DNews

Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương

Dĩ An

(Dân trí) - Vì muốn sở hữu những thước phim lung linh dưới biển, nhiều người trẻ sẵn sàng đầu tư số tiền lớn cho trang phục, thiết bị lặn...

Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương

Sau chuyến đi Thổ Châu (Kiên Giang) hồi tháng 3/2021 với bạn, Alice Đào (TPHCM) biết đến và trót đam mê bộ môn lặn biển. Tuy nhiên, cô lại không biết bơi. Đó là lý do cô phải tìm đến các lớp học lặn.

Từ người chỉ gắn bó với bộ môn snorkeling (bơi trên mặt nước với ống thở) mỗi dịp đi biển, Alice Đào hiện có thể hòa mình vào dòng nước trong xanh bên dưới và thu về những bộ ảnh đẹp.

Không riêng Alice Đào, nhiều người trẻ Việt cũng đang hứng thú với bộ môn này và sẵn sàng đầu tư chi phí cho thiết bị, trang phục hay những chuyến đi biển dài ngày.

Ảnh đẹp truyền cảm hứng học lặn

Nói về cảm hứng thôi thúc bản thân học lặn, Alice Đào cho biết: "Tôi vô tình thấy những bộ ảnh lặn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Tài. Khoảnh khắc đó khiến tôi muốn làm những điều mình thích dưới đại dương.

Những bức ảnh không chỉ khiến tôi có thêm niềm đam mê với môn lặn nhiều hơn mà còn mang thông điệp giữ gìn môi trường. Tôi hy vọng mọi người cùng chung tay giữ gìn những gì mình đang có trước khi quá trễ".

Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 1
Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 2
Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 3

Bên cạnh chi phí học, người muốn khám phá đại dương cũng cần chuẩn bị nhiều thiết bị. Tùy vào nhu cầu và mục đích, mỗi người sẽ chọn thiết bị phù hợp. Alice Đào chia sẻ, để có được bộ thiết bị lặn cơ bản, cô cần ít nhất 4-5 triệu đồng. 

Sau 3 tháng luyện tập ở hồ bơi, Alice Đào chính thức được lặn biển. Cô vẫn không thể quên được kỷ niệm lần đầu lặn không suôn sẻ do thời tiết xấu, dòng nước chảy xiết. Đến nay, ngoài những địa điểm nổi tiếng trong nước, cô có cơ hội lặn ở El Nido và Coron, Philippines.

Người trẻ Việt hưởng ứng trào lưu lặn biển (Biên dựng: Dĩ An).

Với Phương Nhi (TPHCM, quản lý phòng gym), cô tiếp xúc với bộ môn lặn 4 tháng trước. Nhi chỉ mất 2-4 buổi tập ngoài biển để tự tin lặn với mục đích quay phim giải trí.

Cô nhận thấy việc đầu tư học lặn khá hợp lý vì khi hoàn thành khóa học, mọi người được cấp bằng quốc tế. Nhi đang sở hữu tấm bằng có thể giúp cô lặn ở nhiều nơi trên thế giới.

"Lý do tôi học lặn xuất phát từ niềm đam mê với biển cả. Tôi nhớ về kỷ niệm lặn ngắm san hô ở Thái Lan. Khi đó, tôi không thể trụ lâu và phải ngoi lên mặt nước liên tục", Nhi nói.

"Đau ví" vì thời trang đi lặn

Sau khi gắn bó với bộ môn lặn, Phương Nhi nhận ra cơ thể mình có những thay đổi tích cực. Đùi cô trở nên săn chắc và hơi thở cũng được cải thiện. Cô hiện sở hữu làn da rám nắng.

Đặc biệt, cô cũng học được cách bình tĩnh hơn, vì khi lặn phải đảm bảo không bị tác động bên ngoài dẫn đến việc sử dụng oxy quá nhanh.

Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 4
Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 5

Nhi hiện duy trì tần suất lặn ở biển 1-2 lần/tháng. Để duy trì việc giữ hơi thở khi lặn, cô sẽ tập thêm ở hồ bơi mỗi tuần. Vì muốn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất, Nhi không ngại việc đi đến địa điểm xa. 

Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 6

Bằng chứng nhận sau khóa học của Nhi (Ảnh: NVCC).

Cô phải chi trả cho quá trình di chuyển, thuê tàu riêng đến địa điểm lặn đẹp, ăn uống, chỗ nghỉ ngơi...

Theo quan điểm của Nhi, tổng chi phí cho chuyến lặn biển thường đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu đi theo nhóm, mỗi người sẽ tiết kiệm được nhiều khoản.

Để có những bức ảnh hay thước phim đẹp mang về đất liền, Nhi không thể quên khoản đầu tư cho thời trang lặn.

Cô bày tỏ: "Đồ lặn là yếu tố làm đau ví nhất. Bởi tôi phải liên tục mua bodysuit (trang phục áo liền quần ôm sát). Thiết kế này giữ tôi ấm cơ thể dưới biển, tránh bị sứa cắn, va vào đá...

Và một điều ai cũng hiểu là chị em phụ nữ không thể có mỗi cái váy mặc mãi được".

Hơn nữa, Nhi thường không dùng kem chống nắng khi đi lặn để bảo vệ san hô. Do đó, cô cũng tốn nhiều thời gian và chi phí để bù đắp lại cho làn da sau mỗi chuyến đi.

Chi phí cho thiết bị có thể đắt gấp đôi khóa học

Terry Nguyễn - người thành lập công ty phân phối thiết bị lặn tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á Ocean Sports VN - chia sẻ với phóng viên Dân trí: "Sau đại dịch Covid-19, các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, du lịch, môi trường và đặc biệt là khám phá bản thân rất được quan tâm, đầu tư.

Bộ môn lặn biển lại thỏa mãn được các nhu cầu đó từ giới trẻ Việt. Họ bị thu hút bởi những bộ ảnh, video người lặn đắm mình giữa lòng đại dương, được vây quanh bởi đàn cá, rặn san hô màu sắc. Hơn hết, đối với mỗi cá nhân, đây là cơ hội rèn luyện sức khỏe, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên bản của tự nhiên và thoát khỏi sự ồn ào, bận bịu trên mặt đất".

Hiện nay, các bộ môn lặn biển được biết đến nhiều là lặn tự do, lặn ống thở, lặn bình khí và lặn săn bắn cá. Người trẻ Việt thường chọn lặn tự do vì không cần nhiều thiết bị phức tạp và một phần chịu ảnh hưởng từ làn sóng phương Tây.

Chấp nhận bị rám nắng, chi hàng chục triệu đồng để hòa mình dưới đại dương - 7

Terry Nguyễn cho biết, nhu cầu lặn biển ở Việt Nam ngày càng tăng (Ảnh: NVCC).

Theo chuyên gia Terry Nguyễn, lặn tự do thực sự bùng nổ thời gian gần đây. Khi những hình ảnh các bạn nữ lặn trong làn nước trong vắt ở đảo Phú Quý (Bình Thuận) cùng cá và san hô tràn ngập trên mạng xã hội, nhiều người tò mò về bộ môn mới.

Để bắt đầu với bộ môn này, người chơi cần trải qua khóa đào tạo. Ở Việt Nam có 3 loại bằng quốc tế dành cho lặn tự do từ tổ chức Molchanovs, SSI và PADI, giá dao động 6-7 triệu đồng/khóa. Tấm bằng này được dùng để đi lặn ở nhiều nơi như Thái Lan, Philippines, Indonesia.

Tiếp theo, người lặn cần đầu tư 4 món đồ thiết yếu, bao gồm kính lặn, ống thở, chân nhái và đồ lặn, giá dao động 10-15 triệu đồng. Để được phép học lặn, mỗi người cũng phải biết bơi (điều này rất quan trọng). Khi học lặn, các thầy cô sẽ chỉ học viên cách dưỡng khí trong cơ thể lâu nhất có thể, dưỡng sức, xả áp và cứu hộ.

"Bộ môn lặn mang đến nhiều giá trị tích cực và kiến thức về môi trường cho người tham gia. Tôi tin thú chơi này sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong vài năm tới. Qua việc lặn, tôi hy vọng mọi người thấy yêu hệ sinh thái biển hơn và góp phần khôi phục lại rạn san hô đang bị tàn phá nặng nề", Terry Nguyễn nói thêm.