GenZ không nghe lời: Do cha mẹ tự mâu thuẫn trong cách giáo dục
(Dân trí) - "Rất ít cha mẹ có thể "đi vừa đôi giày của con", để có thể trải nghiệm, có cách nhìn giống như con mình", PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Tiếng nói của nhiều GenZ (thế hệ sinh ra từ năm 1997 đến 2012) gần đây cho thấy thế hệ này đang có nhiều mâu thuẫn về tư duy, lối sống với cha mẹ.
Nhiều ý kiến của GenZ đã gửi về với Dân trí bày tỏ suy nghĩ rằng khó hòa hợp với cách giáo dục cha mẹ, nhất là khi cha mẹ đem chữ hiếu ra để gây áp lực lên con cái, buộc con cái phải nghe lời. Ngược trở lại, các vị phụ huynh cũng chia sẻ rằng đang gặp khó trong việc giáo dục con.
Chuyên gia tâm lý giáo dục PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích về vấn đề này.
Cha mẹ đang tự mâu thuẫn trong cách giáo dục
Đầu tiên, ông Trần Thành Nam khẳng định, giá trị của chữ hiếu luôn tốt đẹp. Xã hội ngày nay vẫn cần chữ hiếu nhưng quan điểm về chữ hiếu cần phải thay đổi để phù hợp với thời đại.
Ông Nam lý giải rằng giáo dục đang phát triển theo hướng mới. Trước đây, giáo dục của chúng ta mang tính chất "đồng phục", phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Thế nhưng, thời đại của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi con người phải có tính độc lập, sự thích ứng, sáng tạo ra các giá trị mới. Điều này ảnh hưởng tới xã hội, tới giáo dục, khiến những đứa trẻ trở nên độc lập hơn, sẵn sàng trở nên tài giỏi hơn cha mẹ.
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nhận định, ở thời điểm hiện tại, dù muốn hay không muốn, giá trị của cá nhân đang là xu hướng được khuyến khích, được đề cao. Sự quan tâm của cha mẹ đối với con cái cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận là khó được như ngày xưa ông bà quan tâm cha mẹ. Lí do là vì cha mẹ ở thành thị quá bận rộn, con cái "làm bạn" với Internet, sự chia sẻ trong gia đình ít dần.
Vì vậy, những người con, đặc biệt là thế hệ GenZ - thế hệ "công dân số" tìm hiểu thông tin từ những nguồn khác nhau trên mạng, qua đó hình thành tư tưởng, suy nghĩ riêng, không chịu sự tác động, ảnh hưởng của cha mẹ.
Những kiến thức, tư duy mới mẻ GenZ học được từ Internet, cha mẹ có thể không biết, không hiểu đúng, hoặc có cách nghĩ khác, cho nên việc cha mẹ định hướng cho con không còn phù hợp nữa, đặc biệt là trong lĩnh vực hướng nghiệp.
"Có thể thấy rằng rất nhiều cha mẹ định hướng cho con các công việc có từ "những năm 60 thế kỳ trước", hiện tại đã không còn phù hợp với xu hướng mới. Hiện nay có rất nhiều ngành nghề mà cha mẹ không biết, không hiểu rõ nhưng những người trẻ có thể khởi nghiệp từ rất sớm, ví dụ như nghề streamer bán hàng, sáng tạo nội dung video...", ông Trần Thành Nam dẫn chứng.
Trong khi đó, nhiều bậc cha mẹ đang tự mâu thuẫn với chính cách giáo dục con cái. Cụ thể, cha mẹ muốn con sáng tạo, có tư duy phản biện, được bày tỏ ý kiến của mình trong quá trình học tập. Vì vậy cha mẹ ủng hộ con cái tranh luận với thầy cô ở trên lớp. Nhưng ngược trở lại, ở nhà, cha mẹ vẫn yêu cầu con cái phải thuận theo, không được cãi lời.
"Đó là sự bất nhất, tiêu chuẩn kép. Đây là việc nhiều bậc cha mẹ cần phải xem xét lại", chuyên gia nói.
Đây cũng chính là nguồn cơn dẫn đến sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái khi con không nghe lời cha mẹ.
Con cái là người đưa ra quyết định cuối cùng về chính mình
Đi vào trường hợp cụ thể, hiện nay, xã hội phát triển, kinh tế đất nước đi lên, nhiều gia đình có điều kiện cho con cái được đi ra thế giới học hỏi, trở thành công dân toàn cầu. Những người con được đi học ở nước ngoài sớm, tiếp cận với văn hóa, giáo dục phương tây nên sống rất cá tính. Trong số này có nhiều bạn trẻ chọn lối sống mới như: sống xanh, sống tối giản, sống độc thân...
Tuy nhiên, sau khi những du học sinh này trở về nước với gia đình, người làm cha mẹ lại muốn con mình sửa đổi, sống phù hợp với văn hóa truyền thống. Điều này là rất khó, theo nhận định của chuyên gia.
Trước thực trạng này, chuyên gia Trần Thành Nam "mách nước" cho các bậc cha mẹ: "Nói như trên không có nghĩa là hiện nay cha mẹ khó giáo dục con cái. Mà chỉ cần cha mẹ dành thời gian, tạo môi trường sống và phát triển phù hợp thì không khó để hiểu và định hướng cho con cái.
Tôi lấy ví dụ như những gia đình có truyền thống về âm nhạc thường xuyên cho con cái tiếp xúc với môi trường âm nhạc, nghệ thuật từ bé. Đứa trẻ thường xuyên nghe, nhìn thấy bố mẹ dành đam mê cho âm nhạc, tham gia các buổi hòa nhạc, các show diễn thì cũng sẽ được truyền cảm hứng rất lớn.
Ngược trở lại, nếu cha mẹ không dành thời gian, không cung cấp môi trường đào tạo thì đến khi đối diện với những quyết định mang tính chất bước ngoặt, cha mẹ không hiểu được con mình muốn gì, đã có những trải nghiệm gì. Khi đó nếu bắt đứa trẻ phải theo hướng này, hướng khác là rất khiên cưỡng. Đây cũng chính là yếu tố khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa".
Mặc dù một số cha mẹ có điều kiện có thể tìm hiểu thông tin, nghe dự báo của các chuyên gia để đoán tâm lý giới trẻ. Dẫu vậy, chắc chắn rằng rất ít cha mẹ có thể "đi vừa đôi giày của con", để có thể trải nghiệm, có cách nhìn đúng con mình.
Vì vậy, cha mẹ nên tôn trọng ý muốn của con cái. Đứa trẻ sẽ cân nhắc định hướng của cha mẹ khi cha mẹ đặt sự tin tưởng vào con. Cha mẹ có thể bày tỏ suy nghĩ, mong muốn, kèm theo đó là giảng giải về giá trị của gia đình để con cái tham khảo, cân nhắc. Quyết định cuối cùng vẫn là ở con cái. Nếu là như thế, đứa trẻ sẽ để tâm tới mong muốn và định hướng của cha mẹ.
Đứa trẻ sẽ cân nhắc tới những định hướng của cha mẹ khi cha mẹ nói lên sự tin tưởng đối với con cái. Còn nếu cha mẹ nói là "con cần, con phải..." thì rất khó có được sự đồng cảm của người con".