Ninh Bình:
Kiểm tra các công trình nước sạch bị ô nhiễm
(Dân trí) - Để khắc phục tình trạng các công trình nước sạch nông thôn xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Bình đã lên kế hoạch tiếp nhận quản lý, đồng thời và kiểm tra, đánh giá các công trình nước sạch không đạt tiêu chuẩn.
Như Dân trí đã phản ánh, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 82 trạm cấp nước sạch nông thôn. Nhưng đến thời điểm này, đa phần các trạm cấp nước sạch này đều xuống cấp, nhiều trạm còn ngừng hoạt động. Do không có nước dùng nên nhiều hộ dân đành nhắm mắt dùng nước từ các công trình nước sạch xuống cấp, hoặc dùng nước mưa và nước giếng khoan.
Tiêu biểu nhất là tại trạm nước sạch ở thôn Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, người dân không chỉ bức xúc với tình trạng nước sạch bị ô nhiễm, đục ngầu, họ còn bức xúc vì phải mua “nước bẩn” với giá cao, gia đình nào dùng từ 10m3/tháng trở xuống thì giá là 6.800đ/m3, từ 10m3 trở lên thì giá tiền là 8.000đ/m3.
Ngay sau báo Dân trí đăng tải thông tin trên, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra, rà soát lại các công trình nước sạch. Đồng thời tiến hành kiểm tra lại thông tin về giá nước tại trạm nước sạch xã Yên Mỹ. Sau khi xác minh phía Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã có văn gửi về huyện Yên Mô và xã Yên Mỹ để làm rõ và giải quyết thực trạng đang tồn tại trên, nhất là việc bán nước cao hơn so với quy định của tỉnh Ninh Bình.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Minh, Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và về sinh môi trường nông thôn cho biết: “Ngay sau khi báo chí phản ánh về tình trạng trung tâm nước sạch của xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô xuống cấp, đồng thời việc bán giá nước cao hơn so với quy định, Trung tâm chúng tôi đã cử đoàn công tác xuống đánh giá thực trạng, tiến hành xác minh xem giá nước bán cho người dân ở đây. Sau khi phát hiện việc bán giá nước cao hơn so với quy định, chúng tôi đã gửi văn bản công sang huyện Yên Mô và xã Yên Mỹ xem xét giải quyết. Vì chúng tôi hiện nay chỉ gián tiếp quản lý, chứ không trực tiếp quản lý công trình nước sạch này, nên việc này phải nhờ huyện can thiệp”.
Cũng theo bà Minh cho biết, hiện nay cái khó của trung tâm là việc quản lý, trung tâm hiện nay chỉ quản lý theo hình thức gián tiếp, chứ chưa trực tiếp quản lý vận hành các công trình. Trách nhiệm chung của trung tâm chỉ là đôn đốc, thúc đẩy công nhân làm việc tại các công trình làm theo đúng kỹ thuật.
Theo báo cáo của Ban điều hành chương trình môi trường quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình, tỉnh đã xây dựng được 105 công trình nước sạch và hàng nghìn công trình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khơi, giếng khoan Unicef, bể nước mưa). Tuy số lượng nhiều, nhưng hiệu quả mang lại rất thấp, trong đó có nhiều lý do dẫn đến những tồn tại, hạn chế như: mô hình quản lý, công tác bảo dưỡng, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng nước chưa được thực hiện đúng quy định, giá nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ chi phí…
Năm 2014, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Kết quả kiểm tra tại 74/82 trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó có 3 trạm đang tạm ngừng hoạt động, 45/71 trạm cấp nước đang hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do thiếu biển báo giới hạn khu vực bảo vệ vệ sinh nguồn nước; 08/71 trạm cấp nước đang hoạt động có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước do có bến đò neo đậu và các hoạt động khác của người dân trong khu vực bảo vệ nguồn nước; 03/71 trạm có vệ sinh ngoại cảnh không đảm bảo, 46/71 trạm không có bộ phận kiểm soát chất lượng nước; 04/71 trạm có hóa chất xử lý nước đã hết hạn…
Trong quá trình công tác đoàn kiểm tra cũng đã lấy 140 mẫu nước tại 70 trạm cấp nước sạch nông thôn để xét nghiệm. Trong số 70 trạm cấp nước được lấy mẫu xét nghiệm thì có tới 59 trạm có kết quả không đạt như: trạm cấp nước xã Gia Hưng, Liên Sơn, Gia Phú, Gia Trung, huyện Gia Viễn, trạm cấp nước xã Trường Yên, Ninh Vân, Ninh An, huyện Hoa Lư, trạm cấp nước xã Đồng Phong, Phú Lộc, Xích Thổ, huyện miền núi Nho Quan…
Nhằm khắc phục những tình trạng đang tồn đọng trên, theo chủ trương của UBND tỉnh Ninh Bình, đối với 85 công trình nước sạch đang hoạt động sẽ giao cho doanh nghiệp quản lý 31 công trình, có nguồn vốn đầu tư từ WB (Ngân hàng thế giới - World Bank) và vốn của đơn vị tự có. Đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gồm 54 công trình sẽ giao cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình quản lý 30 công trình, còn lại các công trình quy mô cấp thôn xóm sẽ do xã quản lý.
Theo kế hoạch, thì từ nay đến cuối năm 2014 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp nhận 10 đến 15 công trình, đến năm 2015 dự kiến sẽ tiếp nhận đủ các công trình nước sạch nông thôn trên địa bàn do tỉnh tỉnh Ninh Bình giao.
Bà Minh cho biết thêm: “Hiện nay tại các công trình nước sạch nông thôn, các công nhân làm việc trong các công trình nước sạch chưa đáp ứng được trình độ kỹ thuật, hầu hết các trạm nước đều do xã hoặc do cá nhân đứng ra quản lý nên công nhân cũng do họ quản lý trực tiếp, chúng tôi cũng chỉ đôn đốc họ làm đúng chức năng nhiệm vụ. Sắp tới sau khi chúng tôi tiếp nhận 30 công trình do UBND tỉnh giao, chúng tôi sẽ đi vào kế hoạch bài bản hơn, công nhân được đào tạo đúng quy chuẩn. Nếu các công trình nước sạch nào không làm đúng nhiệm vụ, gây sai phạm 2 lần thì sẽ bị xử lý theo quy định”.
Đức Văn