Người 18-33 tuổi là thế hệ đang chịu nhiều căng thẳng nhất

Hoàng Dương

(Dân trí) - Đó là kết quả cuộc khảo sát vừa được thực hiện gần đây bởi Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ và Harris Interactive.

Theo đó, nhìn chung, thế hệ Millennials - những người từ 18 đến 33 tuổi, được ghi nhận có mức độ căng thẳng là 5,4/10. Các nhà nghiên cứu xếp mức độ căng thẳng ở mức 3,6 là bình thường. Con số 5,4 gây ngạc nhiên vì mức căng thẳng chung ở Mỹ đã giảm từ 5,2/10 năm 2011 xuống còn 4,9 vào năm 2012.

39% người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Millennials cho biết họ cảm thấy căng thẳng hơn kể từ năm ngoái, so với tỷ lệ 35% của tất cả những người tham gia cuộc khảo sát. Trong khi đó, chỉ 29% những người từ 67 tuổi trở lên nói rằng họ cảm thấy sự căng thẳng gia tăng.

"Thế hệ Millennials đang trưởng thành trong giai đoạn khó khăn. Họ được đặt nhiều kỳ vọng. Thất bại cá nhân là điều khó chấp nhận được khi thế hệ này cảm thấy mình là người quan trọng và được kỳ vọng. Dù cho trong hầu hết các trường hợp, đó không phải là lỗi của họ, khi mà họ ra trường vào đúng thời điểm nền kinh tế sụp đổ", Mike Hais, một nhà nghiên cứu thị trường, đồng tác giả của hai cuốn sách về thế hệ thiên niên kỷ, trong đó có cuốn "Động lực Millennial" xuất bản năm 2011, đã chia sẻ với USA Today.

Mới đây, cuộc khảo sát trực tuyến mang tên "Căng thẳng ở Mỹ" đã được tổ chức, với sự tham gia của  2.020 người ở Mỹ từ 18 tuổi trở lên. 

Theo đó, nhiều người thuộc thế hệ Millennials cho biết họ mắc chứng trầm cảm (19%) so với tỷ lệ 14% ở người từ 34 đến 47 tuổi (Thế hệ X) và tỷ lệ 12% người lớn từ 48 đến 66 tuổi (Thế hệ bùng nổ sinh sản), và 11% ở người cao  (67 tuổi trở lên). Kết quả tương tự đối với chứng rối loạn lo âu: 12% thế hệ Millennials được khảo sát đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, so với tỷ lệ 8% ở Gen X, 7% ở Thế hệ bùng nổ sinh sản và 4% ở nhóm tuổi già nhất.

Người 18-33 tuổi là thế hệ đang chịu nhiều căng thẳng nhất - 1

Nhiều người thuộc thế hệ Millennials ở Mỹ thú nhận rằng họ mắc chứng trầm cảm (Ảnh: Puhha).

Những người tham gia khảo sát thuộc thế hệ Millennial cũng ít khi tự chấm điểm "A" cho khả năng chăm sóc sức khỏe của họ. Chỉ 25% cho rằng khả năng chăm sóc của bản thân đạt mức cao nhất, so với 31% của tất cả người tham gia khảo sát.

Gần một nửa thế hệ Millennials thừa nhận rằng họ chưa làm hết sức trong việc kiểm soát căng thẳng của bản thân. 23% nói rằng họ cần "rất nhiều hoặc rất rất nhiều" sự giúp đỡ từ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để hỗ trợ họ thay đổi lối sống và hành vi lành mạnh. Và chỉ 17% nói rằng nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hỗ trợ họ quản lý căng thẳng.

Tất cả mọi người, ở mọi thế hệ, nguồn gốc căng thẳng phổ biến nhất là tiền bạc (69%), công việc (65%), nền kinh tế (61%) và các mối quan hệ (56%). Thế hệ từ 18 đến 47 tuổi cảm thấy áp lực về vấn đề tiền bạc, nghề nghiệp và độ ổn định của công việc trong khi sức khỏe cá nhân hoặc gia đình gây ra lo lắng ở những người 48 tuổi trở lên.

Riêng thế hệ Millennials cho biết công việc (76%), tiền bạc (73%) và các mối quan hệ (59%) khiến họ căng thẳng nhất. Thời báo Los Angeles chỉ ra rằng thế hệ Millennials có thể cảm thấy căng thẳng về tổng thể vì tỷ lệ thất nghiệp của họ là 13,1%, so với tỷ lệ trung bình chung ở Mỹ là 7,8%.

Nói chung, phụ nữ bị căng thẳng nhiều hơn nam giới, với xếp hạng mức độ căng thẳng là 5,3 so với 4,6. Đàn ông cũng có nhiều khả năng đối phó với căng thẳng hơn - 39% cho biết họ có thể giải quyết được căng thẳng của mình, so với 30% vào năm 2010. Trong khi đó, chỉ có 34% phụ nữ cho biết họ có thể giải quyết những lo lắng của mình.

Theo www.cbsnews.com