Tại sao nữ giới Gen Z Trung Quốc "sợ" kết hôn và có con hơn nam giới?
(Dân trí) - Đối với nhiều người trẻ, việc kết hôn và sinh con gần như đồng nghĩa với áp lực cuộc sống.
Hôn nhân không nằm trong kế hoạch ưu tiên
Mặc kệ gia đình và chính phủ mong muốn, kỳ vọng gì ở họ, nhiều người trẻ thuộc thế hệ Gen Z ở Trung Quốc cho rằng thành công trong cuộc sống không nhất thiết phải liên quan tới việc kết hôn hoặc sinh con.
Janet Song (25 tuổi), làm việc tại một quán cà phê thú cưng ở Quảng Châu không nghĩ rằng sự hiện diện của chồng con có thể giúp cô thành người thành công trong cuộc sống.
"Hai chị em họ và tôi đều là con một trong gia đình. Cả hai bọn họ đã kết hôn nhưng giờ đây đều khuyên tôi không nên kết hôn nếu không muốn. Họ cũng nói rằng con cái không phải là điều bắt buộc.
Tất cả chúng ta đều cảm thấy cuộc sống đô thị hiện đại rất thuận tiện để có thể chọn cuộc sống độc thân. Hơn nữa, việc kết hôn và sinh con gần như đồng nghĩa với sự căng thẳng, áp lực trong cuộc sống đối với những người trẻ tuổi", cô bày tỏ.
Nữ giới Gen Z Trung Quốc tìm kiếm sự đa dạng và cá tính trong cuộc sống. Hôn nhân và sinh con không nằm trong những kế hoạch ưu tiên của họ. Nhiều người cảm thấy được an ủi khi thấy những người trẻ khác cũng đồng tình và chia sẻ quan điểm cùng chiều, bằng chứng là các bài đăng phổ biến trên mạng xã hội.
Liu Xin, giám đốc sáng tạo của một công ty quảng cáo, cho biết, ở các cô gái trẻ, mối quan tâm đến việc kết hôn và sinh con "thấp hơn bao giờ hết". Ví dụ, một thương hiệu hoặc một thần tượng có thể phải chịu áp lực đáng kể từ công chúng nếu thông điệp hoặc hành động của họ không ủng hộ quyền phụ nữ.
"Sống cho chính mình"
Liu nói: "Sống cho chính mình" đã trở thành một chiến dịch quảng cáo phổ biến mà nhiều thương hiệu sử dụng để thu hút khách hàng nữ. Lý do là nhiều phụ nữ dưới 35 tuổi chỉ muốn làm hài lòng bản thân về cách tiêu dùng và lối sống.
"Nếu so sánh, kết hôn và sinh con có thể không khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Vì nhiều người trong số họ là con một ở nhà, họ muốn có một cuộc sống dễ dàng. Trên thực tế, xu hướng "lying flat" (nằm yên, mặc kệ) phổ biến ở phụ nữ trẻ, không chỉ trong công việc mà còn về hôn nhân và con cái", cô nói thêm.
"Lying flat" hoặc "Tang Ping" là những trào lưu đại diện cho tư duy "nằm xuống, mặc kệ sự đời" thay vì nỗ lực trở thành một thành viên đóng góp tích cực cho xã hội. Theo đó, không phấn đấu học hành chăm chỉ, mua nhà hay thậm chí lập gia đình, nhiều bạn trẻ từ chối tất cả chỉ để "nằm yên".
Mức độ sẵn sàng kết hôn của nữ giới thế hệ Z cũng thấp hơn đáng kể so với nam giới ở Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát của Đoàn Thanh niên Trung Quốc vào tháng 10/2021 cho thấy, trong số 2.905 người độc thân ở thành thị trong độ tuổi 18-26, có tổng số 43,9% nữ giới cho biết họ không có ý định kết hôn hoặc chưa chắc mình sẽ lập gia đình hay không. Con số này cao hơn 19,3 điểm phần trăm so với nam giới.
Trong khi đó, gen Z cũng thuộc nhóm có tỷ lệ giới tính mất cân bằng nhất tại Trung Quốc, với nam giới nhiều hơn nữ giới 18,27 triệu người.
Theo danh sách những cuốn sách viễn tưởng dành cho phụ nữ bán chạy nhất năm 2021 do ENData phát hành, đầu sách bán chạy nhất tập trung vào sự nghiệp của phụ nữ và tinh thần độc lập của họ, thay vì tiểu thuyết lãng mạn truyền thống về tình yêu.
Nữ giới ngày càng độc lập tài chính
Kể từ tháng 7/2021, danh tiếng của 3 người nổi tiếng ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các hành vi bao gồm mua dâm, quá kiểm soát người yêu và ép buộc vợ phải sinh con.
Những vụ bê bối này đã gây ra cuộc tranh luận dữ dội trên mạng, bao gồm cả vấn đề bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ chia sẻ rằng họ đang cân nhắc lại kế hoạch kết hôn.
Shen Jiake, nhà văn, nhà phê bình độc lập chia sẻ: "Trong nhiều thập kỷ, các gia đình thành thị Trung Quốc đã trở nên giàu có, tích lũy tài sản. Do chính sách một con, phần lớn tài sản đó hiện thuộc về các phụ nữ trẻ.
Điều này đã dẫn đến thực tế khách quan và xu hướng là một nửa hoặc một số lượng lớn các gia đình đang đứng về phía phụ nữ trẻ về quan điểm đối với hôn nhân và sinh con.
Bên cạnh đó, số lượng phụ nữ trẻ được giáo dục tốt và độc lập về tài chính đã ngang bằng, thậm chí vượt qua nam giới cùng tuổi. Tất cả những yếu tố này sẽ dẫn đến việc thái độ và giá trị của phụ nữ trẻ có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đặc biệt là xu hướng dân số".
Theo Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021, trong số những người trưởng thành trong độ tuổi 20-34, phụ nữ chiếm 52,7% số người có bằng cử nhân trở lên.
"Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các chính sách dân số và bình đẳng giới của Trung Quốc phải đối mặt. Chúng ta thấy rằng những người đưa ra các chính sách và thực hiện chúng chủ yếu là nam giới. Do đó, nhiều chính sách được đưa ra để khuyến khích kết hôn, sinh con thực sự không hiểu và không phù hợp với nhu cầu sâu xa của phụ nữ trẻ", ông Shen nói thêm.
Theo một báo cáo tháng 12 do các nhà kinh tế và nhân khẩu học nổi tiếng Trung Quốc như Ren Zeping, Liang Jianzhang và Huang Wenyuan đồng công bố, một số biện pháp khuyến khích sinh sản đã được đưa ra gần đây, nhưng chúng tác động quá yếu.
Huang Wenzheng, một nhà nhân khẩu học, cho biết: "Dù sao thì trình độ học vấn và nghề nghiệp của phụ nữ đang tăng nhanh hơn nam giới ở Trung Quốc. Trong khi các chính sách đang tụt hậu so với những quan điểm thay đổi về hôn nhân và sinh con của giới trẻ. Xung đột về giới của đất nước sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn trong tương lai".