CEO ngành CNTT chia sẻ với SV Bách Khoa về "cái tát đầu đời"
(Dân trí) - Tự lực vươn lên trong ngành CNTT, các CEO trẻ hiện nay đang quản lý hàng nghìn nhân viên đến giao lưu với các bạn SV Bách Khoa và truyền lại bí quyết để vượt qua ngày đi làm đầu tiên - "cái tát đầu đời".
Sáng 28/5, hơn 1000 SV ĐH Bách Khoa Hà Nội (đa phần là SV chuyên ngành CNTT) tụ hội tại hội trường C2 để tham gia buổi giao lưu với các CEO trẻ tuổi: anh Hoàng Việt Anh, GĐ đơn vị phần mềm chiến lược số 1 FPT Software; Nguyễn Văn Khoa, Tổng GĐ FPT Telecom; Lê Hồng Việt, Giám đốc Giải pháp và Công nghệ FPT Software.
Đặc biệt, buồi trò chuyện thân mật giữa các bạn SV Bách Khoa và 3 vị CEO trẻ tuổi còn có sự dẫn dắt của một MC quen thuộc, được giới trẻ yêu quý là" GS. Cù Trọng Xoay" Đinh Tiến Dũng.
Nhờ có tài ăn nói và sự thu hút của mình, anh Tiến Dũng khiến cho buổi giao lưu thêm phần sôi nổi, SV và các diễn giả kết nối mật thiết với nhau hơn.
Trong buổi giao lưu này, ba diễn giả, CEO trẻ tuổi chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích về quá trình học tập, làm việc để đạt được vị trí như ngày hôm nay. Qua đó, các bạn trẻ thấy được rằng, họ đều là những người trẻ đầy nhiệt huyết, có đam mê và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình, không nề hà thử thách.
Nhân cơ hội được gặp gỡ những vị lãnh đạo trẻ, các bạn SV Bách Khoa đặt ra khá nhiều câu hỏi liên quan tới vấn đề tuyển dụng, kinh nghiệm làm việc trong môi trường cạnh tranh và phát triển mạnh như CNTT.
Tự tin và đam mê là chìa khoá cho vòng phỏng vấn tuyển dụng
Một bạn SV năm thứ ba thẳng thắn hỏi các CEO rằng "Khi chúng em đi tuyển dụng thì hồ sơ xin việc chiếm bao nhiêu phần trăm cơ hội được tuyển?"
Anh Việt Anh, người đang quản lý hàng nghìn nhân viên và từng tham gia rất nhiều kế hoạch tuyển dụng cho hay: "Hồ sơ chỉ chiếm một phần không quá lớn trong việc bạn có được tuyển dụng hay không. Tôi cũng không hi vọng sinh viên mới ra trường có kinh nghiệm làm dự án.
Bảng điểm quan trọng nhưng không phải là tất cả. Quan trọng là thái độ trong quá trình phỏng vấn, phải tự tin, cho thời gian sẽ làm được. Thứ 2 là hoạt động văn hóa tinh thần để cân bằng giữa công việc và cuộc sống, có thể chơi một môn thể thao hoặc văn nghệ. Chuyên môn là quan trọng nhưng phải biết cân bằng cuộc sống, hoà đồng với đồng nghiệp.
Với câu hỏi "Nhà tuyển dụng ngành CNTT cần gì ở SV Bách khoa nhất? Làm thế nào để có một buổi phỏng vấn xin việc tốt?". Anh Việt Anh trả lời: "Ở vị trí nhà tuyển dụng cần năng lực chuyên môn, tính tự tin và độ chủ động trong giao tiếp.
Vì nếu như hôm nay chưa biết ngày mai sẽ biết nếu có quyết tâm. Phải biết tiếng Anh và tham gia các hoạt động văn thể mỹ. Bất cứ SV trường nào khi đi tuyển dụng đều phải quan tâm tới điều này”.
Anh Khoa chia sẻ bí quyết phỏng vấn tốt, điều đầu tiên cần thiết là ứng viên phải thật sự thoải mái. Thứ hai là phải thể hiện được sự tự tin của mình, đặc biệt là bộc lộ được sự đam mê và tư duy qua những câu trả lời. Đó chính là chìa khoá.
SV Bách Khoa hào hứng đặt câu hỏi cho CEO
Cái tát đầu đời
Một bạn SV hỏi rằng ngày đầu tiên đi làm của các CEO ra sao? Anh Nguyễn Văn Khoa ví von rằng, ngày đi làm đầu tiên là một "cái tát đầu đời". Mọi thứ được họ trong trường sẽ không giống như khi chúng ta va chạm với thực tế.
Sau "cái tát" này, nếu bạn tỉnh lại nhanh thì bạn sẽ tìm cách để hoà hợp được với môi trường, công việc. Còn nếu bạn vẫn cứ u mê thì bạn sẽ bị dòng nước cuốn đi và sau đó, bạn không biết rằng mình đang làm gì, mục tiêu của mình ở đâu nữa.
Bạn SV không theo đuổi chuyên ngành CNTT đặt câu hỏi về lĩnh vực quản lý: "Làm sao để tuyển được và giữ người tài ở lại với mình?". Đây được đánh giá là một câu hỏi khó, luôn làm đau đầu các nhà lãnh đạo.
Các CEO cho rằng không thể cạnh tranh thu hút người tài bằng thu nhập vì ngày hôm nay mình trả lương cao, ngày mai có doanh nghiệp khác trả lương cao hơn.
Để hút người tài công ty phải là môi trường mà nhân việc được phát huy khả năng làm việc. Những người tài người giỏi thích làm việc khó và được chúng kiến thành quả do mình làm ra ứng dụng thực tế ngay càng phấn khích hơn. Nhà tuyển dụng cũng giữ người bằng khả năng đào tạo và mở cơ hội thăng tiến, được làm những gì họ thích.
Rất nhiều câu hỏi nữa được các bạn SV được đặt ra cho ba vị CEO trẻ tuổi và được giải đáp nhiệt tình. Các CEO cũng tin rằng tương lai thế hệ trẻ Việt sẽ còn tiến xa trong lĩnh vực CNTT.
Mai Châm