Trung Quốc:
Sinh viên tìm việc bị HR mắng "Rác thì rốt cuộc vẫn là rác"
(Dân trí) - Câu chuyện tìm việc làm của nam thanh niên 21 tuổi ở Trung Quốc đang nhận được sự chú ý của đông đảo cư dân mạng nước này.
Mạng xã hội Trung Quốc xôn xao vì vụ việc một sinh viên khi tìm việc qua mạng đã bị nhà tuyển dụng mắng mỏ thậm tệ. Câu nói "Rác thì rốt cuộc vẫn là rác" từ phía nhà tuyển dụng đã đẩy làn sóng phẫn nộ lên tới đỉnh điểm.
Câu chuyện trên là của một nam sinh viên năm cuối tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cũng giống như bao sinh viên sắp tốt nghiệp khác, anh chàng này tìm việc qua mạng, sau đó nhắn tin trao đổi thêm với HR (Human Resources - người làm việc quản trị nhân sự).
Tuy nhiên, khi biết được trường nam sinh này đang theo học không tổ chức cho sinh viên thực tập, phía HR đã có ý phân biệt đối xử và hạ thấp uy tín của trường, thậm chí nói rằng trường "không đáng tin cậy". Quá bức xúc, nam sinh này muốn dừng câu chuyện.
Lúc này, phía HR lại bất ngờ đáp trả: "Rác thì rốt cuộc vẫn là rác". Trước câu nói khó chịu của HR, anh chàng quyết định chụp màn hình và khiếu nại với nền tảng tìm việc qua mạng.
Ngay khi nhận được đơn khiếu nại, nền tảng tuyển dụng đã đóng tin tìm kiếm ứng viên của công ty nói trên. Đồng thời, vị HR trong câu chuyện cũng đã bị công ty cho thôi việc.
Cuộc trò chuyện này đang được chia sẻ rầm rộ, thu hút hàng trăm ngàn lượt đọc và đứng top hot search trên nền tảng mạng xã hội Zhihu của Trung Quốc trong nhiều giờ liền. Đa phần netizen (dân mạng) đều bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ với thái độ của HR nói trên.
Cư dân mạng cho rằng cách hành xử của người này thiếu khách quan, phân biệt đối xử và không tôn trọng ứng viên trẻ tuổi.
Tuyển dụng Trung Quốc và định kiến khó bỏ
Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang tăng lên theo từng năm. Theo dự đoán của tờ CCTV News, số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người, tăng hơn 1 triệu so với năm ngoái. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên sẽ phải đối mặt với áp lực tìm kiếm việc làm vô cùng khắc nghiệt và gay gắt.
Một báo cáo của Zhaopun, nền tảng tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc, cho biết số lượng việc làm giảm 7% so với cùng thời điểm năm trước, trong khi lượng ứng viên tăng gần 63%. Trước tình hình "lạm phát" nhân sự, thiếu thốn việc làm, một số công ty đã đưa ra yêu cầu bắt buộc ứng viên của họ phải là sinh viên tốt nghiệp một trong 38 trường đại học hàng đầu.
Các nhà tuyển dụng Trung Quốc mặc định rằng những sinh viên đến từ trường Đại học danh tiếng sẽ sở hữu năng lực học tập, khả năng tự chủ và cải thiện tốt hơn. Đồng thời, những trường hàng đầu sẽ tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tập trải nghiệm từ rất sớm. Điều này giúp sinh viên sau khi ra trường có thể hòa nhập với nhịp điệu làm việc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và đạt được hiệu quả tốt nhất trong công việc.
Bởi vậy, nhiều ứng viên có năng lực rất mạnh nhưng lại vì tốt nghiệp trường đại học không mấy tiếng tăm mà đánh mất tư cách ứng tuyển.
Thậm chí, trong một chương trình truyền hình của Trung Quốc, một vị cựu giám đốc nhân sự đã chia sẻ thẳng thắn: "Chúng tôi chỉ tuyển sinh viên đến từ trường Top. Những hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp trường không danh tiếng sẽ bị ném thẳng vào thùng rác".
Thực trạng này thể hiện rõ qua cách hành xử của HR đối với nam sinh viên trong sự việc kể trên. Ngay khi biết được trường mà nam sinh đang theo học không phải trường danh tiếng, HR đã thay đổi thái độ, còn buông lời cay đắng với anh chàng.
Cái giá của sự phân biệt đối xử
Vấn nạn phân biệt đối xử bằng cấp đã biến những trường đại học top đầu trở thành tấm vé đảm bảo thành công trong tương lai. Điều này khiến cho kỳ thi đại học trở thành kỳ thi quan trọng nhất, có thể tạo dựng hoặc phá vỡ sự nghiệp của người trẻ tuổi, đồng thời thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Với hầu hết người dân Trung Quốc, đặc biệt là những người xuất thân từ nông thôn hoặc hoàn cảnh gia đình nghèo khó, họ không còn cách nào ngoài đạt điểm cao trong kỳ thi đại học để tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời.
Chính vì sự khắc nghiệt như vậy, tỷ lệ thanh niên Trung Quốc tự tử mỗi năm lên đến 100.000 người, đứng đầu thế giới. Trung bình cứ 1 phút lại có 2 người tìm đến cái chết và 8 người có ý định tương tự. Thống kê từ "The Economist" cũng chỉ ra rằng, phần lớn nguyên nhân đều từ áp lực học tập.
Không chỉ vậy, vấn nạn này còn tạo nên "hiệu ứng Matthew" trong bảng xếp hạng các trường đại học và cao đẳng tại Trung Quốc. Đồng nghĩa với việc những trường xếp hạng cao sẽ ngày càng cao, còn những trường xếp hạng thấp thì không có cơ hội để "chuyển mình". Hệ thống giáo dục cấp bậc đại học sẽ bị thụt lùi, mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện cũng bị cản trở.
Theo quan điểm của các chuyên gia giáo dục, nhà tuyển dụng muốn chọn "người giỏi nhất trong số những người giỏi nhất". Bởi vậy, họ đặt ra tiêu chuẩn khắt khe dành cho ứng viên, yêu cầu sinh viên phải là người tốt nghiệp trường Top. Hệ lụy là "top trường đại học danh giá" trở thành nỗi ám ảnh đến cả trong giấc mơ mỗi học sinh và phụ huynh Trung Quốc.
Làm thế nào để đảo ngược định kiến?
Trong quá trình phát triển của xã hội, không phải tất cả những người thành công đều có tấm bằng đại học hào nhoáng.
Vào năm 2020, Huawei mời ZhangJi - một nghiên cứu sinh tiến sĩ từ trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung về làm với mức lương khởi điểm là 2.01 triệu nhân dân tệ một năm (tương đương 7,7 tỷ VNĐ theo tỷ giá hiện tại).
Điều đáng nói, trường đại học đầu tiên mà ZhangJi theo học là trường Cao đẳng tư thục Công nghệ Vũ Xương và anh ấy cũng là người thi lại trong kỳ thi tuyển sinh đại học. "Chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ, bạn có thể bù đắp học vấn không nổi trội của mình" - ZhangJi nói trong một buổi phỏng vấn.
Để đảo ngược định kiến, không chỉ cần thay đổi quan niệm xã hội mà còn cần cải thiện việc phân bổ nguồn lực giáo dục sao cho công bằng và hợp lý hơn. Jiemian News chỉ ra rằng "Chúng ta không thể phân chia giáo dục và các trường đại học thành ba, sáu, chín... mà cần phải tạo ra môi trường cạnh tranh, phát triển bình đẳng cho các trường đại học".
Viện sĩ Yang Fujia, người từng là Hiệu trưởng của trường Đại học Nottingham, Vương Quốc Anh, kể rằng ông có quen một sinh viên người Mỹ đủ điểm SAT để vào Harvard, nhưng lại chọn theo học một trường cao đẳng nấu ăn. Điều này cho thấy, người dân nên thay đổi cách nhìn nhận về giá trị giữa trường đại học hàng đầu, trường tầm trung và trường cao đẳng.
"Giáo dục đại học là một ban nhạc, còn trường đại học nổi tiếng là cây dương cầm. Nhưng đừng chỉ chú ý vào cây dương cầm, violin và cello cũng là nhạc cụ tốt", Yang Fujia nhận định.