Diện tích rừng đang tăng nhanh và ổn định

(Dân trí) - Độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng lên 41% vào đầu năm 2014. Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng bền vững.

Đó là thông tin do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn công bố tại Gặp mặt nhân kỷ niệm 55 Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959-28/11/2014) vừa được tổ chức sáng nay 28/11, tại Viện Điều tra, Quy hoạch rừng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (Ảnh: T. Nguyên)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (Ảnh: T. Nguyên)

“Diện tích rừng của nước ta đã tăng nhanh, ổn định trong thời gian qua, với độ che phủ tăng liên tục từ 28% năm 1942 lên 41% đầu năm 2014. Tình trạng vi phạm các quy định của phạp luật giảm dần về số vụ và giảm 80% diện tích rừng bị phá trái pháp luật trong 5 năm qua,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng, từ nay đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 44-45%.

Sau 55 năm, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuât lâm nghiệp tăng nhanh, đạt 5,9% năm 2013. Sản lượng gỗ rừng trồng mới năm 2000 đạt 1,7 triệu m3, đến năm 2014 rừng trồng đã cung cấp khoảng 10 triệu m3 và cây trồng phân tán cung cấp trên 2 triệu m3. Khai thác rừng tự nhiên được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng bền vững, sản lượng gỗ khai thác giảm từ 220.000 m3 năm 2009, xuống còn 160.000 m3 năm 2013 và dừng khai thác chính năm 2014.

Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đến nay, đồ gỗ Việt Nam đã xuất vào trên 100 nước và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng từ 250 triệu USD năm 2000 lên trên 6,2 tỷ USD vào năm 2014 và là ngành hàng có tỷ trọng xuất siêu cao nhất.

Nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Cà Mau có thu nhập tăng cao từ trồng rừng thâm canh; có hộ thu nhập từ 150-250 triệu đồng/1 ha sau 6 đến 10 năm.

Nhân dịp này, Tổng cục Lâm nghiệp cũng được trao tặng bức phù điêu với 30 chữ vàng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn (Ảnh: T. Nguyên)
Trao tặng phù điêu với 30 chữ vàng của Bộ trưởng Cao Đức Phát cho Tổng cục Lâm nghiệp (Ảnh: T. Nguyên)

Còn nhiều tồn tại…

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành lâm nghiệp còn nhiều tồn tại và đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn trước yêu cầu tái cơ cấu, phát triển bền vững. Tình trạng phá rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất, khai thác trái phép rừng để lấy lâm sản, nhất là gỗ quý hiếm; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, trong khi một bộ phận người dân thiếu đất sản xuất diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở các tỉnh Tây Nguyên; nhiều điểm nóng về phá rừng tự nhiên nghiêm trọng, kéo dài, chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong xã hội.

Chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm, có tới 80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo. Rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha rừng trồng mới đạt khoảng 7-8 triệu đồng/ha/năm, đa số người dân làm nghê rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của hộ nông dân miền núi.

Hơn nữa, quy mô sản xuất phổ biến còn nhỏ, thiếu tổ chức liên kết theo chuỗi, kết cấu hạ tầng yếu kém; công nghệ và quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lạc hậu. Năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam chỉ bằng 50% so với Phillipines, 40% so với Trung Quốc và 20% so với các nước EU; chất lượng, mẫu mã sản phẩm kém cạnh tranh,…

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm