Chuyện công sở: Vì sao sếp 37 tuổi sợ làm việc với nhân viên 23 tuổi?

T.N

(Dân trí) - Gen Z không ngần ngại đặt câu hỏi về mọi thứ, từ cách làm việc có phần lỗi thời của những người quản lý lớn tuổi hơn, cho đến quan điểm về công việc.

Phong cách làm việc đối lập giữa các thế hệ

Là một người thuộc thế hệ Y, Jessica Fain (34 tuổi, giám đốc sản phẩm của một công ty công nghệ) hiểu rằng, những chiếc quần jean ôm sát đang trên đà tuyệt chủng. Nhưng khi biết một số biểu tượng cảm xúc yêu thích của cô trên mạng xã hội, ví dụ như biểu tượng "khuôn mặt cười ra nước mắt" đang bị lỗi thời, Fain quyết định tìm hiểu nguyên nhân từ những đồng nghiệp cấp dưới.

Chuyện công sở: Vì sao sếp 37 tuổi sợ làm việc với nhân viên 23 tuổi? - 1

Sự khác biệt thế hệ tạo ra những quan điểm đối lập trong văn hóa công sở (Ảnh: NYT/Jeff Hinchee).

"Tôi nghe nói rằng, việc sử dụng biểu tượng cảm xúc này không còn có sự thú vị nữa", Fain thắc mắc. Và cô nhận được câu trả lời từ một nhân viên trẻ tuổi: "Tôi chỉ dùng biểu tượng cảm xúc đó khi làm việc cho chuyên nghiệp thôi".

Không thể phủ nhận sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra, có nhóm nhân viên mới định hình lại các tiêu chuẩn và phong cách ở nơi làm việc. Họ không ngần ngại đặt câu hỏi về mọi thứ, từ cách làm việc có phần lỗi thời của những người quản lý lớn tuổi hơn, cho đến quan điểm về công việc.

Andy Dunn (42 tuổi, người đồng sáng lập thương hiệu may mặc cao cấp Bonobos) cho biết: "Tôi cảm thấy rất chắc chắn rằng mình đang không được thoải mái. Tôi đã dần phải chấp nhận điều đó".

Tại một doanh nghiệp bán lẻ có trụ sở ở New York, các nhà quản lý đau đầu khi gặp phải những nhân viên trẻ muốn được nghỉ có lương khi mắc chứng lo âu hoặc đau bụng kinh.

Một nhân viên Gen Z đã đặt câu hỏi tại sao cô ấy phải làm việc theo tiêu chuẩn một ngày tám tiếng, trong khi cô ấy có thể hoàn thành công việc vào buổi chiều.

Colin Guinn (41 tuổi, đồng sáng lập công ty Hangar Technology) cho biết: "Những người trẻ đang giải quyết vấn đề theo kiểu "hóa ra chúng ta không cần phải làm đúng như những người già này nói. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì như chúng ta muốn và sẽ thành công". Và mấy người như chúng tôi kiểu "Chuyện gì đang diễn ra vậy"".

Nhiều người ở độ tuổi 20 biểu hiện sự khó chịu trước những xu hướng cũ của nhóm người lớn tuổi hơn. Nhưng cũng có không ít bạn trẻ táo bạo đang bắt đầu định hướng lại thị hiếu. Một số thành viên Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn 1997-2012), nhanh chóng khẳng định điều này.

Ziad Ahmed (22 tuổi, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của công ty Marketing JUV Consulting) nhớ lại phát biểu tại một hội nghị. Khi ấy, một cô gái thuộc Gen Z đang là nhân viên cấp thấp nói với anh ấy rằng cô không hài lòng với cách làm việc của cấp trên.

"Lời khuyên của anh cho công ty chúng tôi là gì?", cô gái trẻ hỏi.

"Bạn hãy trở thành phó chủ tịch, thay vì chỉ là một thực tập sinh", Ahmed đáp lời.

Chuyện công sở: Vì sao sếp 37 tuổi sợ làm việc với nhân viên 23 tuổi? - 2

Ngày càng có nhiều bạn trẻ thẳng thắn bày tỏ quan điểm tại nơi làm việc (Ảnh: Pinterest).

Gen Z không ngần ngại bày tỏ quan điểm

Sự chuyển giao của Gen Y, từ khi học đại học cho đến khi họ làm việc đã tạo ra một thế hệ "cứng cỏi". Theo thời gian, những người thuộc thế hệ Y đó trở thành những nhà quản lý và nơi làm việc đã được định hình lại theo phong cách của họ.

Gen Y chỉ ra rằng, đối với thế hệ lao động bước vào môi trường làm việc trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cảm thấy may mắn khi có được bất kỳ loại hình công việc nào. Trong khi đó, Gen Z đang bắt đầu sự nghiệp ở một cuộc khủng hoảng mới - Covid-19. Đại dịch ảnh hưởng trực tiếp đến giờ giấc, địa điểm và cách mọi người làm việc.

Hiện nay, mâu thuẫn giữa các thế hệ đặc biệt rõ ràng trong những công ty điều hành và hướng đến phục vụ Gen Y.

Trong quá trình tuyển dụng nhân viên Gen Z, Gabe Kennedy (30 tuổi, người sáng lập thương hiệu thực phẩm bổ sung Plant People), nhận thấy một số người không quan tâm đến thói quen làm việc cứng nhắc - vốn dĩ quen thuộc đối với nhóm 10 nhân viên hầu hết thuộc hệ Y của anh. Kennedy và người đồng sáng lập đã quen với việc làm đến khuya ở văn phòng để phân tích về phản hồi của khách hàng và cùng ăn đêm. Các nhân viên thuộc nhóm trẻ nhất của anh lại thích tự sắp xếp giờ làm việc của mình.

Trong cuộc phỏng vấn ứng viên Gen Z cho vị trí nhân viên toàn thời gian, người này đã hỏi Kennedy liệu cô ấy có thể nghỉ ngơi một ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao hay không. Anh đã trả lời rằng, với vị trí này, cấp trên hy vọng cô sẽ làm việc 9-17h.

Trước đây, Ali Kriegsman (30 tuổi, đồng sáng lập công ty Bulletin), băn khoăn khi nhân viên Gen Z khăng khăng muốn nghỉ nhiều ngày vì đau bụng kinh hoặc gặp vấn đề sức khỏe tâm thần.

"Tôi đã thức dậy và cảm thấy tinh thần không tốt lắm. Tôi sẽ không đi làm vào ngày hôm nay", Kriegsman nhận được tin nhắn.

Theo bản năng, Kriegsman muốn tán dương việc ưu tiên sức khỏe, nhưng cô cũng biết rằng thời gian nghỉ được trả lương của họ có thể làm giảm giá trị kinh doanh của công ty.

"Đôi khi tôi muốn hoãn lại công việc của mình vì thời kỳ kinh nguyệt khiến tôi bị tăng nội tiết tố. Nhưng ở vị trí của mình, tôi buộc phải vượt qua điều đó".

Các nhà quản lý, như Kriegsman, hiểu rõ xu hướng Gen Z bảo vệ sức khỏe của mình, cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống; nhưng một số lại tỏ ra bối rối khi những mong muốn đó được thể hiện một cách quá thẳng thắn. Nói cách khác, họ không quen với việc phân thứ bậc nơi công sở không được tuân thủ.

Lola Priego (31 tuổi, giám đốc điều hành của phòng thí nghiệm), đã bật cười khi một nhân viên Gen Z gửi tin nhắn giao nhiệm vụ cho cô. Priego giải thích, có thể đây là một tín hiệu rằng đội ngũ nhân viên 15 người của cô không hề thấy cô đáng sợ. Nhưng một thành viên khác của ban quản lý cấp trên thì bày tỏ sự kinh ngạc.

Chuyện công sở: Vì sao sếp 37 tuổi sợ làm việc với nhân viên 23 tuổi? - 3

Polly Rodriguez - đồng sáng lập công ty Unbound (Ảnh: NYT).

Polly Rodriguez (34 tuổi, giám đốc điều hành của công ty chăm sóc sức khỏe tình dục Unbound), cho biết: "Khi bắt đầu làm việc, tôi sẽ không giao phó công việc cho sếp của mình. Trong khi đó, Gen Z không ngần ngại làm điều đó".

Gen Z định hình lại văn hóa công sở

Nhiều nhà quản lý cảm thấy rằng việc bỏ qua khoảng cách giữa những người trẻ tuổi và nhóm nhiều tuổi hơn không phải là sự lựa chọn muốn hay không. Nó định hình lại việc tuyển dụng, hoạt động tiếp thị; hay cách các công ty phản ứng trước vấn đề chung của xã hội.

Rodriguez - một trong nhiều nhà quản lý cho rằng, các nhân viên Gen Z của cô là người đầu tiên và lớn tiếng nhất trong việc thúc giục các công ty thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình sau vụ George Floyd.

Đối với nhiều nhà lãnh đạo, điều này thúc giục một sự điều chỉnh đáng hoan nghênh sau nhiều thập kỷ khi các doanh nghiệp hầu như im lặng trước sự bất bình đẳng cả trong và ngoài văn phòng. Nhưng một số nhà quản lý cũng đang phải vật lộn để cân bằng giữa nhu cầu tham gia các hoạt động xã hội của nhân viên với ý thức của họ về những gì phù hợp với thương hiệu.

Dunn - hiện đang thành lập một công ty truyền thông xã hội, đã thuê một Gen Z đọc bản thảo của cuốn sách mà anh ấy viết. Trong vòng một ngày, cô ấy đã để lại 1.100 bình luận trong bản thảo. Dunn bắt đầu cố gắng thay đổi ngôn ngữ giới tính của mình trong văn phòng - thay vì nói "các anh bạn" (guys), thì chọn nói "mọi người" (people) hay tốt hơn là "tất cả các bạn" (y'all).

Chuyện công sở: Vì sao sếp 37 tuổi sợ làm việc với nhân viên 23 tuổi? - 4

Người trẻ đang thẳng thắn định hình lại phong cách làm việc chốn công sở (Ảnh: ShutterStock).

Tại nhiều doanh nghiệp, nhân viên Gen Z cũng góp phần hỗ trợ, thúc đẩy văn hóa nội bộ. Emily Fletcher (42 tuổi, người điều hành trung tâm Thiền Ziva) nhận thấy rằng, tại khóa tu của công ty cô, những người cấp dưới cảm thấy thoải mái nhất khi mở rộng giới hạn đề tài của cuộc trò chuyện.

Điều này trở nên rõ ràng khi các nhân viên tham gia vào một thử thách mà cô ấy gọi là "Suffie Awards". Họ ngồi xung quanh đống lửa, chia sẻ về những nỗi buồn trong năm vừa qua của mình trong nền nhạc du dương.

Fletcher cũng thừa nhận, Gen Z là người dễ bị tổn thương nhất khi nói về việc bị đối phương lừa dối hoặc sự cô đơn bủa vây lúc chỉ có một mình. Fletcher nói thêm, văn hóa công ty đã thoải mái hơn kể từ khi nhân viên lớn tuổi nhất - 48 tuổi - nghỉ việc. Giờ đây mọi người thấy thoải mái hơn với sự khác biệt của bản thân so với số đông.