Bí quyết đơn giản bất ngờ để thành công khi đi tìm việc
(Dân trí) - Tìm một công việc mới có thể rất căng thẳng vì bạn mất nhiều giờ để soạn đơn xin việc, kết nối với người lạ. Trên hết là cảm giác buồn bã khi bị từ chối bởi một công ty mà bạn thực sự hứng thú.
Mặc dù bị từ chối là điều khó tránh khỏi trong quá trình tìm kiếm việc làm nhưng thật khó để không cảm thấy thất bại hoặc tuyệt vọng khi điều đó xảy ra. Nhiều người coi đó là dấu hiệu kém cỏi của chính bản thân mình.
Chuyên gia tư vấn sự nghiệp Emily Liou, nhà tuyển dụng, chuyên gia nhân sự cho các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 và các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, Mỹ, chia sẻ rằng: "Sợ bị từ chối và sợ thất bại là trở ngại lớn nhất ngăn cản mọi người đến với công việc mơ ước của họ".
Theo Emily Liou, bí quyết để chinh phục nỗi sợ hãi này là thay đổi tư duy của chính mình.
Nữ chuyên gia tư vấn sự nghiệp cho biết: "Đừng quan tâm nhiều đến như vậy! Với tư cách là một người tìm việc, trạng thái tốt nhất bạn có thể có được trong quá trình tìm việc là nhắc nhở bản thân rằng, những lời từ chối công việc không phải là bi kịch đời tư và bạn sẽ tìm được một công việc tuyệt vời hoặc điều gì đó thậm chí còn tốt hơn.
Khi bạn để nỗi sợ hãi lấn át sự tự tin trong quá trình phỏng vấn, bạn có thể bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng và điều đó khiến những người quản trị nhân sự có cảm giác khó chịu".
Liou giải thích, nhiều người trong quá trình tìm việc trở thành nạn nhân của "tư duy khan hiếm", luôn sợ rằng công việc là hữu hạn và luôn nhìn thấy những hạn chế thay vì cơ hội.
Nhiều người còn có suy nghĩ hạ thấp giá trị bản thân khi bị từ chối công việc. Emily Liou nói: "Đó là một vòng luẩn quẩn bởi vì bạn càng cảm thấy thiếu tự tin, thì sự thiếu tự tin càng len lỏi và bạn sẽ dễ dàng hạ thấp tiêu chuẩn của mình trong quá trình tìm kiếm việc làm hoặc dừng lại hoàn toàn.
Sự thật thì bạn có thể là ứng viên có năng lực nhất và tốt nhất mà vẫn không nhận được công việc vì những lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn".
Vậy, làm thế nào để nuôi dưỡng một tư duy chiến thắng? Chuyên gia tư vấn sự nghiệp Emily Liou khuyến khích những người đang có cảm giác nản chí khi đi xin việc nên viết ra một danh sách các thành tích mà họ đã đạt được và lý do tại sao họ sẽ kiếm được một công việc tốt trong tương lai.
Danh sách này có thể bao gồm bất cứ công việc cụ thể nào mà bạn đã từng thực hiện mà khiến bạn tự hào hoặc những đặc điểm tính cách khiến bạn tự tin về bản thân như sự tháo vát hoặc sáng tạo.
Viết một "danh sách tự hào" không chỉ là một bài tập để xây dựng sự tự tin cơ bản, nó còn có thể giúp bạn thể hiện bản thân tốt hơn trong các cuộc phỏng vấn xin việc.
Bằng cách nhớ lại những thành tích trong quá khứ mà bạn có thể đề cập trong cuộc trò chuyện khi đi xin việc hoặc xoa dịu thần kinh của bạn, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nhiều trước buổi đi xin việc.
Một trong những bước quan trọng nhất trong việc xây dựng và duy trì một phong thái tự tin cho quá trình tìm kiếm việc làm là thực hành cách tự trò chuyện tích cực hơn.
Emily Liou nói: "Thay vì tự hỏi bản thân rằng: "Điều gì tồi tệ nhất có thể xảy ra?". Hãy tự hỏi bản thân: "Điều gì tốt nhất có thể xảy ra?" Bạn hãy huấn luyện bộ não của mình có cảm giác được trao quyền thay vì lo lắng".
Các ứng viên mạnh nhất cũng là những người biết đặt ra ranh giới trong việc giữ tinh thần lành mạnh trong khi tìm kiếm việc làm. Mặc dù bạn cần cố gắng hết sức trong cuộc phỏng vấn xin việc nhưng đây không nên là một hoạt động tiêu tốn toàn bộ sức lực đến mức khiến bạn lo sợ.
Nữ chuyên gia tư vấn sự nghiệp Emily nói: "Chúng ta là bản thể tốt nhất của mình khi chúng ta vui vẻ và tận hưởng cuộc sống của bản thân.
Bạn không cần nhấn F5 liên tục hộp thư đến của mình để chờ thư phản hồi. Thay vào đó, chọn một hoạt động hiệu quả hơn, chẳng hạn như đi dạo bên ngoài hoặc dành thời gian cho những người thân yêu".
Bớt quan tâm đến kết quả của quá trình "săn việc" không chỉ giúp bạn trở thành một ứng viên tự tin, hấp dẫn hơn mà còn giúp bạn giảm bớt phần nào áp lực để trở thành ứng viên hoàn hảo. Như vậy cũng có thể mở ra nhiều cơ hội hơn cho bạn trong tương lai.
"Tôi biết rất nhiều người tiêu tốn vô cùng nhiều sức lực vào việc viết một đơn xin việc hoàn hảo và sau đó, khi cuối cùng họ cảm thấy đã sẵn sàng để nộp đơn thì cơ hội công việc biến mất.
Như vậy, bạn thậm chí không cho mình cơ hội được công việc xem xét tới, bạn đã từ chối chính mình", Emily Liou chia sẻ.
Việc áp dụng một tư duy tách biệt cho phép bạn tin tưởng rằng, nỗ lực đầu tiên của bạn là đã đủ tốt, ngay cả khi nó không hoàn hảo.
Thay vì chỉ nghĩ về buổi đi phỏng vấn công việc đã qua, hãy dành năng lượng của bạn cho những việc khác đáng giá hơn, ví như xem các cơ hội công việc khác để tìm cảm hứng hoặc hỏi một đồng nghiệp cũ để được tư vấn tìm việc.
"Hãy bớt quan tâm một chút, loại bỏ một số suy nghĩ tự hủy hoại bản thân có thể phá hoại quá trình tìm kiếm việc làm của bạn, dành nhiều thời gian hơn để xem xét những hướng đi mà bạn từng bỏ qua. Khi bạn làm điều này, đó là thời điểm những cơ hội tốt nhất xuất hiện", Emily Liou nói.