Gen Z cần học cách chi tiêu tiết kiệm hơn
(Dân trí) - Nhà phân tích tài chính của kênh CNBC - ông Jim Cramer cho rằng giới trẻ đang chi tiêu quá phung phí cho những món đồ mua sắm tùy hứng và không dành ra một khoản đủ để đầu tư
"Họ tạo cảm giác có rất nhiều tiền, ngay cả khi họ không có nhiều tiền", ông Cramer nói về những người trong độ tuổi từ 18 đến 24.
Theo ông Cramer, những người trẻ tuổi hay tới nhà hàng mà ông sở hữu ở New York thường gọi những ly margarita giá 14 USD "như thể tiền mọc trên cây" vậy.
Ông Cramer nói: "Một mặt, bạn sẵn sàng cho phép bản thân gọi bao nhiêu ly margarita tùy thích. Nhưng mặt khác, bạn lại than vãn rằng: 'Tôi không có tiền để đầu tư, tôi còn đang có khoản vay sinh viên chưa trả. Tôi nghĩ điều đó rất không bình thường. Họ phải thay đổi tư duy".
Năm ngoái, trang Money thống kê tài sản của Cramer có giá trị ròng hơn 100 triệu USD. Ông được cho là đã bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu khi mới bắt đầu sự nghiệp làm báo của mình.
Ông chia sẻ với trang CNBC rằng sự khởi đầu khiêm tốn của ông ấy nên là một tấm gương cho những người trẻ đang gặp khó khăn về tài chính.
"Tôi biết bạn có thể nói: "Ồ, Cramer giàu rồi; tôi không muốn nghe ông ấy dạy dỗ". Nhưng bạn đã từng sống trong xe ô tô ở bên đường liên bang số 5 chưa?" ông đặt câu hỏi.
Cramer cho biết, ông từng phải sống trong ô tô nhưng vẫn dành ra 100 USD/tháng để đầu tư vào một quỹ chỉ số chứng khoán.
"Tôi đã tiết kiệm tiền như vậy, và nó khiến tôi trở thành triệu phú", ông nói.
"Tôi không kêu gọi mọi người một cuộc sống quá hà khắc. Tôi không nói là đừng đi chơi. Điều tôi muốn nói là: Đừng tiêu tiền phung phí mỗi tuần", ông Cramer nói.
Ông ấy nói rằng giới trẻ thay vì chi tiêu phung phí cho những món đồ tùy hứng thì nên dành số tiền đó để đầu tư, ngay cả khi số tiền chỉ tương đương với việc đi xem hai bộ phim hoặc mua một chai vang".
"Chỉ cần tiết kiệm như vậy đều đặn là được. Theo thời gian, cổ phiếu đã được chứng minh là một tài sản đáng kinh ngạc", ông nói.
"Mọi người luôn nói: "Tôi không có gì để đầu tư, vì vậy tôi không thể đầu tư". Tôi luôn nghe các bạn trẻ đôi mươi nói như vậy. Nhưng nếu bạn có tiền để đi chơi, ăn hàng quán thì sẽ có tiền để đầu tư. Mọi người có hàng triệu lý do cho việc họ không muốn trở nên giàu có", ông Cramer nói.
Một cuộc khảo sát gần đây do Deloitte thực hiện cho thấy 29% Gen Z tại Mỹ thừa nhận rằng chi phí sinh hoạt là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Chỉ 1/4 trong số những người được khảo sát cho biết họ có thể thoải mái trang trải chi phí sinh hoạt hàng tháng, trong khi gần một nửa cho biết họ có thu nhập chỉ vừa đủ sống.