Quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển

(Dân trí) - Sáng 17/10, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo về quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ biển: Cách tiếp cận “Từ đầu nguồn tới biển” cho lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Hội thảo do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp với Quỹ Hanns Seidel (HSF) tổ chức.

Lưu vực sông, vùng bờ biển và biển có mối quan hệ tương tác với nhau và vùng bờ biển là bộ phận rất quant rọng nằm chuyển tiếp giữa lưu vực sông và biển bên ngoài. Tuy nhiên, các hệ thống này lại thường được quản lý biệt lập. Vì thế, cần có những hiểu biết và cách tiếp cận tích hợp để lồng ghép quản lý lưu vực sông với vùng biển dựa trên mối liên kết sinh thái, thủy văn và kinh tế - xã hội.

Liên quan đến việc khai thác, sử dụng và quản lý vùng bờ biển Quảng Nam – Đà Nẵng, mặc dù đã có những nổ lực để trở thành “điểm sáng” trong phát triển chuỗi đô thị miền Trung trong tương lại, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – giảng viên Đại học quốc gia Hà Nội: “Vùng bờ biển là hệ thống tài nguyên “đa dụng” và chứa đựng yếu tố xuyên ranh giới. Tuy nhiên, phương thức sử dụng và quản lý các hệ thống tài nguyên này vẫn bị chia cắt, vẫn bỏ qua lợi ích dài hạn. Mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường bờ biển cũng như tranh chấp không gian vùng bờ trong quá trình phát triển ở hai địa phương có chiều hướng gia tăng, trong khi vấn đề thể chế và cơ chế chính sách quản lý vùng bờ còn nhiều bất cập”.

Quang cảnh hội thảo 
Quang cảnh hội thảo 

Về giải pháp quản lý, ông Hồi cho rằng: “Hiện nay, các địa phương vẫn áp dụng công cụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội truyền thống đối với vùng bờ nên chưa kết nối được quy hoạch sử dụng đất và sử dụng biển trong phạm vi vùng này dựa trên một khuôn khổ phát triển toàn diện, đặc biệt không tính đến và lồng ghép vào quy hoạch vùng bờ các tác động xấu từ trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.

Ở Việt Nam, quản lý tài nguyên nước không được thực hiện ở cấp lưu vực, dẫn đến mâu thuẫn giữa các ngành, lĩnh vực (nước sinh hoạt, thủy điện, tưới tiêu, giao thông thủy…) và giữa người sử dụng nước ở thượng nguyện và hạ nguồn về quyền sở hữu và ưu tiên. 

TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu - cũng có cùng chia sẻ về vấn đề này: “Chức năng sống của một lưu vực sông cần được nhìn toàn diện và rõ ràng khi phát triển lưu vực sông từ đầu nguồn đến vùng bờ biển. Tài nguyên nước của một con sông là tài sản, là nguồn sống của tất cả cộng đồng trên lưu vực và không thuộc quyền sở hữu hoặc ưu tiên cho bất cứ lợi ích của ngành dùng nước đơn lẻ nào”. 

Ông nhấn mạnh thêm, trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam không đến từ bản thân lưu vực Vu Gia – Thu Bồn. Sự phát triển thiếu bền vững mới chính là yếu tố làm suy giảm chức năng duy trì và sự sống của lưu vực”.

Khánh Hồng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm