Cần làm gì để tránh bị đăng ảnh kỷ yếu nhạy cảm?
Đa phần học sinh đều thiếu sót trong thỏa thuận chụp ảnh kỷ yếu với nhiếp ảnh.
Thiếu sót trong thỏa thuận chụp ảnh kỷ yếu
Chỉ nghĩ đơn giản, thuê thợ chụp ảnh kỷ yếu là để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của tuổi học trò nên đa phần học sinh không lường trước được việc bị đăng ảnh nhạy cảm, “hớ hênh” lên mạng xã hội.
Trò chuyện cùng một số học sinh và “thợ ảnh” được biết, trong “bản hợp đồng” chụp ảnh kỷ yếu không hề có thỏa thuận nào về việc sử dụng hình ảnh. Và “bản hợp đồng” thực chất chỉ là thỏa thuận miệng.
Thu Thủy (học sinh lớp 12 một trường THPT tại Ninh Bình) cho hay, khi thuê thợ chụp ảnh kỷ yếu cô và các bạn luôn mặc định chụp xong họ sẽ trả lại toàn bộ số ảnh. Bởi vậy, trong khi thỏa thuận với các “tay máy” về buổi chụp hình, cán bộ lớp không hề nhắc đến vấn đề sử dụng hình ảnh.
“Chúng mình chỉ trao đổi với họ một số cái như: Ý tưởng chụp ảnh là gì? Có bao nhiêu thợ ảnh? Chụp trong vòng bao lâu? Giá cả thế nào?... Thậm chí, họ chụp được bao nhiêu cái, chúng mình cũng không biết, khi lấy ảnh về được bao nhiêu thì biết có bấy nhiêu. Mà thường thợ ảnh chỉ trả ảnh đẹp chứ ảnh xấu họ xóa đi chứ giữ lại làm gì… chúng mình đều nghĩ như thế”, Thủy cho hay.
Ngọc Bích (học sinh lớp 12 trường THPT Ngô Gia Tự, Bắc Giang) cho đến khi thấy một vài nữ sinh bị thợ ảnh tung ảnh kỷ yếu hớ hênh lên mạng xã hội mới giật mình bởi trước đó chưa từng nghĩ về trường hợp xấu ấy. Cô luôn tin tưởng rằng cái tâm và nguyên tắc làm nghề của thợ ảnh không cho phép họ làm điều đó.
Bức ảnh kỷ yếu khá "hớ hênh" được cộng đồng mạng chia sẻ
“Hồi chụp ảnh kỷ yếu ở hồ bơi, một số bạn nữ lớp mình cũng bị lộ ngực. Anh thợ ảnh có gửi lại cho lớp và trêu: “Không “hối lộ” anh, anh sẽ tung lên mạng”. Tất nhiên anh ấy không bao giờ làm thật nhưng lời “đe dọa” đùa ấy cũng khiến mấy bạn nữ rối rít hết lên.
Ngẫm lại, giả sử hồi đó anh ấy làm thật thì cũng không biết đường nào mà cản, ảnh họ giữ cả mà. Nhưng mình nghĩ nếu là thợ ảnh có tâm thì không bao giờ làm điều đó thế nên khi thỏa thuận về buổi chụp hình mình không hề nhắc đến vấn đề này”, Ngọc Bích chia sẻ.
Từng chụp khá nhiều bộ ảnh kỷ yếu nhưng Đỗ Xuân Bút (sinh năm 1992, Hưng Yên) cũng chưa từng thấy khách hàng đề cập đến vấn đề sử dụng hình ảnh.
Anh cho hay, trước buổi chụp hình, anh cùng cán bộ lớp thường bàn bạc về ý tưởng chụp ảnh, trang phục, phụ kiện cần thiết, giá cả, tư vấn nơi chụp, trang điểm, cách di chuyển…
“Mỗi ê kíp chụp ảnh lại có những thỏa thuận khác nhau nhưng mình chưa từng nghe thấy ai nhắc đến việc sử dụng ảnh. Thường thì các “tay máy” đều hiểu nguyên tắc, mình chỉ là người chụp thuê, chụp được bao nhiêu trả bấy nhiêu, không được phép dùng ảnh của họ vào mục đích riêng, có dùng thì cũng phải xin phép. Thế nhưng, thừa nhận là vẫn có những người cố tình hoặc vô tình “bắt” được khoảnh khắc nhạy cảm của nữ sinh rồi đăng lên mạng với mục đích xấu”, Đỗ Xuân Bút cho hay.
Không thể chỉ trông mong vào cái tâm của thợ ảnh
Trong thời buổi mạng xã hội phát triển như hiện nay, vấn đề hình ảnh vô cùng quan trọng. Một hình ảnh nhạy cảm bị phát tán trên mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Vậy mà, với ảnh kỷ yếu của bản thân, hầu hết học sinh lại chỉ “trông mong” vào cái tâm và nguyên tắc riêng của thợ ảnh.
"Tay máy" Đỗ Xuân Bút - tác giả của nhiều bộ ảnh ý nghĩa được cộng đồng mạng ủng hộ
“Tôi buộc phải thừa nhận, niềm tin này hoàn toàn mỏng manh và các em học sinh chưa lường trước được hậu quả nặng nề phải gánh chịu nếu gặp phải một “tay máy” vô nguyên tắc và không có tâm. Bởi vậy, nên đưa vào bản hợp đồng chụp ảnh kỷ yếu một vài thỏa thuận nữa”, Đỗ Xuân Bút cho hay.
“Tay máy” có hai năm kinh nghiệm chia sẻ, trong khi bàn bạc về buổi chụp hình, đại diện lớp phải thỏa thuận chi tiết về việc sử dụng ảnh, yêu cầu thợ ảnh trả lại toàn bộ hình chụp được và không được phép sử dụng bất cứ hình ảnh nào vào mục đích riêng.
“Đại diện lớp nên yêu cầu ê kíp chụp ảnh, muốn sử dụng bất kỳ hình ảnh nào, dù xấu hay đẹp cũng phải thông qua lớp, đại diện lớp sẽ liên lạc với người trong ảnh, khi họ cho phép mới được dùng. Hơn nữa, nếu có thể cũng nên soạn hợp đồng bằng giấy tờ rõ ràng để sau này khỏi phải thắc mắc hay tranh cãi về mọi thứ chứ không chỉ riêng vấn đề hình ảnh”, Xuân Bút chia sẻ.
Đoàn Văn Quang, thợ ảnh chuyên chụp ảnh nghệ thuật và ảnh kỷ yếu ở Bắc Giang
Đoàn Văn Quang (biệt danh Kun Mon, thợ ảnh ở Bắc Giang) cho rằng, chỉ thỏa thuận thôi chưa đủ mà các học sinh phải trực tiếp kiểm tra ảnh ngay sau khi chụp để kịp thời loại bỏ những bức ảnh xấu, ảnh “hớ hênh”.
“Thợ chụp ảnh bây giờ nhan nhản, khó có thể biết được ai có tâm hay không có tâm với nghề nên tốt nhất chính các em học sinh nên tự có cách bảo vệ mình. Kết thúc buổi chụp hình, đại diện lớp nên ở lại một chút để kiểm tra ảnh ngay trên máy ảnh xem loạt hình có vấn đề gì không. Thấy ảnh nào không hay thì yêu cầu thợ ảnh xóa luôn. Làm vậy tuy vất vả chút nhưng an toàn”, Quang chia sẻ.
Bên cạnh đó, hai “tay máy” đều cho rằng, bản thân mỗi nữ sinh nên tạo dáng vừa phải, vừa toát lên vẻ tự nhiên, tinh nghịch của tuổi học trò vừa phải tế nhị để tránh bị ghi lại khoảnh khắc xấu.
Theo Hạ Nhiên
Dân Việt