TT-Huế:

Tháo dỡ các lò nung vôi từ vỏ hàu gây ô nhiễm môi trường

(Dân trí) - Sáng ngày 27/8, chính quyền thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) cùng với các hộ dân có cơ sở nung vôi gây ô nhiễm môi trường ở khu vực phía nam chân đèo Phú Gia, thị trấn Lăng Cô đã tổ chức thực hiện việc tháo dỡ các lò nung vôi.

Công việc này nhằm tiến tới ngừng toàn bộ việc nung vôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đây. Cụm các lò nung vôi ở phía nam chân đèo Phú Gia (thuộc thôn Lập An, Thị trấn Lăng Cô) là một trong 15 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để theo Quyết định 64/2003/QĐ -TTg. Tại đây có 9 cơ sở nung vôi của 9 hộ dân thu hút hơn 50 lao động trực tiếp nung vôi và hàng trăm lao động khai thác vỏ hàu ngay tại vùng đầm Lăng Cô để cung cấp nguyên liệu cho các lò nung.

Tháo dỡ các lò nung vôi từ vỏ hàu ở Lăng Cô
Tháo dỡ các lò nung vôi từ vỏ hàu ở Lăng Cô

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, cùng với công tác tuyên truyền vận động các chủ lò ngừng nung vôi, huyện Phú Lộc đã trích ngân sách hơn 3 tỷ đồng hỗ trợ cho các chủ lò và người lao động để thực hiện chuyển đổi sang các ngành nghề khác, xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở nung vôi gây ô nhiễm nghiêm trọng tại đây.

Tháo dỡ các lò nung vôi từ vỏ hàu ở Lăng Cô
Đầm Lập An nơi có các hộ làm nghề nung vôi từ hàu gây ô nhiễm môi trường đã được trả lại bộ mặt xanh, sạch

Sau đúng 10 năm thực hiện Quyết định 64/2003/QĐ -TTg, việc tháo dỡ, xóa bỏ các lò nung vôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại đây đồng loạt triển khai, các chủ lò với sự hỗ trợ nhân lực từ chính quyền thị trấn Lăng Cô đã nghiêm túc tổ chức thực hiện.

Dự kiến trong khoảng 2-3 ngày, toàn bộ các lò nung, nhà xưởng sẽ được tháo dỡ xong. Tuy nhiên, ngoài vấn đề nung vôi gây ô nhiễm thì việc nhiều hộ dân khai thác vỏ hàu bằng máy cũng gây tác động lớn đến môi trường sinh thái vùng đầm Lăng Cô. Sau khi các lò nung được tháo dỡ, ngừng hoạt động thì việc khai thác vỏ hàu bằng máy vẫn đang tiếp diễn tại đây.

Văn Nhân - Đại Dương