Đừng đánh giá giới trẻ qua dáng vẻ bên ngoài!

Đi xe xịn, nhuộm đầu xanh đỏ, con trai đeo khuyên tai, con gái tóc cắt cua, đi dancing, thức khuya... là “nhố nhăng”, “tụt dốc”? Không thể đánh giá phẩm chất của một con người qua quần áo, đầu tóc, hoặc những cử chỉ biểu hiện bên ngoài!

Nhiều người bị coi là “tụt dốc” đó đã không ngần ngại tham gia các chương trình quyên góp hỗ trợ cộng đồng, hoặc sẵn sàng bảo vệ bất kỳ kẻ yếu nào bị bắt nạt trên đường. Tôi cho rằng, cần tôn trọng ý thích cá nhân, nếu nó không làm hại đến ai.

 

Trong giai đoạn mở cửa và hội nhập, giới trẻ bây giờ có quyền lựa chọn cách ăn mặc, phong cách sống cho riêng mình, không thể cứ quần đen, áo nâu, đi ngủ lúc 10 giờ tối mới là ngoan.

 

Chuyện tôi ăn mặc như thế nào không quan trọng. Điều quan trọng là tôi có sẵn sàng giúp đỡ người khác, có sẵn sàng hy sinh lợi ích của mình vì người khác hay không. Tôi cũng có tự do cá nhân chứ! - Nguyễn Hoàng Khánh (Khanhlyrusandslov_kazan@yahoo.com)

 

Người lớn đừng chỉ trích mà không nhìn lại mình

 

Tại sao người lớn cứ chỉ trích chúng tôi mà không nhìn lại mình? Căn cứ vào đâu để cho rằng, mặc quần cạp trễ, áo hai dây là thiếu văn hoá?

 

Phê phán chúng tôi, nhưng liệu người lớn có biết: Đàn ông tóc đã hoa râm mặc quần đùi, áo mayô, đàn bà trung tuổi mặc những bộ quần áo ngủ mỏng tang, nhàu nát ra phố, đi chợ, vào nhà hát có là bất lịch sự quá không! Liệu sự cẩu thả đến không thể chấp nhận được này có bị coi là “tụt dốc” không?

 

Việt Nam đang phát triển và hội nhập, có thể nhiều người chưa quen, nhưng thanh niên các nước phát triển, trong đó cả các nước Châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... cũng đã được ăn mặc rất thoáng, được bố mẹ tôn trọng, người lớn ít can thiệp thô bạo về ý thích cá nhân của giới trẻ. Trong khi đó, ở ta, nhiều người lớn chỉ biết phê phán con trẻ, mà không nhận ra rằng, họ đã khá “tụt hậu”, và cả “tụt dốc” nữa, qua cách ăn mặc không lịch sự. - Nguyễn Vũ (Dracula_vietnam@yahoo.com)

 

Hưởng thụ luôn dễ chịu hơn cống hiến

 

Tôi không hiểu từ đâu, và từ bao giờ, mà “mốt” uống rượu trong giới sinh viên phổ biến đến vậy. Vui: Uống! Buồn: Uống! Sinh nhật: Uống! Thậm chí, “mừng” một ngày bình thường không có sự kiện gì: Cũng uống! Không ít cuộc ẩu đả xảy ra cũng chỉ vì uống. Thậm chí, một số bạn nam cho rằng, biết uống rượu mới chứng tỏ được... bản lĩnh đàn ông. Và vì rảnh rỗi, họ dùng rượu để giết thời gian.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, phim ảnh Hàn Quốc đang chiếu trên truyền hình có ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống của giới trẻ hiện đại. Đã có không ít phim mô tả cảnh uống rượu của giới trẻ Hàn Quốc khi gặp chuyện bế tắc.

 

Tôi đã thực sự “choáng” khi xem cảnh một thục nữ trong phim Hàn đã một mình một bàn rượu, uống đến say mềm, chai lọ lăn lóc xung quanh. Con gái còn “lạ” và “gấu” như vậy, sao con trai lại không?

 

Hưởng thụ bao giờ cũng dễ chịu và dễ dàng hơn cống hiến. Nhưng biết nhận về mình thì cũng phải biết trao tặng cho người khác. Con người sống phải có trách nhiệm, không chỉ với chính mình, mà còn cả với cộng đồng, xã hội. - Phạm Văn Giáp (Thái Thuỵ - Thái Bình)

 

Đừng đổ lỗi cho “hoàn cảnh”

 

Tôi chứng kiến nhiều bạn trẻ không làm chủ được mình, bị cám dỗ trước những trò bốc đồng, sau đó bị chỉ trích đã không dám nhận lỗi về mình, đổ tại... hoàn cảnh! Nhiều bạn còn vin lý do “trẻ người non dạ”.

 

Tôi cho rằng, ngoài 20 tuổi, ta không còn là trẻ con nữa. Đã là người lớn, thì phải biết phân biệt chuyện tốt, xấu, chuyện nào nên làm, chuyện nào nên tránh. Làm người lớn qua nhận thức còn quan trọng gấp nhiều lần qua việc hút thuốc, uống rượu, tụ họp bạn bè,  yêu đương... để chứng tỏ mình đã lớn. - Hà Thị Vân Anh (5 Huỳnh Thúc Kháng - HN)

 

Theo Lao Động