Đừng để áp lực đồng trang lứa tạo ra sự tự ti, chán nản
(Dân trí) - Suy nghĩ "bằng tuổi mình, các bạn đã…" là biểu hiện thường thấy nhất của "peer pressure" (áp lực đồng trang lứa).
Xung quanh luôn có người giỏi
Hầu hết chúng ta đều có xu hướng nhìn vào một ai đó và rồi có sự so sánh ngầm. Điều này đặc biệt phổ biến ở những môi trường giàu truyền thống, những trường đại học thuộc "top đầu", như Ngoại thương, Ngoại giao, Bách khoa, Báo chí...
"Ai đó" ở đây có thể là một người bạn hoàn hảo - xinh đẹp, cao ráo, chơi thể thao giỏi, giành học bổng mọi kì học, và bỏ túi hàng chục giải thưởng lớn nhỏ... Không những vậy, người bạn này còn rất giỏi giao tiếp, luôn nói ra những lời thú vị, dễ dàng khiến tất cả mọi người xung quanh mỉm cười và có cảm tình.
Hoặc "ai đó" chỉ đơn giản là một người đồng trang lứa đã đi "nhanh" và thành công hơn bản thân trong một lĩnh vực nào đó mà ta đang nỗ lực vươn lên để đạt được.
"Ở trường Ngoại thương, ngoài hoa hậu, người mẫu, hoa khôi thì còn có những người bạn cùng lớp khởi nghiệp từ năm nhất, thực tập sinh cho các tập đoàn Big4, vô địch các cuộc thi sinh viên,..." - Quang Minh, sinh viên ĐH Ngoại thương chia sẻ.
Trên trang fanpage Human of HUST, một bạn trẻ cho biết, trong ĐH Bách Khoa có diện tích hàng trăm ngàn mét vuông mà mỗi mét vuông có đến vài người đạt IELTS 8.0, giải Nhất quốc gia, huy chương Vàng quốc tế, quán quân Đường lên đỉnh Olympia, thủ khoa Đại học toàn quốc, học song song 2 trường,…
Rõ ràng khi bước vào ngưỡng cửa đại học, được gặp gỡ bạn bè đến từ nhiều vùng miền, địa phương, nhiều bối cảnh khác nhau, áp lực đồng trang lứa càng tăng cao. "Cảm giác khung trời tây xa lạ, nền giáo dục tân tiến ở nước ngoài chắc dành cho "bạn cùng trường" mới đạt học bổng chứ không phải mình. Năm cuối, có bạn đã được tập đoàn lớn nhận làm, bạn thì giành học bổng thạc sĩ, bạn đi du học, người lại tham gia các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế như đi chợ... Nhìn lại mình thì vẫn loay hoay với luận văn, tín chỉ, vẫn đang tính toán tiền thuê nhà, sinh hoạt phí hàng tháng ở thành phố. Không tránh khỏi cảm xúc chạnh lòng, tự thấy mình thất bại." - sinh viên ĐH Luật Hà Nội Ngọc Đinh cho biết.
Những cảm xúc như vậy là do chúng ta thường chạy theo các chuẩn mực xã hội đã được xây dựng suốt chiều dài lịch sử phát triển. Hậu quả của "peer pressure" chính là sự bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời trong việc phát triển bản thân. Những sự "so sánh âm thầm" như vậy khiến mỗi khi có những cơ hội tiếp xúc với những người giỏi hơn, thay vì học tập, trao đổi kinh nghiệm với những con người tuyệt vời trước mắt, thì bản thân lại có phản xạ về một nỗi buồn vu vơ, áp lực, chán nản sự chậm chạp, kém cỏi của bản thân hay thậm chí là ghen tỵ.
Mỗi người có một thời điểm riêng
Không phải tất cả dự án vô địch cuộc thi khởi nghiệp đều thành công trong thực tế. Người start-up thành công từ sớm sau này vẫn có thể sẽ làm thuê cho người vô danh 4 năm đại học.
Không phải ai sinh ra cũng có năng khiếu tiếng Anh, và không phải ai cũng may mắn được hưởng "gen trội" từ gia đình để có được chiều cao tốt, gương mặt phù hợp với "gu" của phần đông công chúng.
Đằng sau bức tranh thành công lung linh, chia sẻ đầy cảm hứng hay nụ cười viên mãn của bạn bè khi được vinh danh là những câu chuyện rất dài, với không ít khó khăn, cũng như đòi hỏi nỗ lực của mỗi cá nhân.
Mỗi người đều có xuất phát điểm khác nhau, có con đường riêng để bước đi, có những chướng ngại vật phải tự mình vượt qua và có thời điểm riêng để tỏa sáng. Mỗi người chúng ta là một cá thể độc nhất vô nhị với suy nghĩ riêng, hành động riêng và cả sự sáng tạo riêng. Chính những người bạn "con nhà người ta" kia cũng đang nhìn sang các tấm gương khác và gặp áp lực đồng trang lứa của riêng mình. Không có câu trả lời nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, và thật sự, "con nhà người ta" không "giỏi" như những người khác nghĩ về họ, cũng như mỗi người không "kém" như khi đặt mình so sánh với bạn bè.
Về một khía cạnh nào đó, nếu không có áp lực con người rất dễ bị chây ì, trở nên lười biếng và thui chột tài năng. "Có áp lực thì mới có kim cương" - áp lực đồng trang lứa sẽ rất tốt khi trở thành động lực cho mỗi người cố gắng phấn đấu, học hỏi và rút kinh nghiệm từ những thành công, thất bại của người xung quanh, từ đó có được bài học và lựa chọn, quyết định cho bản thân mình.
Người chỉ biết cảm thấy áp lực mà không chịu phấn đấu mới là người đáng buồn. Tự ti, chán nản không giúp bạn phát triển, không giúp bạn giỏi bằng "ai đó". Cố gắng, luyện tập bền bỉ hàng ngày, tìm hiểu chính mình để biết thế mạnh, ưu điểm và mục đích của bản thân. Còn nếu đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn thấy mình thua kém và áp lực thì sao? Không sao cả, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày, lấp đầy khoảng thời gian tuổi trẻ của mình là được.
Đừng để "peer pressure" thực sự là áp lực. Hãy biến nó thành "peer motivation" (động lực) để mình theo đuổi con đường của riêng mình.