Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta độc thân quá lâu?
(Dân trí) - Sau một thời gian dài lựa chọn sống độc thân, nhiều bạn trẻ cảm thấy việc hẹn hò hay mở lòng với người khác trở thành một thử thách khó vượt qua.
Sống độc thân đôi khi không phải là một điều đáng tiếc, mà lại là một sự lựa chọn. Ngày nay, không ít bạn trẻ lựa chọn không yêu ai để yêu chính mình. Tuy nhiên, khi chúng ta đã quen với việc độc thân trong một khoảng thời gian dài, cách chúng ta đón nhận, đối xử với những mối quan hệ tình cảm tiếp theo có thể sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực.
Độc thân lâu ngày sinh ra tâm lý lười hẹn hò
Việc độc thân trong một khoảng thời gian dài có thể sẽ khiến chúng ta cảm thấy việc tìm kiếm, bắt đầu và xây dựng một mối quan hệ mới là một việc quá khó khăn.
Bạn N.H.Q (22 tuổi, Hà Nội) - một người đã kết thúc một mối quan hệ yêu đương hơn bốn năm chia sẻ: "Sau chia tay, mình cảm thấy không còn bất kỳ cảm xúc nào cho việc hẹn hò nữa.
Chỉ cần nghĩ đến việc phải lặp lại tất cả các bước để làm quen một người, nhắn tin trò chuyện mỗi ngày, chia sẻ lại từ đầu thói quen, sở thích, tính cách… của bản thân là mình lại thấy mệt, chưa bắt đầu đã thấy mệt rồi.
Đó là chưa kể đến chuyện nếu mình tìm được người mới, việc cãi vã hay giận dỗi trong tình yêu là điều không thể tránh khỏi. Nghĩ đến đây thôi là mình đã không có đủ can đảm để bắt đầu tìm hiểu một ai đó, chứ đừng nói đến việc yêu đương".
Đây là một tâm lý chung phổ biến của rất nhiều người độc thân lâu năm. Chúng ta ngại phải thoát ra khỏi trạng thái độc thân bởi lười bắt đầu từ con số 0 và bị tâm lý bởi hàng trăm mối lo về kết quả của sự bắt đầu đó.
Ghét việc ai đó can thiệp vào cuộc sống của mình
Bạn Phạm Thúy Hằng (23 tuổi, Hải Phòng) cũng là một người theo chủ nghĩa độc thân chia sẻ rằng: "Sau một thời gian dài không hẹn hò với ai, các bạn của mình cũng khuyên mình đi gặp gỡ, giao lưu với nhiều người để tìm kiếm một tình yêu mới.
Lúc đầu, mình cũng khá thoải mái với việc trò chuyện, tìm hiểu với họ. Nhưng sau một khoảng thời gian, khi bước vào giai đoạn tìm hiểu sâu hơn, mình bỗng dưng cảm thấy ngột ngạt vô cùng.
Cảm giác tự dưng có một người bước vào thế giới của mình rồi can thiệp vào những thói quen sinh hoạt, sở thích của mình khiến mình thấy yêu đương quá phiền phức.
Thế nên, những mối quan hệ này thường kết thúc ngay ở giai đoạn "chớm nở" như thế đấy. Mình không muốn bị ràng buộc với bất cứ ai theo cái cách mà lẽ ra một mối quan hệ nên có. Sau một hai lần làm quen với những người mới như vậy, mình quyết định tiếp tục sống độc thân và mình thoải mái với quyết định đó".
Sợ "những vết xe đổ"
Khi kết thúc một mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ độc hại, vài người trong chúng ta thường bị ám ảnh bởi nó. Chúng ta lo sợ rằng bản thân sẽ phải trải qua những điều tồi tệ trong tình yêu một lần nữa. Và do đó, chúng ta không còn đón nhận tình cảm của bất cứ ai.
Bạn L.N.H (21 tuổi, Hà Nội) tâm sự rằng: "Hồi trước, mình có hẹn hò với một anh lớn hơn mình 2 tuổi. Mình đã nghĩ rằng hai đứa sẽ có một câu chuyện tình yêu lãng mạn và đẹp đẽ bởi anh ấy rất quan tâm, yêu chiều mình.
Nhưng mọi chuyện khiến mình sụp đổ khi mình phát hiện ra anh ấy đối xử tốt với mọi bạn nữ xung quanh anh, từ em gái kết nghĩa đến bạn thân khác giới. Mình quyết định chia tay và đến nay cũng được hơn 3 năm rồi.
Tuy trong khoảng thời gian mình độc thân có không ít người theo đuổi mình nhưng mỗi khi mình muốn chấp nhận tình cảm của một ai đó, hình ảnh bị lừa dối 3 năm trước lại hiện ra trước mắt mình và cảm giác sợ hãi đã không cho phép mình bắt đầu một mối quan hệ mới".
Độc thân không đáng sợ, đáng sợ là khi chúng ta thu mình lại và không dám bước ra khỏi cái mác "độc thân" của chính mình. Nếu bạn cũng đang gặp phải những vấn đề trên khi độc thân quá lâu, điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần làm đó là hiểu rõ mình.
Đừng bắt đầu khi chưa thực sự sẵn sàng. Đừng sợ hãi với những điều chưa xảy ra. Đừng vì quá khứ mà không cho tương lai một cơ hội. Hãy cứ chân thành, cởi mở, đón nhận và chấp nhận những thay đổi tích cực, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy một người khiến bạn không còn muốn độc thân!