Quảng Bình:

Xây dựng khu bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng

(Dân trí) - Ngày 2/10, tại TP Đồng Hới, Sở NN&PTNT phối hợp với Dự án GIZ (Đức) tổ chức hội thảo xây dựng phương án bảo tồn quần thể Voọc gáy trắng tại xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Tại hội thảo, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho hay, ở nước ta hiện nay chỉ còn 2 tỉnh có sự phân bố tự nhiên của Voọc gáy trắng, trong đó Quảng Bình là nơi có số lượng Voọc tập trung nhiều nhất, phân bố ở 2 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) với số lượng khoảng 100 cá thể sinh sống.

Tuy nhiên, hiện nay môi trường sống của Voọc gáy trắng ngày càng bị thu hẹp do nhiều nguyên nhân như: săn bắt, xâm lấn sinh cảnh, khai thác đá, khai thác củi…, đồng thời chưa có những cơ chế, chính sách và hệ thống quản lý thống nhất để phát triển quần thể Voọc gáy trắng hoang dã. Bởi vậy, nguy cơ tuyệt chủng Voọc gáy trắng ở ngoài tự nhiên là rất cao.

Quảng Bình được đánh giá là nơi có số lượng Voọc tập trung nhiều nhất với số lượng khoảng 100 cá thể sinh sống (Ảnh Đặng Tài)
Quảng Bình được đánh giá là nơi có số lượng Voọc tập trung nhiều nhất với số lượng khoảng 100 cá thể sinh sống (Ảnh Đặng Tài)

Tại hội thảo, Sở đã đưa ra đề xuất quy hoạch khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Vọoc gáy trắng Thạch Hóa với diện tích 175ha.

Theo đó, việc thành lập khu bảo tồn sẽ có tính khả thi cao vì đáp ứng đủ các tiêu chí về khu bảo tồn loài/sinh cảnh của Bộ NN&PTNT năm 2005; nơi bảo vệ Voọc gáy trắng cũng không mâu thuẫn hoặc xung đột về sử dụng đất và tài nguyên rừng; sự quan tâm và vào cuộc của các đơn vị chức năng kịp thời, hiệu quả; một số cá nhân trong cộng đồng đã tiên phong và tích cực tham gia tự nguyện bảo vệ quần thể Voọc gáy trắng và sinh cảnh sống của chúng...

Tại buổi hội thào, nhiều ý kiến cho rằng để bảo vệ loài Voọc trước nguy cơ tuyệt chủng cần sự phối hợp của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân (Ảnh Internet)
Tại buổi hội thào, nhiều ý kiến cho rằng để bảo vệ loài Voọc trước nguy cơ tuyệt chủng cần sự phối hợp của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân (Ảnh Internet)

Tuy nhiên, trong khi chưa thành lập được khu bảo tồn, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các ban ngành, lực lượng chức năng liên quan cần tăng cường việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ của các Trạm kiểm lâm gần khu vực này để bảo vệ đàn Voọc; khảo sát tầng suất sinh sản của các cá thể Voọc để có kế hoạch mở rộng môi trường sinh sống; tăng cường việc phối hợp với UBND xã, lực lượng công an xã để vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân nhằm bảo vệ đàn Voọc quý hiếm này.

Được biết, Voọc gáy trắng (Trachypithecus hatinhensis Dao, 1970) thuộc họ Khỉ Cercopithecidae, bộ Linh trưởng Primates và sống chủ yếu ở vùng rừng trên núi đá vôi, kiếm ăn trong các dải rừng kín thường xanh tiếp giáp với rừng núi đá vôi gần vùng sống của chúng.

Mỗi đàn có số lượng phổ biến từ 5 - 15 con, thức ăn của chúng gồm chồi non và quả cây rừng. Hiện chúng có quần thể lớn nhất tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) với hơn 2.000 cá thể, một phần nhỏ ở Lào và chừng 15 - 20 cá thể ở Hướng Hóa (Quảng Trị). Vùng Thạch Hóa là nơi chúng có quần thể lớn thứ hai với khảo sát bước đầu khoảng hơn 100 cá thể, đây là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

 

Đặng Tài