GS. Ngô Bảo Châu: “Thay việc tự gặm nhấm tự ti bằng làm tốt việc của mình”

(Dân trí) - GS.Ngô Bảo Châu là nhà toán học xuất sắc của Việt và thế giới. Ông từng được trao Huy chương Fields, giải danh giá được trao cho tối đa bốn nhà toán học không quá 40 tuổi tại mỗi kì Đại hội Hiệp hội Toán học quốc tế (IMU) được tổ chức 4 năm một lần.

Khẳng định tài năng, trí tuệ Việt

 

Sinh ra tại Hà Nội năm 1972, Ngô Bảo Châu là con trai của Tiến sĩ khoa học ngành cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn và Phó Giáo sư, Tiến sĩ dược Trần Lưu Vân Hiền.Vì thế ngay từ nhỏ, Châu đã may mắn có điều kiện tiếp xúc với không gian khoa học mà không phải ai cũng có được. Không chỉ thế, Ngô Bảo Châu còn là cháu của GS.Ngô Thúc Lanh, một vị giáo sư toán học nổi tiếng, tác giả cuốn sách Đại số đầu tiên của Việt Nam.

 

Những năm tháng thiếu thời, Ngô Bảo Châu học tại Trường Thực nghiệm Giảng Võ, ngôi trường của GS. Hồ Ngọc Đại sáng lập với phương pháp dạy và học đầy sáng tạo. Anh là người Việt Nam đầu tiên giành 2 Huy chương Vàng kỳ thi này vào các năm 1988 tại Australia và 1989 tại Cộng hòa Liên bang Đức.

 

Tại Hội nghị toán học thế giới 2010 tổ chức ở Ấn Độ vào ngày 19 tháng 8 năm 2010, Giáo sư Châu đã được tặng thưởng Huy chương Fields.

 
Những thành tựu của GS Châu đã khẳng định tài năng, trí tuệ của người Việt Nam. Chúng ta đã và sẽ có những tài năng kiệt xuất nếu như chúng ta có một nền giáo dục tiên tiến.
 
GS Ngô Bảo Châu được tặng thưởng Huy chương Fields
GS Ngô Bảo Châu được tặng thưởng Huy chương Fields

 

Trăn trở cùng nền giáo dục nước nhà

 

Là một nhà toán học nổi tiếng, du học từ khi còn rất trẻ, từng giảng dạy tại nhiều giảng đường lớn trên thế giới nhưng GS. Châu vẫn nguyên vẹn là một người Việt Nam thuần khiết từ phong cách, lời ăn tiếng nói đến một tấm lòng đầy trách nhiệm với đất nước quê hương.

 

Không chỉ bây giờ mà ngay khi còn là giảng viên đại học, Ngô Bảo Châu đã giúp đỡ nhiều sinh viên Việt Nam du học cả bằng tinh thần và vật chất.

 

Không chỉ lĩnh vực toán học hay giáo dục, GS Châu còn quan tâm đến đời sống trong nước trên mọi phương diện và tất nhiên, điều mà ông đau đáu nhất là nền giáo dục nước nhà.

 

GS Ngô Bảo Châu thường xuyên về nước để tham gia giảng dạy tại các trường đại học, góp ý kiến để xây dựng cho ngành giáo dục.

 

Mới đây tại hội thảo “Cải cách giáo dục đại học” do nhóm Đối thoại giáo dục mà ông là người chủ trì phối hợp với một số đơn vị trong và ngoài nước tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày, 31/7 và 1-8/2014.

 

Những phát biểu về nền giáo dục Việt Nam của GS Châu đã gây nên sự “chấn động” bởi tính thẳng thắn của một nhà khoa học và sự hiểu biết sâu sắc cũng như yêu cầu đổi mới giáo dục Việt Nam mà ông đặt ra.

 

"Việc xây dựng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam đang làm ngược quy trình với thế giới ở tất cả các bước".GS.Ngô Bảo Châu nói.

 

Đáp lại tấm lòng, tình cảm của ông, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (Vietnam Institute for Advanced Study in Mathematics - VIASM) và bổ nhiệm GS Châu làm giám đốc khoa học. Trong thư gửi cho tôi, GS Châu viết: “Trong các việc tôi làm, tham gia làm ở Việt Nam, việc quan trọng nhất và mất công nhiều nhất là cái này”.

 

Trên trang W. của VIASM luôn đầy ắp những sự kiện như: Khai giảng Khóa tập huấn giáo viên THPT chuyên Toán khu vực phía Nam năm 2014, Khai giảng năm lớp bồi dưỡng học sinh năng khiếu đặc biệt tại Hạ Long… Kế hoạch làm việc đã kín đến hết năm 2014: Hội thảo “Phương pháp giảng dạy, sách và tài liệu học Toán cho các nghành đào tạo kinh tế, tài chính – ngân hàng” năm 2014 vào ngày 06/12/2014; Hội nghị Đại số - Hình học - Tôpô 2014 từ ngày 18/12/2014 - 21/12/2014; Mini-course: Introduction to the Theory of Buildings - R. Weiss (Tufts University, USA) từ ngày 22/12/2014 - 31/12/2014; thậm chí sang cả năm 2015 như Hội nghị Tính toán Hiệu năng cao lần thứ 6 (16/03/2015 - 20/03/2015)…

 

GS Ngô Bảo Châu tới thăm các em nhỏ tại Lũng Luông, Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên
GS Ngô Bảo Châu tới thăm các em nhỏ tại Lũng Luông, Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên

 

Hành trình cùng “Cơm có thịt”

 

Mới đây, trên trang cá nhân của nhà báo Trần Đăng Tuấn (tác giả chương trình Cơm có thịt cho trẻ em các dân tộc miền núi) đã đăng tải những bức ảnh GS.Ngô Bảo Châu cùng các thành viên của chương trình lên thăm trẻ em Lũng Luông (Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên).

 

Tại miền đất Thủ đô Kháng chiến năm xưa, GS.Châu đã trực tiếp đứng lớp dạy học cho các em nhỏ của điểm trường này.

 

Hình ảnh vị giáo sư từng giảng dạy ở nhiều giảng đường lớn thế giới với bộ quần áo giản dị, đứng giảng cho mấy em học sinh đồng bào dân tộc trong căn phòng tuềnh toàng, nền đất, vách gỗ đã khiến cư dân mạng xúc động.

 

Các em nhỏ cũng không biết rằng, người đang ra cho em cái phép tính nhỏ 19 + 6 =? là một nhà toán học nổi tiếng, từng mang lại vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

 

Cách đây ít lâu, GS. Châu đã lên xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang để vui tết trung thu với các em học sinh đồng bào dân tộc Dao. Đây là lần đầu tiên Hồ Thầu có trung thu và cũng là lần đầu tiên bà con và học sinh các dân tộc được đón một vị khách đặc biệt, nhà toán học lừng danh - GS Ngô Bảo Châu.

 

Tôi đo sự thành công của mình qua sự lớn mạnh của những người xung quanh
 
Gần đây nhất, tôi liên lạc với Ngô Bảo Châu, anh cho biết đang “ở ẩn” trên núi với mấy người bạn làm toán cùng.

 

Khi tôi hỏi về hiện tượng “tự ti” dân tộc mới đây ở một số người, GS Châu nói: “Nói chung, tôi nghĩ mình phải nhìn thấy cái tốt đẹp của những người xung quanh mình để mà ủng hộ, cái xấu cũng phải đấu tranh nhưng nên tập trung vào một số chỗ hạn chế và căn bản”.

 

Về trí tuệ và niềm tự hào Việt Nam, GS Châu tâm sự: “Đối với tôi, khi ở nước ngoài, việc quan trọng nhất là nghiên cứu toán, và hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu. Ở Việt nam, việc quan trọng nhất là hỗ trợ để các nhà khoa học, hiện tại là các nhà toán học, phát huy được hết khả năng của mình trong nghiên cứu và trong giảng dạy.

 

Hai công việc này thực tế rất khác nhau. Một đằng mình có làm việc mình cho tốt, một đằng cố để cho người khác làm việc thật tốt. Cải hai việc đều khó, nhưng việc thứ hai đòi hỏi một sự hy sinh cá nhân mình. Tôi đo sự thành công của mình ở Việt Nam qua sự lớn mạnh, trưởng thành của những người xung quanh.

 

Chính vì thế mà tôi theo tôi, thay bằng việc tự gặm nhấm cái tự ti cá nhân, mỗi người nên cố làm tốt việc của mình và cố nhìn ra điểm mạnh điểm tốt của những người xung quanh để hợp tác và hỗ trợ. Nghe có vẻ hơi khẩu hiệu, nhưng thực ra tôi nghĩ là việc mà mỗi người có thể làm được trong phạm vi khả năng của mình”.

 

Bùi Hoàng Tám

 

GS Ngô Bảo Châu tới thăm các em nhỏ tại Lũng Luông, Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên
Với mục tiêu góp phần để người dân Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ nói riêng thêm vững tin và tự hào về những giá trị tốt đẹp của dân tộc, Samsung Việt Nam và Báo điện tử Dân trí phối hợp thực hiện chương trình “Samsung tự hào cùng Việt Nam”.

 

Những nhân vật, câu chuyện rất đời thực góp mặt trong chương trình sẽ làm tỏa sáng hơn những giá trị đáng trân trọng trong cuộc sống hàng ngày. Hãy chung tay, cùng chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm, những câu chuyện về phẩm chất và niềm tự hào dân tộc để cùng lan tỏa giá trị Việt Nam!

 

Mọi ý kiến chia sẻ với chương trình trân trọng mời bạn đọc gửi về địa chỉ email: nhipsongtre@dantri.com.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm