Gen Z thừa nhận nhiều khi vô thức nói chuyện pha tạp tiếng Việt - tiếng Anh
(Dân trí) - "Khi giao tiếp, trong đầu nảy ra từ tiếng Việt hay tiếng Anh trước thì em sẽ sử dụng luôn để tiết kiệm thời gian. Tìm từ tương đương ở ngôn ngữ còn lại thì có thể đứt mạch suy nghĩ", một bạn chia sẻ.
Với xu hướng toàn cầu hóa, ngoại ngữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Việc các bạn trẻ thành thạo 2-3 ngôn ngữ đã trở thành một điều bình thường. Tuy nhiên, sử dụng pha tạp tiếng Việt với các thứ tiếng khác vẫn luôn là một chủ đề gây tranh cãi.
Là một hot girl đình đám trong làng giải trí Việt, trong những năm gần đây, Chi Pu đã lấn sân sang mảng ca hát, liên tục hâm nóng tên tuổi. Mới đây, khi đi học ở Mỹ, Chi Pu có những phát ngôn xen lẫn tiếng Anh và tiếng Việt gây nhiều tranh cãi.
Trong đoạn livestream, Chi Pu nói: "Sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated (mọi người cứ thích phức tạp hóa lên), nên là mình cứ enjoy cái moment (tận hưởng khoảnh khắc) này".
Cô tiếp tục giãi bày: "Mình có thời gian tĩnh lại, ở một mình nhiều hơn. Throw back (ngẫm nghĩ lại) những gì đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian rất là dài. Mình sẽ tương tác với mọi người nhiều hơn và có cái hoạt activities (hoạt động) nào thì sẽ show (giới thiệu) cho mọi người".
Đoạn video livestream của Chi Pu nhận được nhiều phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng. Trên TikTok, phân đoạn Chi Pu chia sẻ nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt được nhiều bạn trẻ ghép thành những video ngắn hài hước.
Câu chuyện của Chi Pu cũng mở màn cho cuộc tranh luận của các bạn trẻ Gen Z về vấn đề pha trộn ngôn ngữ trong giao tiếp.
Buồn cười nhiều hơn phản cảm
Theo Nguyễn Thị Anh Thư (19 tuổi, Đại học FPT), cựu học sinh trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, bạn cảm thấy việc hot girl Chi Pu nói chuyện đan xen tiếng Anh và tiếng Việt buồn cười hơn là phản cảm.
Thư cho biết: "Việc sử dụng tiếng Anh với tiếng Việt không còn mới. Tuy nhiên, những từ Chi Pu dùng như "hoạt activities" (hoạt động) thì là lần đầu mình nghe. Do đó, mình thấy nó hài hước hơn là phản cảm".
Là cựu học sinh chuyên Anh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Hoàng Quỳnh Dương (20 tuổi) thấy rằng việc Chi Pu nói chuyện bằng cả hai thứ tiếng không đáng để lên án. Tuy nhiên, Dương cũng hiểu được phản ứng tiêu cực đến từ cộng đồng mạng: "Việc cô ấy chuyển đổi ngôn ngữ luân phiên có những lúc đột ngột và không cần thiết. Ví dụ thay vì nói "enjoy cái moment này", Chi Pu có thể nói nguyên cả cụm từ bằng tiếng Anh".
Trong cuộc sống, Quỳnh Dương thường xuyên sử dụng tiếng Anh và Việt đan xen với nhau khi giao tiếp nhưng mọi người đều không gặp vấn đề bởi vì tất cả đều hiểu ý nhau. Do đó, bạn nhận xét yếu tố khán giả và thời điểm cũng quyết định liệu việc trộn ngôn ngữ là phù hợp hay không: "Nếu đó là một sự kiện trang trọng thì chúng ta cần có sự thống nhất trong ngôn ngữ".
Cô bạn cũng thú nhận rằng đôi lúc gặp khó khăn khi tìm từ tiếng Việt thay thế một số từ tiếng Anh. Cùng cảnh ngộ, Anh Thư cũng nhận thức được vấn đề này và đang cố gắng trau dồi thêm vốn tiếng Việt của mình.
Nguyễn Đức Minh (19 tuổi, Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho biết trong quá trình học ngoại ngữ, cậu luôn cố gắng tư duy bằng ngôn ngữ đó thay vì dịch từ tiếng Việt. Vì thế, Minh cũng không thể tránh khỏi tình trạng sử dụng tiếng Anh và Việt lẫn lộn trong lúc nói chuyện.
"Khi giao tiếp, trong đầu em nảy ra từ tiếng Việt hay tiếng Anh trước thì em sẽ sử dụng luôn để tiết kiệm thời gian. Tìm từ tương đương ở ngôn ngữ còn lại thì có thể đứt mạch suy nghĩ", Minh chia sẻ.
Pha trộn nhiều ngoại ngữ
Bên cạnh tiếng Anh, nhiều ngoại ngữ khác cũng đang thu hút các bạn trẻ học trong thời gian gần đây, như tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật… Vì vậy, một số từ tiếng lóng của các ngôn ngữ này cũng trở nên phổ biến hơn trong giao tiếp của Gen Z, có thể kể tới một số từ như "trà xanh" (người phụ nữ gian xảo) của tiếng Trung, "daebak" (tuyệt vời) của tiếng Hàn.
Đỗ Khánh Huyền (20 tuổi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) là một trong những bạn trẻ tự học tiếng Hàn. Khánh Huyền tự nhận mình là một tín đồ văn hóa Hàn Quốc cho nên cũng hay sử dụng chèn tiếng Hàn trong giao tiếp với bạn bè.
Với sự đổ bộ của làn sóng Hàn Quốc, không khó để bắt gặp các bạn trẻ, thậm chí không biết tiếng Hàn, sử dụng các biểu cảm trong tiếng Hàn khi nói chuyện. Huyền thấy đây không phải là hiện tượng xấu: "Khách quan mà nói, đây là minh chứng rõ nét cho sự thành công trong việc quảng bá văn hóa của xứ sở kim chi. Suy cho cùng, hành động này chỉ mang mục đích gia tăng sự thú vị cho cuộc trò chuyện".
Bên cạnh tiếng Anh, Đức Minh cũng là một người học tiếng Trung, đã thi đỗ chứng chỉ HSK 6 (cấp độ cao nhất của chứng chỉ tiếng Trung). Trước hiện tượng nhiều từ tiếng lóng của Trung Quốc du nhập vào Việt Nam như "tiểu tam" (người thứ ba), cẩu lương (những điều các cặp đôi yêu nhau khiến người ngoài ghen tị), Minh thấy những từ ngữ này góp phần khiến việc giao tiếp vui hơn.
"Mình thấy đây là biểu hiện của hội nhập văn hóa vì những từ này xuất phát từ mạng xã hội nước bạn. Miễn là từ ngữ được sàng lọc kỹ càng và không chuyển thành ý xấu trong tiếng Việt thì mình đều cảm thấy thoải mái".
Gần đây, trên mạng xã hội, một cụm từ mới nổi lên - "hảo bạn bè". Đây là cụm từ có sự kết hợp giữa từ 好 (Hăo) của tiếng Trung với từ "bạn bè" trong tiếng Việt. Đối với Anh Thư, những cụm từ như thế này cũng giống như việc Chi Pu nói "hoạt activities".
"Mình thấy nó giống với tiếng Trung việt hóa, không phải là tiếng Trung mà cũng không phải là Hán Việt. Từ "hảo" được viết dưới dạng tiếng Việt nên ít người nhận ra", Thư nhận xét. Nếu có sử dụng ngôn ngữ khác, Anh Thư cũng sẽ diễn đạt bằng cả câu đầy đủ chứ không phải nói một cách nửa vời.
Ngoài ra, Anh Thư cũng thấy việc các bạn trẻ sử dụng phiên âm từ Hán trong giao tiếp là thừa thãi và không cần thiết. Vào thời điểm mạng xã hội nổi lên các vụ bê bối trong showbiz Trung Quốc, Thư có theo dõi các bài viết của một số trang Facebook chuyên cập nhật tin tức của nghệ sĩ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Anh Thư không hiểu được đa phần số bài đăng đó. "Có nhiều từ họ sử dụng là phiên âm chữ Hán nên mình không thể hiểu được. Trong khi đó, tiếng Việt cũng có những từ mang nghĩa tương đương nhưng họ không dùng".
Hiện tượng pha trộn ngôn ngữ sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn khi con người thành thạo nhiều hơn một ngôn ngữ. Tuy nhiên, chúng ta cần biết gìn giữ văn hóa tiếng Việt, không để sự hội nhập ăn mòn gốc gác.