Bảo tồn hệ động vật đa dạng, các loại thú quý hiếm tại Đắk Lắk
(Dân trí) - Đắk Lắk là tỉnh có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải xây dựng việc bảo tồn đa dạng sinh học vì hệ sinh thái đang đứng trước nguy cơ mất cân bằng và hệ thống động, thực vật đang dần bị mai một theo thời gian.
Ngày 24/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham vấn đối với dự thảo báo cáo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Theo báo cáo, Đắk Lắk với tổng diện tích tự nhiên khoảng 1,3 triệu ha, trong đó trên 550.000 ha là rừng, hiện có 9 hệ sinh thái rừng và 9 kiểu thảm thực vật rừng. Hệ sinh thái và các loài động thực vật ở Đắk Lắk đa dạng, phong phú, có nhiều loài thực vật quý hiếm như: cẩm lai, trắc, giáng hương, cà te, pơ mu, trầm hương…; nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như voi, bò tót, hổ, báo…
Kết quả tổng hợp danh mục động, thực vật hoang dã từ các khu rừng đặc dụng ghi nhận động vật có xương sống thuộc nhóm bốn chân có 618 loài thuộc các lớp thú, chim, bò sát, ếch nhái; thực vật có 1825 loài thuộc 187 họ, trong đó có nhiều loài hiếm đặc hữu của Tây Nguyên và đang có nguy cơ bị đe dọa.
Hệ sinh thái và các loài động thực vật tại Đắk Lắk đang đứng trước những nguy cơ cần phải bảo tồn khoa học và nghiêm túc do đang đứng trước những thách thức và nguy cơ mai một. Tại Đắk Lắk việc bảo tồn và khai thác giá trị đa dạng sinh học đã được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, triển khai bằng các đề tài nghiên cứu khoa học như: Bảo tồn voi, Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, Quy hoạch và phát triển hệ thống rừng đặc dụng…Những dự án này đã góp phần giữ được trạng thái cân bằng và lưu giữ được nhiều giá trị quý hiếm trong thời gian qua.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, cần phải xây dựng và triển khai quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, cần quy hoạch xây dựng và phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân, tuyên truyền vận động tham gia bảo vệ và phát triển rừng; có biện pháp ngăn chặn tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch xâm chiếm đất rừng trái phép để canh tác nông nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sỹ Lê Trần Chấn - Giám đốc Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học, cán bộ Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam, cho biết: Thời điểm hiện tại Trung tâm đã hoàn thành được việc đề xuất ra những khu vực cần phải bảo tồn là bảo tồn các hệ sinh thái, bảo vệ thành phần loài của hệ sinh vật và bảo tồn những loài quý hiếm có ý nghĩa về khoa học và kinh tế.
Thúy Diễm