Cách đối phó với 4 loại stress khác nhau

Hoàng Dương

(Dân trí) - Bạn có thể thấy một số phương pháp giảm căng thẳng nhất định không hiệu quả với bản thân, trong khi loại khác khá hiệu quả. Lý do là nó không phù hợp với tính cách, hoặc không phù hợp với hoàn cảnh.

Cách đối phó với 4 loại stress khác nhau - 1

Tìm cách giải tỏa căng thẳng phù hợp với bản thân là việc nên làm (Ảnh: Connect Hypnosis).

Phương pháp giảm căng thẳng này được nhóm lại theo các danh mục khác nhau mà bạn có thể xem xét khi quyết định cách quản lý căng thẳng tốt nhất.

Căng thẳng cấp tính

Căng thẳng cấp tính là loại khiến bạn mất thăng bằng trong chốc lát. Đây là loại căng thẳng đến nhanh chóng, thường bất ngờ và không kéo dài quá lâu, nhưng khiến bạn run lên một chút và cần được phản hồi, chẳng hạn như một cuộc tranh cãi với ai đó trong cuộc sống hoặc một kỳ thi mà bạn không chuẩn bị đầy đủ.

Những phương pháp giảm căng thẳng này có thể giúp bạn thư giãn và phục hồi nhanh hơn sau căng thẳng cấp tính:

Bài tập thở: Hít thở rất tốt cho tình trạng căng thẳng cấp tính vì nó có tác dụng nhanh chóng.

Ngồi thiền ngắn: Một buổi thiền nhanh chóng, kéo dài 5 phút có thể giúp bạn tĩnh tâm trong một khoảng thời gian.

Giãn cơ liên tục (PMR): Giống như các bài tập thở, PMR sẽ giúp bạn tập trung lại và thư giãn.

Căng thẳng mạn tính

Căng thẳng mạn tính là loại căng thẳng có xu hướng xảy ra thường xuyên. Nó có thể xuất phát từ sự cô đơn, gặp khó khăn trong công việc hoặc một vết thương lòng trong quá khứ. Loại căng thẳng này có thể khiến bạn cảm thấy kiệt sức và có thể dẫn đến kiệt sức nếu nó không được quản lý hiệu quả.

Những thói quen lâu dài sau đây có thể giúp bạn kiểm soát tốt hơn căng thẳng chung mà bạn có thể cảm thấy do các tác nhân gây căng thẳng mạn tính trong cuộc sống của bạn:

Tập thể dục thường xuyên: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể dục có thể làm giảm căng thẳng và cảm xúc tiêu cực. Hoạt động thể chất thường xuyên hơn có thể cải thiện khả năng đối phó và nâng cao sức khỏe tổng thể.

Nghe nhạc: Âm nhạc có thể hoạt động như một nền tảng giảm căng thẳng cho các công việc hàng ngày, có hiệu quả giảm mức độ căng thẳng chủ quan.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể có thể giúp giảm mức độ căng thẳng tổng thể vì toàn bộ hệ thống cơ thể bạn sẽ hoạt động tốt hơn.

Thiền thường xuyên: Thực hành thiền thường xuyên sẽ giúp xây dựng khả năng phục hồi tổng thể của bạn đối với căng thẳng.

Trị liệu trực tuyến: Liệu pháp dựa trên Internet có thể là cách dễ tiếp cận và thuận tiện để giảm căng thẳng. Bác sĩ trị liệu cũng có thể giúp bạn thực hiện các kỹ năng đối phó khác giúp bạn kiểm soát cảm giác căng thẳng mạn tính.

Căng thẳng cảm xúc

Nỗi đau do căng thẳng cảm xúc có thể tác động mạnh hơn một số loại căng thẳng khác. Ví dụ, căng thẳng xuất phát từ một mối quan hệ mâu thuẫn có xu hướng mang lại phản ứng thể chất và cảm giác đau khổ mạnh hơn so với căng thẳng do bận rộn trong công việc.

Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn giải tỏa căng thẳng cảm xúc hiệu quả:

Nói chuyện với bạn bè: Ngoài hỗ trợ về mặt tinh thần, bạn bè có thể đưa ra lời khuyên và hỗ trợ bạn những công việc bạn đang gặp khó khăn.

Nói chuyện với nhà trị liệu: Nhà trị liệu có thể giúp bạn xác định nguồn gốc của căng thẳng cảm xúc cũng như các chiến lược và kỹ thuật nào có thể giúp bạn chống lại căng thẳng tốt nhất.

Viết nhật ký: Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng viết nhật ký có thể hữu ích trong việc giảm mức độ căng thẳng.

Kiệt sức

Kiệt sức là kết quả của việc căng thẳng mạn tính kéo dài trong các tình huống khiến mọi người cảm thấy thiếu kiểm soát trong cuộc sống. Một số điều kiện công việc nhất định có thể tạo ra nguy cơ kiệt sức lớn hơn.

Ngoài các chiến lược có hiệu quả đối với căng thẳng mạn tính và căng thẳng cảm xúc, các chiến lược sau có thể giúp bạn chống lại trạng thái kiệt sức hoặc ngăn chặn hoàn toàn:

Dành thời gian cho sở thích: Đừng đợi cho đến khi cuộc sống bình lặng trở lại mới tham gia vào những sở thích của bạn. Làm những việc bạn yêu thích giúp tăng cường sức khỏe tinh thần, giúp bạn được trang bị tốt hơn để đối phó với những phức tạp hàng ngày trong cuộc sống.

Duy trì khiếu hài hước: Sử dụng tiếng cười để mang lại niềm vui trong ngày và tăng cường sức khỏe tổng thể của bạn. Tiếng cười còn có thể xây dựng khả năng phục hồi căng thẳng mạnh mẽ hơn.

Dành thời gian nghỉ ngơi: Dành một khoảng thời gian tránh xa những căng thẳng của cuộc sống hàng ngày có thể giúp bạn cảm thấy sảng khoái và được trang bị tốt hơn để xử lý căng thẳng. Nghỉ ngơi, cho dù đó là ngày chăm sóc sức khỏe tâm thần, du lịch tại nhà hay kỳ nghỉ, có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện khả năng hoạt động.

Theo www.verywellmind.com