Chiến thắng nỗi sợ thất bại: Không khó!

(Dân trí) - Có bài học đau xót mang tên Trần Duy Hùng, học sinh lớp Toán 2, trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã thắt cổ tự tử vì trượt đại học (8/2005). Bước vào một kỳ thi, một trận đấu, ai cũng thèm được thành công, thắng cuộc. Nhưng sự thành công ấy sẽ tan thành mây khói do sợ hãi làm tê liệt dẫn đến thất bại.

Sợ thua cuộc

 

Một nỗi sợ hãi không hề đơn giản, nó có thể xâm chiếm bạn bất cứ lúc nào. Đây không chỉ là sợ hãi dừng lại ở tầm quan trọng của việc được mất thắng thua, mà đã biến chứng thành sợ hãi quá độ. Người nào đang phải chịu nó sẽ luôn nói với bạn: “Cứ như thể cuộc đời tôi là một trò chơi”. Đôi khi, nó còn dẫn đến ý định tự tử nếu thất bại thực sự.

 

Sự được thua trở nên cực kỳ quan trọng về mặt tình cảm, biến thành một mục tiêu sống còn. Đến một chừng mực nào đó, ở một số trẻ vị thành niên với kinh nghiệm cuộc sống còn thiếu, sợ thua cuộc trở thành nỗi kinh hoàng, khiếp sợ.

 

Làm thế nào để hạn chế nó?

 

Trước hết phải đi đến tận cùng của suy luận. Người trẻ tuổi teen không dám nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra nếu trượt tốt nghiệp THPT, hay thua trong trận đấu bóng. Chính việc từ chối nghĩ về tương lai đã khiến họ ảo ảnh và rồi ảo ảnh càng khắc sâu sợ hãi. Vì thế, điều quan trọng là phải chỉ cho họ thấy cần phải nghĩ tới tương lai.

 

Hãy chỉ cho họ thấy những tấm gương rất thực xung quanh. Rất nhiều người từng trượt tốt nghiệp THPT, đại học, thi đấu… nhưng họ vẫn vươn lên, không bi quan cho rằng cuộc sống đã dừng lại ở thất bại đó. Cần coi đó là việc hoãn lại và nhìn nhận lại cách chọn đúng vị trí cho từng việc đã làm.

 

Chống sợ hãi bằng dự định tương lai

 

Người ta có thể tiến xa hơn và nghĩ về tương lai: mình sẽ làm gì nếu mình thi trượt đại học? Chuẩn bị một phương án dự phòng không phải là tự nhận mình thua, ngược lại, nó tạo sự tin tưởng, bởi cho dù kết quả điểm thi như thế nào, tương lai vẫn tồn tại với bạn. Đó cũng là động lực để khởi động cho một trang mới. Nỗi sợ hãi ấy đã được kìm nén lại, đó có thể coi là thành công đáng khích lệ.

 

Hơn thế, nhìn về mức độ nghiền ngẫm bên trong, bạn không nên tự đặt ra cho mình những mức sào quá cao để rồi cố gắng vượt qua. Lượng sức mình luôn là yếu tố quyết định đầu tiên cho mỗi thành công. Lực học của mình không thể đỗ đại học, nhưng mình có thể học kỹ thuật để theo đuổi đam mê nghiên cứu máy móc.

 

Có những bạn trẻ luôn tự giày vò mình bằng câu thần chú: “Mình phải thành công” và nghiễm nhiên, câu thần chú ấy nhiễm vào đầu, tạo ra một mục tiêu bắt buộc. Không ai có thể lúc nào cũng thành công. Tốt nhất, các teen lựa chọn châm ngôn hợp lý: “Mình có thể thành công, mình năng lực làm điều đó mà…” đồng thời tìm kiếm phương tiện.

 

Tự đặt ra một sự bắt buộc về các phương tiện, chứ không phải là bắt buộc kết quả cần đạt đến, nếu không, chính bạn là tù nhân của chính mình. Thật là tốt nếu như bạn biết sử dụng tốt các phương tiện tưởng chừng nhỏ nhặt.

 

Bạn quá căng thẳng và bác sỹ kê đơn thuốc giảm stress nhưng bạn không quan tâm và đã bỏ qua. Cần chú ý tránh dùng các thuốc an thần, có thể tạo ra nhanh chóng sự phụ thuộc và là nguyên nhân của các rối loạn trí nhớ.

 

Hãy chú ý chăm sóc tới bản thân bởi một cơ thể khỏe mạnh sẽ mang lại một tinh thần lành mạnh. Một điều rất quan trọng là bạn càng thành công một cách tự nhiên thì sự sợ thất bại càng suy yếu. Dần dà, bạn sẽ tự tin vào chính mình.

 

Ngọc Nhàn