"Mình nghĩ môi trường sống, cách giáo dục của gia đình và nhà trường có tác động không nhỏ đến hành động "sống ảo" sai lệch của một bộ phận của người trẻ nhưng bản thân mình vẫn là yếu tố quyết định.

Mỗi người đều phải biết bản thân muốn gì và cố gắng bằng chính khả năng của mình để có được cuộc sống mong ước", Thu Trang (20 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ.

Những người này cần yêu bản thân và chấp nhận mọi thứ thuộc về mình hơn là cố gắng trở thành một con người khác.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác chỉ để lấp đầy sự kỳ vọng của bản thân là việc làm vô nghĩa, nó sẽ khiến người đó ngày càng chìm vào thế giới ảo. Mạng xã hội chỉ nên là nơi lưu giữ kỷ niệm và chia sẻ những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống.

Bình luận (0)
để gửi bình luận