Cuộc sống có gì thay đổi nếu người trẻ chuyển sang dùng điện thoại nắp gập?
(Dân trí) - (Dân Trí) - Để giảm thời gian sử dụng mạng xã hội và nâng cao sức khỏe tinh thần, một phóng viên trẻ đã quyết định chuyển sang sử dụng điện thoại nắp gập, một trào lưu cũ từ nhiều năm trước.
Nữ phóng viên Fjolla Arifi chia sẻ với BuzzFeed News: "Tôi sử dụng điện thoại trung bình 8 tiếng 44 phút mỗi ngày. Tôi dành nhiều thời gian trên điện thoại để sử dụng các ứng dụng như TikTok, Instagram và Twitter hơn là ngủ; tôi thường chỉ ngủ khoảng 7 tiếng/ngày. Cuộc sống hàng ngày của tôi xoay quanh việc sử dụng Internet".
Đó cũng chính là vấn đề của phần lớn người trẻ hiện nay. Hầu hết mọi người không có kế hoạch cụ thể cho việc sử dụng điện thoại.
Trong một nghiên cứu năm 2018 trên Tạp chí Tâm lý xã hội và lâm sàng, các nhà nghiên cứu cho thấy những sinh viên đại học giảm thời gian trên mạng xã hội khoảng 30 phút mỗi ngày đã cải thiện được phần lớn sức khỏe tinh thần, kể cả chứng trầm cảm và sự cô đơn.
Các chuyên gia khuyên rằng bạn nên dành ra 3-4 tiếng không dùng mạng xã hội, bởi sử dụng sẽ dẫn tới nguy cơ mỏi mắt, ngủ không ngon giấc, thậm chí là lo lắng và trầm cảm.
Nhiều người đã thử giới hạn ứng dụng cho điện thoại của mình, nhưng chúng đều có thể tắt đi ngay lập tức sau khi được thông báo đã đạt tới giới hạn.
Để thay đổi lối sống này, Fjolla Arifi đã quyết định khóa điện thoại một tuần.
Arifi đã mua một chiếc Motorola Razr V3xx màu hồng từng "gây sốt" khi được Paris Hilton quảng cáo vào năm 2006. Mẫu điện thoại nắp gập này đã bị ngừng sản xuất nên Arifi tìm mua tại các trang web đồ cũ. Cô mua thêm một chiếc SIM không được hỗ trợ, nên không thể gửi email hay kết nối Internet. Cô chỉ có thể gọi cho gia đình và bạn bè hay chụp ảnh và thực hiện các cuộc gọi khẩn cấp.
So với iPhone, sử dụng điện thoại nắp gập đơn giản hơn nhiều, mặc dù không thể gửi tin nhắn, và kiểu bàn phím gây mất thời gian trong việc gõ phím.
Arifi cho biết: "Nhiều người cảm thấy kỳ lạ khi nhìn thấy tôi gõ tin nhắn trên tàu".
Trong hai ngày đầu sử dụng điện thoại nắp gập, Arifi bắt đầu lo lắng rằng mình sẽ bỏ lỡ một cái gì đó. Cô gọi cho gia đình, bạn bè và họ trấn an rằng hoàn toàn không có gì xảy ra. Cuối cùng, việc gọi về cho người thân để cập nhật tình hình của mọi người.
Lindsay Bira, một nhà tâm lý học sức khỏe lâm sàng ở Florida (Mỹ) cho biết, FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) là kết quả của các tín hiệu sinh tồn trong não, khiến chúng ta nghĩ rằng phải biết được thông tin nào đó mới có thể an toàn.
Bira nói: "Sự cô đơn và lạc lõng có thể khiến não bộ coi là mối đe dọa sinh tồn, trong khi đó không phải vấn đề quá lớn, mà chỉ đơn giản là do lạm dụng mạng xã hội hoặc sống trong môi trường độc hại. Chúng ta cần phải học cách quen dần với cảm giác không dùng Internet hoặc chỉ có một mình để tự điều chỉnh bản thân mà không chạm vào điện thoại, và chúng ta sẽ phát triển sự kết nối lành mạnh hơn, sâu sắc hơn với chính chúng ta".
Arifi bắt đầu gọi điện cho bạn bè khi muốn đi chơi, điều mà trước đây cô ít khi làm, bởi cô thường giao tiếp qua tin nhắn và mạng xã hội. Cô cho rằng việc giao tiếp trực tiếp giúp con người có thể lắng nghe và kết nối với nhau nhiều hơn.
Sau một tuần thử thách, Arifi đã từ bỏ thói quen kiểm tra điện thoại trong vô thức. Cô bắt đầu đọc báo để biết thêm tin tức thay vì lướt mạng xã hội. Cô còn dành thời gian cho việc đọc sách cũng như chụp ảnh bạn bè và gia đình bằng chiếc điện thoại nắp gập của mình.
Sau một tuần kết thúc, Arifi quen với việc không mang theo iPhone bên mình. Bạn bè và gia đình đều biết rằng cần phải liên hệ với cô thế nào. Cô cũng không mất nhiều thời gian để định vị, bởi hàng ngày cô đều đi trên một lộ trình giống nhau. Sau khi gặp bạn bè, cô đều sẽ cập nhật tình hình cho họ. Chức năng GPS của điện thoại không còn cần thiết đối với Arifi.
Arifi cũng không còn thói quen cập nhật tin tức trên mạng xã hội; thay vào đó, cô thường hỏi bạn bè những thông tin cần thiết.
Bira chia sẻ: "Việc hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ chỉ hiệu quả nếu người thực hiện biết tự giác tuân thủ những quy định mình đưa ra. Chúng ta có thể cân bằng và phát triển cảm xúc thông qua việc gặp mặt trực tiếp bạn bè, thiền, tập thể dục, đi dạo, du lịch, đọc sách hay học hỏi những kỹ năng mới, thay vì sử dụng mạng xã hội".