Bài tham dự diễn đàn “Tình và nghĩa trong cuộc sống hiện đại”:
Chiếc xe đạp cũ
(Dân trí) - Tôi bây giờ vẫn giữ chiếc xe đạp đã cũ. Nó là phương tiện giúp tôi suốt 4 năm ở Sài Gòn. Khi cuộc sống của tôi bắt đầu khá dần lên, tôi vẫn coi nó như người bạn. Tôi vẫn nghiệm ra một điều rằng trong cuộc sống hiện đại, khi người ta có tiền, có địa vị, có khi lại đánh mất đi những giá trị rất đẹp của cuộc sống.
10 năm trước tôi vào Sài Gòn lập nghiệp với 2 bàn tay trắng. Mẹ chỉ có thể đưa cho tôi số tiền nhỏ nhoi từ sổ tiết kiệm của mẹ đủ để tôi đi tầu và ở nhà thuê trong 3 tháng. Tôi tìm thuê được một phòng khoảng 6m2 sống cùng với gia đình thím Tư Phúc trong một con hẻm nhỏ ở Quận 11. Chật vật mãi tôi cũng tìm được một công việc là đi phát hành báo.
Hàng ngày, tôi đạp xe từ đường Nguyễn Thị Minh Khai đến khoảng 30 sạp báo trong thành phố để đưa báo, rồi kiểm báo tồn, thu tiền. Số tiền kiếm được vừa xoẳn để tôi trả tiền trọ cho thím Tư Phúc và ăn uống hàng ngày với giá 3.000 đồng một suất cơm.
Một buổi tối tôi trở về “nhà”, chợt thấy Trung đang đứng trước cửa. Nó là bạn học cùng với tôi ngoài Hà Nội. Nó cũng gặp quá nhiều khó khăn khi tìm việc nên cũng đánh liều vào Sài Gòn tìm việc như tôi. Tôi chỉ biết lắc đầu cám cảnh cho hoàn cảnh của 2 đứa. Trong túi nó cũng gần như chẳng còn một xu.
Suốt 2 năm trời chúng tôi lận đận bươn chải, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Đôi lúc, chúng tôi chỉ còn đủ tiền mua một suất cơm cho 2 đứa cùng ăn. Đôi khi nản chí chúng tôi định bỏ cuộc, trở ra Bắc. Có đêm nằm trên cái phản nhỏ trong nhà của thím Tư, nước mắt chúng tôi cứ chực trào ra. Xa gia đình, bươn chải kiếm sống hồi ấy khó hơn bây giờ nhiều khiến chúng tôi tủi thân và luôn ở bên cạnh nhau động viên, chia sẻ cho nhau.
Bài tham gia diễn đàn "Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại", xin gởi về địa chỉ: Cô Tô Quý Lộc, Công ty VinaGame, 459B Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TPHCM. - Thư điện tử: Ghi rõ tiêu đề Bài tham gia diễn đàn "Nghĩ về Tình và Nghĩa trong đời sống hiện đại" gởi về địa chỉ email: loctq@vinagame.com.vn |
Tôi dần dần tìm được một công việc là viết bài, lấy tin cho một toà soạn báo, còn Trung thì may mắn được ông bác họ xa nhận vào “chân” tiếp thị bán hàng cho một công ty dược phẩm. Cái xe đạp tôi quyết định đưa cho Trung để nó có phương tiện đi lại. Nó sang quận 4 ở nhà ông bác, còn tôi vẫn sống với thím Tư ở quận 11.
Vài tháng sau nó chạy qua tôi khoe, nó vừa làm được một hợp đồng trị giá tới 300 triệu và được đơn vị kia thưởng hoa hồng tới 10 triệu, đủ để nó mua một chiếc xe máy Dream lúc đó. Nó trả lại tôi cái xe đạp. Tôi hiểu nó là đứa giỏi kinh doanh, còn tôi vẫn chỉ làm báo. Cuối năm nó lại khoe với tôi, nó đã tự thuê nhà, đang dự định làm ăn lớn. Gần 1 năm sau, cơ quan lại chuyển tôi ra Hà Nội. Tôi vẫn mang theo cái xe đạp.
Rồi tôi có gia đình, công việc cũng dần dần khấm khá lên. Chúng tôi vẫn viết thư và sau này gọi điện cho nhau. Trung bây giờ đã là một doanh nhân thành đạt ở Sài Gòn. Số tài sản của nó đã lên đến cả vài trăm tỉ đồng. Nó béo đẫy ra, tóc chải mượt…
Thỉnh thoảng nó có ra Hà Nội, nhưng gặp nó tôi cảm thấy nó khác xa với thằng Trung ngày nào còn khó khăn. Cứ hễ nói chuyện là nó nói đến các phi vụ làm ăn, đến sự giầu có và rất khinh người nghèo. Nếu tôi có nhắc lại chuyện cũ hồi hai đứa trong Sài Gòn nó cứ xua đi không muốn nhắc lại. Ngày trước, nằm trên cái phản nhà thím Tư chúng tôi có thể rỉ rả kể cho nhau nghe bao chuyện, vậy mà bây giờ cả 2 đều khấm khá, thành đạt thì chẳng có chuyện gì mà kể.
Tôi có nhắc nó đến chuyện chiếc xe đạp ngày nào 2 đứa đi chung. Chiếc xe mà bây giờ chẳng ai dùng nữa nhưng là cả “gia sản” của chúng tôi hồi ấy. Nó nói: “Ông vứt đi chứ còn giữ làm gì. Bây giờ có mua thì mua ô tô chứ”. Tôi vẫn còn giữ được khá nhiều thứ của thời khó khăn. Nó như những tấm gương nhắc nhở tôi về một thời không được phép quên: “Thử thách sự vững vàng và vươn lên của mỗi con người ở những hoàn cảnh khó khăn nhất”.
Tình bạn của tôi và Trung cứ nhạt nhoà dần. Nó thật sự giầu có nhưng không có bạn thân. Hình như sự giầu có nhiều khi đổi bằng việc đánh mất đi những giá trị đích thực của cuộc sống.
Mà tình bạn keo sơn từ thủa hàn vi thì thật khó kiếm tìm.
Nguyễn Nguyên