Gen Z: Tỉ lệ rối loạn tâm lý stress, trầm cảm... ngày càng tăng
(Dân trí) - Cuộc sống hiện đại khiến Gen Z phải đối mặt với vô vàn áp lực; họ phải "chạy đua" với tốc độ phát triển của thời đại, nên tỉ lệ rối loạn tâm lý ở lứa tuổi này ngày càng gia tăng.
Stress, trầm cảm... đến từ đâu?
Nhà tâm lý Lê Hương Giang chia sẻ: "Theo nghiên cứu, mỗi người ít nhất một lần rơi vào trạng thái trầm cảm trong đời. Vì vậy, stress hay rối loạn trầm cảm không phải là vấn đề của riêng thế hệ nào.
Chúng ta nhận thấy tỉ lệ người mắc stress hay rối loạn trầm cảm tăng lên có thể do lĩnh vực sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm, cùng với việc tiếp cận thông tin dễ dàng hơn mà nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh sớm nhận ra những khó khăn tâm lý của mình hoặc những người xung quanh, từ đó chủ động tìm tới nhà tâm lý. Nhờ vậy, những người nhận được sự trợ giúp về mặt tinh thần ngày càng cao."
Bên cạnh những áp lực về sự kỳ vọng, còn có thể kể đến áp lực từ việc những bạn trẻ gặp phải những biến cố trong cuộc sống, như sự kì thị, gia đình không hạnh phúc, bạo lực...
Mọi chuyện đều có thể là nguyên nhân khiến những Gen Z (sinh ra từ năm 1996 đến 2010) rơi vào tình trạng stress, trầm cảm. Theo nghiên cứu, ở Nhật Bản và Hàn Quốc, tỉ lệ học sinh cấp 3 tự sát vì áp lực học hành ở mức cao nhất thế giới.
Bạn Cảnh Quân (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: Trong những năm gần đây, nhiều Gen Z luôn chú trọng, ưu tiên sức khỏe thể chất mà quên chú ý đến sức khỏe tinh thần.
Cuộc sống ngày càng hiện đại khiến cho giới trẻ luôn phải đối diện với nhiều áp lực hơn từ công việc, học tập cho đến những "deadline" đến từ cuộc sống bên ngoài. Từ đó, những căn bệnh liên quan đến tinh thần, như trầm cảm, căng thẳng..., xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng "trẻ hóa".
Đại dịch Covid-19 xuất hiện và Gen Z chính là những người lo lắng về cuộc sống sau đại dịch hơn các thế hệ khác. Áp lực đã cao giờ ngày càng gia tăng khi họ phải tập thích nghi với làm việc online, tốt nghiệp từ xa, thiếu đi sự giao tiếp với các mối quan hệ khác... Do đó, chúng ta cần phải khắc phục được những khó khăn này để có được những giải pháp đúng đắn, nhằm cải thiện chất lượng sống của Gen Z hiện nay."
Tỉ lệ Gen Z rối loạn tâm lý ngày càng gia tăng
Các bạn trẻ với tâm lý muốn chứng tỏ bản thân, luôn mong muốn có thể đạt được mục tiêu của chính mình nên họ luôn "nỗ lực điên cuồng" để có thể đạt được những điều đó. Có thể nói Gen Z sẽ không cho mình dừng lại nếu như đang cảm thấy thua kém người khác hàng ngày họ luôn đặt ra những "deadline", "KPI" cho mình để tiếp tục cố gắng.
Bạn Đỗ Thị Hương Chi (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: Gen Z là một thế hệ đầy triển vọng với tinh thần cầu tiến và luôn luôn làm mới mình để bắt kịp với xu thế xã hội. Họ khao khát được thể hiện khả năng của mình, họ muốn được công nhận và vì thế mà họ đặt ra cho mình những mục tiêu có phần "quá sức" nhằm đạt được thành tựu hào nhoáng như bao người khác.
Phần lớn điều này xảy ra ở nhiều Gen Z bởi họ đang bị ngợp trước thành tích đến từ môi trường xung quanh, đặc biệt là mạng xã hội. Ai đó chỉ cần cập nhật một profile thật xịn sò lên các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chưa có tính xác thực nào ở đây, nhưng vô hình trung cũng đã khiến Gen Z thêm một mục tiêu để cố gắng trong hành trình hoàn thiện bản thân.
Bên cạnh đó, thiết bị công nghệ giúp tạo ra một thế giới phẳng nhưng việc dành phần lớn thời gian giao tiếp qua mạng dễ làm mất đi kết nối trực tiếp với những người xung quanh. Gen Z là thế hệ được tiếp xúc nhiều với công nghệ, cuộc sống của họ gắn liền với sự phát triển của công nghệ nên hiện tại nhiều bạn trẻ dành đa phần thời gian của mình trên thế giới ảo này.
Bạn Trần Khánh Vi (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: Bởi Gen Z là một thế hệ trẻ, sinh ra khi đất nước không còn chiến tranh. Cha mẹ có suy nghĩ rằng cuộc sống sau chiến tranh có sự giúp đỡ của công nghệ thông tin nên việc làm việc, học tập sẽ không còn khó khăn như trước nữa nên mong muốn con cái của mình phải làm được nhiều điều lớn lao trong xã hội, cho con cái học nhiều thứ mà không quan tâm tới cảm nhận của con.
Trường hợp khác thì bận bịu đi làm, nghĩ chỉ cho con cuộc sống vật chất mà để đứa bé thiếu thốn về mặt tinh thần, cha mẹ và con cái càng ngày càng xa cách dẫn tới đứa bé bị trầm cảm, tự kỉ…
Và đối với những ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè, xã hội thì một phần do trong độ tuổi dậy thì, những người bạn bè có xu hướng bài xích với những gì khác với bản thân mình và có nhiều hành động xấu".
Đặc biệt, theo nghiên cứu của những nhà khoa học thiếu vận động thể chất cũng làm tăng nguy cơ mắc stress hoặc rối loạn trầm cảm. Khi tập thể dục, não bộ sẽ tiết ra endorphine, một hormone giúp giảm căng thẳng và đẩy lùi trầm cảm. Chỉ cần dành khoảng 30 phút mỗi ngày cho hoạt động này đã là liều thuốc bổ cho tinh thần của chúng ta.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ rối loạn tâm lý ở GenZ cần được quan tâm, chăm sóc kịp thời nhằm tránh xảy ra những tổn thương, đau khổ không đáng có.
GenZ cần làm gì để tránh xảy ra rối loạn tâm lý?
Bạn Trần Khánh Vi (sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: "Em cũng từng bị stress dài ngày. Lúc đó, từ gia đình, bạn bè tới chuyện tình cảm của em đều xảy ra xích mích, có chuyện xấu xảy ra khiến cho cuộc sống của em bị hỗn loạn và chính bản thân em không tìm ra một lối giải thoát cho mình và có những suy nghĩ tiêu cực, muốn từ bỏ cuộc đời mình nhưng em đã cố gắng vượt qua nó. Rồi em nhận ra rằng việc stress lâu ngày như thế không chỉ ảnh hưởng tới đời sống tinh thần của em mà ngay chính cơ thể của em cũng bị ảnh hưởng: Sau đó, em có đi khám và phát hiện bản thân bị Basedow do stress lâu dài.
Đến thời điểm này, em cũng đã điều trị bệnh gần một năm, tiến triển rất tốt và những điều tồi tệ trong cuộc sống đã qua đi tới mức em dần chấp nhận nó là một phần kí ức, một bài học trong cuộc sống của mình. Em nghĩ, em đã vượt qua nó bằng cách yêu thương và trân trọng bản thân mình, trân trọng cuộc sống của mình khi được gắn kết và chia sẻ với những người thực sự yêu quý mình.
Em từng gặp nhiều người bạn của em bị body shaming, bị bắt nạt, bị cô lập tới mức họ mất dần đi bản thân mình và tới gặp bác sĩ tâm lí. Nhưng dù có thế nào, thì cách làm vẫn luôn là khiến bản thân mình chấp nhận bản thân, chấp nhận những giá trị ở hiện tại, luôn biết ơn, luôn vị tha, khoan dung, nhân ái."
Áp lực, stress là một điều dễ gặp phải không chỉ ở riêng lứa tuổi Gen Z, nhưng đang có xu hướng dần bị "trẻ hóa". Có lẽ những áp lực mà Gen Z đang phải đối diện quá lớn so với những độ tuổi khác. Dành lời khuyên cho những bạn GenZ Nhà tâm lý Lê Hương Giang chia sẻ:
Đầu tiên là dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập thể dục. Hoạt động này sẽ giúp não bộ tiết ra các hormon làm giảm căng thẳng.
Thứ hai là tập hít thở. Bài tập rất đơn giản, khi hít thật sâu thì bụng phình ra, khi thở hết thì bụng xẹp lại. Mỗi ngày dành 5 phút cho bài tập này. Sau đó, mỗi lần căng thẳng hay không thể kiểm soát cảm xúc thì lặp lại hoạt động này cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đây cũng là bài tập hữu ích cho các bạn bị mất ngủ.
Thứ ba là giữ lịch sinh hoạt điều độ là điều kiện quan trọng để có được tinh thần khỏe mạnh. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, việc giữ lịch sinh hoạt như ngày thường sẽ giúp chúng ta không cảm thấy nhàm chán, mệt mỏi, hay dễ cáu giận.
Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ là bất cứ khi nào gặp vấn đề tinh thần, bạn đều có thể tìm tới sự trợ giúp của nhà tâm lý. Giống như cơ thể, tâm hồn của chúng ta cũng cần được chăm sóc mỗi ngày.
Nhận thức về giá trị bản thân cũng giống như một cái cây có bộ rễ vững chắc. Một số bạn loay hoay tìm bản ngã của chính mình, một số khác lại nghi ngờ năng lực của bản thân khi đứng trước thử thách trong cuộc sống… Các bạn trẻ hãy chấp nhận, đối diện để vượt qua nó.