Gặp gỡ 30/4 với thế hệ trẻ:

Tuổi trẻ: hãy biết lựa chọn giữa cống hiến và hưởng thụ

Sáng 17/4/2005, chương trình gặp gỡ giao lưu với chủ đề “Những năm tháng hào hùng” do Công ty Phát hành sách, Nhà xuất bản Trẻ và Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM phối hợp tổ chức đã diễn ra tại hội trường 1 Nhà văn hóa Thanh niên.

Tại cuộc gặp gỡ, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ quốc phòng, Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên Phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn và Thiếu tướng GS.TS Huỳnh Nghỉ - người đã lập kế hoạch đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đã làm nóng lên hội trường bằng những hồi ức.

 

Chỉ trong vòng hơn mười phút, Trung tướng Nguyễn Thới Bưng đã làm hoa tiêu cho cuộc hành trình ngược thời gian về với những ngày cách đây 30 năm của đất nước. Từ chiến thắng Phước Long như phát pháo lệnh mở đầu cho một huyền thoại đến trận Buôn Ma Thuột, từ thắng lợi Huế - Đà Nẵng đến thời khắc khải hoàn 11h30 phút ngày 30/4..., tất cả đã trôi về, náo nức, dồn dập, sôi nổi, bừng bừng hào khí cách mạng qua lời kể của vị Trung tuớng đã từng xông pha trong nhiều chiến dịch của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

 

Còn đang rộn ràng với không khí miền Nam những ngày tháng 4 năm 1975, hàng trăm khán giả lại có dịp ngược lên Trường Sơn năm xưa trong câu chuyện của Thiếu tướng Phan Khắc Hy - nguyên phó tư lệnh bộ đội Trường Sơn (đoàn 559). Con đường lịch sử ấy đã là nơi chứng kiến nhiều kỳ tích của bộ đội Trường Sơn. Vất vả, gian lao, đau thương, mất mát nhưng vẫn mãi mãi ngời lên tinh thần khí phách Trường Sơn.

 

Thiếu tướng GS - TS Huỳnh Nghỉ, tác giả của hai cuốn sách Buôn Ma Thuột trận đánh lịch sửTừ Buôn Ma Thuột đến Sài Gòn, người đã chiến đấu 11 năm tại mặt trận Buôn Ma Thuột, và là chứng nhân cho những thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975 đã làm hội trường lắng xuống bởi những câu chuyện tình quân dân xúc động, những thú vị lịch sử và cả chuyện tình yêu lứa đôi lồng trong tình yêu Tổ quốc, vượt qua bom đạn vẫn thủy chung, tươi mới của ông với người vợ Thái Thị Bích Lan.

 

Ở tuổi ông, tuổi bà, họ vẫn gọi nhau là “anh-em” với tất cả yêu thương vì hiểu tận cùng ý nghĩa hai từ “sum họp”. Cưới nhau chưa được mười ngày, họ đã phải xa nhau để hàng chục năm sau mới có ngày đoàn tụ. Có khi mỗi người ở một đầu Tổ quốc, có khi những lá thư gửi từ chiến trường mất sáu tháng, một năm mới đến được tay người vợ trẻ chỉ còn lại chiếc phong bì... Tất cả nhớ thương lại chảy ngược vào những vần thơ tha thiết đôi vợ chồng trẻ gửi nhau:

 

Bao giờ trở lại quê hương?

Dừa xanh đang đợi, người thương đang chờ

Ra đi hẹn một lời thề

Bao giờ hết giặc trở về với em!...

... Hòa bình nay đã thật rồi

Sẽ không còn cảnh mỗi nơi một người.

 

30 năm sau ngày sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính viết nên những trang sử vàng năm xưa đã gửi gắm những mong mỏi vào thế hệ trẻ: “Trong chiến tranh, con người phải lựa chọn giữa sống và chết, còn hiện tại các bạn phải lựa chọn giữa hưởng thụ và cống hiến, tôi mong thế hệ trẻ sáng suốt để đi theo con đường cách mạng đúng đắn nhất” (lời của Thiếu tướng Phan Khắc Hy).

 

Theo Đào Trung Uyên
Tuổi Trẻ