Rừng nhiệt đới được tái tạo trong lòng Hà Nội

Ngày 26/2, một Dự án tái lập rừng nhiệt đới do Công ty ô tô Toyota Việt Nam (TMV) phối hợp với Viện Kinh tế Sinh thái (EcoEco) và UBND huyện Sóc Sơn, đã được phát động với mục đích chính là tái lập 30ha rừng nhiệt đới trên vùng đồi Sóc Sơn, Hà Nội.

Với Dự án này, những cây bản địa của Việt Nam như sao, trám, táu, lim... sẽ dần được trồng để thay thế bạch đàn, keo, thông.

Câu chuyện của 30 năm trước

Chị Trương Thị Bài, người dân xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn kể lại, lúc còn nhỏ, vào khoảng những năm 70, chị đã từng leo lên núi Sóc Sơn, ở đó chỉ toàn sim mua và cỏ dại. Chiến tranh cùng sự góp sức của bàn tay người đã tàn phá hết rừng ở đây. Rừng nguyên sinh với các cây lá rộng thường xanh nhiệt đới cùng nhiều loài lâm sản, cây thuốc quý giá vốn nổi tiếng Sóc Sơn một thời đã không còn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn – Ông Ngô Đại Ngọc cũng cho biết, những năm 1990 trở về trước, ở Sóc Sơn toàn đồi núi trọc. Hiện nay, người dân đã trồng mới những khu rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, nhưng chỉ chủ yếu là cây ngoại nhập như bạch đàn, thông, keo tai tượng...

Gần 30 năm qua, từ 234ha ban đầu, nay Sóc Sơn đã có gần 4.500ha rừng, trở thành huyện có nhiều rừng nhất ở Hà Nội. Bởi vậy, TP Hà Nội đang quy hoạch rừng Sóc Sơn trở thành rừng phòng hộ môi trường. Nhưng cũng theo ông Ngọc, nếu muốn trở thành rừng phòng hộ môi trường thì phải đưa các loài cây bản địa của Việt Nam vào để cải tạo đất, làm phong phú rừng và nâng cao chất lượng của rừng.

Khu vực đền Gióng có khung cảnh núi, rừng và nhiều hồ nước tự nhiên và là khu du lịch sinh thái văn hóa mang tính lịch sử với tổng diện tích 274 ha. Cũng như toàn huyện Sóc Sơn, hiện nay, các loài cây trong rừng ở đây chủ yếu là các loài cây mọc nhanh, nhằm mục đích chủ yếu là phủ xanh đồi trọc, nhưng giá trị kinh tế lại không cao, không có tác dụng tăng cường độ phì nhiêu của đất cũng như đa dạng hóa sinh học. Thảm thực vật hiện tại không phù hợp với cảnh quan của Đền Gióng cổ kính, thiêng liêng cũng như không đáp ứng được các tiêu chí bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và các chức năng khác của rừng nhiệt đới.
 
Rừng nhiệt đới được tái tạo trong lòng Hà Nội - 1
Ông Akito Tachibana - Tổng giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam phát biểu tại lễ khởi động

Con người có thể tái tạo rừng

Rừng nhiệt đới có đặc điểm chính là rất nhiều loài cây khác nhau, đa dạng về chủng loại và độ tuổi. Trong rừng có nhiều tầng tán khác nhau từ cây cao, cây thấp cho đến cây bụi.

PGS. TSKH Nguyễn Duy Chuyên, Viện phó Viện Kinh tế sinh thái, Giám đốc dự án Toyota - Ecoeco kể lại, cách đây ba năm, các nhà khoa học Viện Kinh tế sinh thái đã tái tạo thử nghiệm 5ha rừng nhiệt đới ở khu vực đền Gióng, Sóc Sơn. Đến nay, cây đã lớn và sinh trưởng rất tốt. Đó cũng chính là cơ sở để TMV tài trợ để tiếp tục mở rộng diện tích tái tạo thêm 25ha rừng ở đây. Dưới tán các loài cây bạch đàn, thông, keo..., các nhà khoa học sẽ trồng xen thêm các loài cây bản địa Việt Nam. Khi cây đã phát triển, họ sẽ cho chặt bớt những cây cũ, giá trị kinh tế thấp, để dần thuần hóa thành rừng nhiệt đới.

Để trồng mới mỗi gốc cây, họ phải bóc dỡ toàn bộ lớp đất đã khô cằn, đổ 30kg phân chuồng xuống cùng đất phù sa để cây phát triển. Các nhà khoa học hy vọng, với phương pháp này, họ sẽ cải tạo được đất, cây bản địa sẽ tốt tươi. Khi rừng được phục hồi thì các loài động vật, chim chóc của rừng nhiệt đới cũng sẽ kéo về.

Trên khoảnh rừng vừa được quy hoạch để tái tạo, từ tháng 7 năm ngoái, những cây bản địa đầu tiên đã được trồng.

Dự án “Mô hình rừng nhiệt đới Toyota – EcoEco - Tái lập 30 ha rừng nhiệt đới trên vùng đồi Sóc Sơn, tôn tạo cảnh quan Đền Gióng, Hà Nội” được nghiên cứu thực hiện với mục đích tái lập khu rừng nhiệt đới với các loài cây gỗ quý hiếm từ các vùng sinh thái khác nhau có cấu trúc đặc hữu, hỗn loài, nhiều tầng, khác tuổi, và đa dạng sinh học cao.

Dự án sẽ được thực hiện trong sáu năm từ năm 2010 đến năm 2016, với các nội dung: Tái lập và trồng mới 25ha rừng nhiệt đới với nhiều vùng sinh thái khác nhau; Chăm sóc, quản lý và bảo tồn 5ha mô hình thực nghiệm tiệm cận tái lập rừng nhiệt đới đã được trồng từ năm 2006-2008 và 25ha rừng trồng mới; Xây dựng Khu trưng bày mẫu vật và Giới thiệu bảo tồn đa dạng sinh học rừng nhiệt đới và Giáo dục bảo vệ môi trường Toyota - EcoEco. Dự kiến, kinh phí để thực hiện Dự án trong giai đoạn 1 là hơn 4 tỉ đồng.
 
Rừng nhiệt đới được tái tạo trong lòng Hà Nội - 2
Ông Akito Tachibana - Tổng giám đốc Công ty ô tô Toyota Việt Nam cùng các đại biểu trồng cây tại rừng nhiệt đới Toyota - EcoEco

Trồng rừng cho thế hệ tương lai

Phát biểu tại lễ phát động dự án, ông Akito Tachibana, Tổng giám đốc TMV chia sẻ: “Dự án Mô hình rừng nhiệt đới Toyota-EcoEco được triển khai với ý nghĩa tái lập lại vùng rừng nhiệt đới Sóc Sơn nhằm chung tay bảo vệ rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân và từ đó, mở rộng các họat động giáo dục môi trường tới thế hệ trẻ sau này, không chỉ trong thời gian của Dự án mà sẽ được tiếp tục duy trì trong nhiều năm tới”.

Theo chị Bài, so với thời điểm những năm 70, rừng Sóc Sơn giờ đây đã được cải thiện rất nhiều. Với dự án này, không biết khu rừng ở chân núi Sóc Sơn này còn đẹp đến thế nào nữa.

Theo các nhà khoa học, ít nhất 30 năm nữa, dáng dấp của một khu rừng nhiệt đới thực sự mới trở lại với Sóc Sơn. Và trong vòng 30 năm nữa, người dân thủ đô cũng như khắp cả nước mới có thể được chiêm ngưỡng một khu rừng nhiệt đới thực thụ.

Dự án tái tạo rừng này sẽ giúp cộng đồng, nhất là người dân TP Hà Nội, và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, cũng như giới trẻ thấy được cấu trúc đặc sắc và đa dạng của rừng nhiệt đới ở Việt Nam. Diện tích rừng sau khi khôi phục sẽ trở thành một bảo tàng rừng nhiệt đới tự nhiên trong lòng Hà Nội, phục vụ tốt cho các hoạt động giáo dục về môi trường

Hồng Vân