Chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ: “Nhà nước không mất gì”
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, triển khai chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho xây dựng, nhà nước không mất gì, không phải bù lãi suất, thậm chí nếu làm tốt thì sẽ giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt trong khi nợ xấu không phát sinh…
50 nghìn tỷ đồng lấy từ đâu?
Tại “Hội nghị triển khai chương trình Tín dụng 50 nghìn tỷ đồng ngành Xây dựng” diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng (VNCB) cho biết, chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng nhằm hiện thực hóa và vận hành thông suốt chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (Chủ đầu tư - Nhà thầu - Nhà tổ chức cung ứng SX VLXD - Ngân hàng), xây dựng Sàn kinh doanh VLXD chuyên nghiệp, an toàn tín dụng cho các ngân hàng liên minh cấp vốn, khơi thông hàng hóa VLXD thông qua các hình thức trả chậm và đối trừ, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng mới khi còn có các khoản vay cũ v.v.
Thực tế nhiều chủ đầu tư chỉ thiếu vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà dự án đành bị dở dang (ảnh minh họa)
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, 1 trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia chuỗi liên kết 4 nhà nhận định: "Sáng kiến của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh trong việc xây dựng chuỗi liên kết 4 nhà là rất kịp thời và phù hợp với tình hình hiện nay. Chương trình này nhằm bảo đảm tiền từ ngân hàng không chuyển thẳng vào doanh nghiệp BĐS mà vào đơn vị thi công và cung ứng vật liệu xây dựng. Như vậy sẽ tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tái khởi công lại dự án dở dang. Đây được xem như là một cú hích có thể phá băng thị trường BĐS, khôi phục niềm tin cho thị trường vốn đã giảm sút rất nhiều trong thời gian qua nếu được sử dụng đúng cách".
Ông Đực cho biết thêm, thực tế nhiều chủ đầu tư chỉ thiếu vài chục đến vài trăm tỷ đồng mà dự án đành bị dở dang, không đúng tiến độ... gây bức xúc cho xã hội, làm người dân thất vọng, mất niềm tin vào thị trường BĐS.
Tham gia chương trình này doanh nghiệp sẽ tiếp tục được "bơm" vốn, nhờ đó sẽ thoát khỏi khó khăn, góp phần làm tăng nguồn cung căn hộ giá trung bình cho thị trường, giúp người dân sớm tiếp cận được nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình.
Theo ông Mai, gói tín dụng 50 nghìn tỷ đồng này bao gồm: VNCB dự kiến cung ứng khoảng 10 nghìn tỷ đồng thông qua các hình thức: cho vay ngắn hạn, cung ứng VLXD và được quay vòng trong năm 2014; Bảo lãnh dự thầu, Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, Bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước, Bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm, Bảo lãnh thanh toán, Bảo lãnh thanh toán thuế xuất - nhập khẩu, Bảo lãnh vay vốn, Bảo lãnh đối ứng, và các nghiệp vụ tín dụng khác liên quan đến cung ứng VLXD.
Phần còn lại sẽ được sự tham gia và tài trợ bởi ngân hàng chuyên ngành xây dựng nước cùng một số ngân hàng của Việt Nam đã và sẽ ký kết với VNCB.
Ngân hàng liên kết giúp kiểm soát nợ xấu
Chia sẻ về chương trình tín dụng này, TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia ngành ngân hàng cho rằng: “Chương trình 50 nghìn tỷ hỗ trợ xây dựng và BĐS dựa trên thực tế kinh doanh của xây dựng và BĐS: sự dịch chuyển của hàng hóa (vật liệu xây dựng, sản phẩm đầu vào) và sự dịch chuyển của lượng tiền tệ (tín dụng, tiền đầu tư, tiền đặt cọc) để hổ trợ sự dịch chuyển hàng hóa. Hai khâu này tuy tách biệt nhưng lại là hai mặt của một đồng tiền và đáng lý phải gắn bó rất mật thiết với nhau. Nhưng thực tế của những năm gần đây cho thấy hai khâu này càng ngày càng tách rời nhau ra và gây nên khủng hoảng trong lãnh vực xây dựng và thị trường BĐS. Hàng hóa ứ đọng, không có người mua, hay mua mà không được thanh toán.
Chương trình 50 nghìn tỷ đồng theo TS Hiếu đã được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thực tế này và đã thiết kế một cơ chế hợp lý để nối kết hai khâu hàng hóa và tiền tệ/tín dụng, khai thông những điểm huyết mạch của hàng hóa và tiền tệ, và cuối cùng kiểm soát được dòng tiền và giúp hoàn thành các sản phẩm BĐS cũng như giúp tiêu thụ những sản phẩm này qua những chương trình tín dụng của các ngân hàng tham gia chương trình”.
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng bày tỏ sự đồng tình: “Theo tôi, mô hình liên kết “4 nhà” là tổ hợp cung ứng vốn và cung ứng vật liệu xây dựng được triển khai rộng cho các công trình nội đô và các khu đô thị mới. Qua đó, sẽ khắc phục được tình trạng lâu nay là nhà thầu sau khi làm xong không có tiền để thanh toán cho các nhà cung cấp nguyên liệu, tiền nhân công, dẫn đến cả 3 nhà: chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng đều nợ ngân hàng và nguy cơ dẫn đến nợ xấu rất cao”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng đã khẳng định: “Phương thức triển khai chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng cho thấy, nhà nước không mất gì, không phải bù lãi suất mà thậm chí, nếu làm tốt thì sẽ giúp ngành ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt trong khi nợ xấu không phát sinh. Đây là điều tốt. Vấn đề là nằm ở khâu thực hiện”.
“Chúng tôi chỉ tổ chức sân chơi cho 4 nhà” Chúng tôi chỉ tổ chức sân chơi cho bốn nhà: ngân hàng (NH), nhà thầu, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và chủ đầu tư dự án, còn các doanh nghiệp tự chơi với nhau chứ chúng tôi không tham gia cũng không can thiệp vào hoạt động này. Xung quanh những băn khoăn về Tập đoàn Thiên Thanh đóng vai trò gì trong chuỗi liên kết 4 nhà, ông Đỗ Văn Quất, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh cho biết: Cùng với Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB), chúng tôi chỉ là nhà tổ chức, kết nối các chủ thể tham gia chuỗi liên kết 4 nhà trong chương trình hỗ trợ thị trường bất động sản, chứ không tham gia bán hàng. Theo đó, khi tham gia chương trình này, các chủ đầu tư vẫn toàn quyền chọn lựa sản phẩm, nhà sản xuất, thương lượng giá cả, các chương trình giảm giá khuyến mãi... Nói nôm na là chúng tôi chỉ tổ chức sân chơi cho bốn nhà: ngân hàng (NH), nhà thầu, nhà sản xuất vật liệu xây dựng và chủ đầu tư dự án, còn các doanh nghiệp tự chơi với nhau chứ chúng tôi không tham gia cũng không can thiệp vào hoạt động này. Tại sao Tập đoàn Thiên Thanh lại đứng ra làm vai trò này? Trong thời gian qua, trên thị trường, người mua, người bán gặp nhau một cách manh mún, không có sự đảm bảo. Thực tế có tiềm ẩn rủi ro về chất lượng sản phẩm, thanh toán, xảy ra nợ nần. Không có điểm tập trung sản phẩm mà phải đi theo một kênh truyền thống của nhà đầu tư, phân phối. Việc tổ chức một chợ hữu hình để thu hút các nhà sản xuất, nhà thầu, khách hàng để họ có cơ sở so sánh chất lượng, giá cả … chính là mục đích khi triển khai chuỗi này. Và tập đoàn Thiên Thanh đã mạnh dạn đứng ra để làm việc này, thu hút các bên tham gia. Liệu chương trình tín dụng 50.000 tỉ đồng có thu hút được sự tham gia của các NH và có đảm bảo được nguồn vốn như đã công bố, thưa ông? Tôi tin rằng nếu nắm thông tin một cách đầy đủ chương trình liên kết này, bên cạnh các NH đã ký kết tham gia vào chuỗi liên kết như: Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Quân đội, Ngân hàng Quốc dân (NCB)…, các NH khác sẽ sẵn sàng tham gia vì chỉ có lợi chứ chẳng thiệt hại gì. Bởi thực tế, không ai lôi kéo hay làm ảnh hưởng đến khách hàng của các NH. Chẳng hạn, trước đây NH A tài trợ cho dự án B, nhưng vì một số lý do nào đó đã tạm ngừng cung cấp tín dụng sau khi dự án B này đã hoàn thành 60-70% giá trị công trình. Nếu cùng tham gia nhóm liên kết này, NH A (hoặc một NH khác trong nhóm liên kết) chỉ cần thẩm định giá trị đã đầu tư, đánh giá khả năng tiêu thụ của sản phẩm... và ký bảo lãnh, nguyên vật liệu sẽ được bên thứ ba cung cấp đầy đủ để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án. Một khi có sản phẩm hoàn chỉnh, dự án sẽ thu hút được dòng tiền mới, từ khách hàng mới và cả những khách hàng đã đăng ký mua sản phẩm trước đó. Nguồn tiền này sẽ chảy ngược trở lại NH A, tức NH sẽ thu hồi vốn đã cho vay thay vì để dự án chết đứng và ôm nợ xấu. Ông có tin rằng “nhà tổ chức” Thiên Thanh có đủ hấp dẫn để thu hút chủ đầu tư và các nhà sản xuất vật liệu xây dựng tham gia chuỗi liên kết? Theo tôi, chắc chắn nhiều chủ đầu tư và nhà sản xuất vật liệu sẽ ủng hộ chương trình này, bởi nó đem lại lợi ích cho cả hai phía. Với tình trạng tồn kho của ngành vật liệu xây dựng hiện nay, các nhà sản xuất sẽ giải phóng được một lượng hàng đáng kể nếu các dự án dở dang tiếp tục khởi động trở lại. Về phía chủ đầu tư, ngoài chuyện được tiếp tục bơm vốn để hoàn thiện dự án, thanh khoản của sản phẩm hoàn thiện cũng sẽ tốt hơn, doanh nghiệp có cơ hội thu hồi vốn nhanh để trả nợ vay NH, thay vì chôn khoản vốn đã đầu tư dang dở và chịu lãi suất. Trường hợp nhiều chủ đầu tư cùng tham gia mua hàng với khối lượng lớn thì mức chiết khấu (giảm giá) nguyên vật liệu đầu vào cao hơn, giá thành sản phẩm sẽ giảm đáng kể và chủ đầu tư có thể giảm được giá bán sản phẩm, người mua nhà cũng được hưởng lợi… Xin cảm ơn ông! |
Lan Hương