YouTuber: Không chỉ là nghề kiếm tiền
(Dân trí) - Là người có năng khiếu chơi game, Trần Phạm Mạnh Hùng (21 tuổi, quê ở Tuyên Quang) đã mạo hiểm bỏ dở việc học tại một trường đại học ở Hà Nội để gắn bó với công việc của YouTuber.
"Bén duyên" từ sự đam mê
Bắt đầu với đam mê YouTube từ năm 16 tuổi, Trần Phạm Mạnh Hùng đã trải qua quá trình đầy khó khăn khi phải mày mò tự học về sáng tạo nội dung YouTube, bởi không có một trường lớp đào tạo nào.
Sau gần 2 năm học hỏi, kênh của Trần Phạm Mạnh Hùng dần thu hút sự chú ý và theo dõi của cộng đồng mạng. Tới nay, kênh của Hùng đã có hơn 1,1 triệu người đăng ký và đạt nút vàng của YouTube.
Hằng ngày, Trần Phạm Mạnh Hùng dành ra từ 6-8h để livestream và tham gia các trận đấu game. Thậm chí nhiều lúc còn phải luyện tập thêm ngoài giờ livestream, chơi game để nâng cao thứ hạng.
"Nghề này rất khốc liệt, có tính cạnh tranh cao. Để kiếm sống bằng nghề, đầu tiên bạn phải có tài năng thực sự. Kể cả là chơi game. Khi bạn nằm trong top những người đứng đầu ở khu vực thì mới có người xem", Trần Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
Khi được hỏi về thu nhập, YouTuber này không ngần ngại tiết lộ hiện công việc đã mang đến nhiều nguồn thu khác nhau để ổn định cuộc sống và tự sắm được xế hộp. So với lứa tuổi của Trần Phạm Mạnh Hùng, đây quả thực là một nguồn thu nhập đáng mơ ước.
Mới bén duyên vào nghề YouTuber với công việc đánh giá món ăn (review ẩm thực) được hơn 5 tháng, Nguyễn Minh Tiến (quê Nghệ An) đang có sự thuận lợi bước đầu.
Mỗi sản phẩm review ẩm thực được chàng trai này thực hiện dưới dạng video thực tế. Nguyễn Minh Tiến là nhân vật trải nghiệm, giới thiệu về hàng quán, địa chỉ, không gian quán, tương tác với chủ quán về cách thức chế biến, điểm nhấn của món ăn.
Sau đó, anh sẽ thưởng thức món ăn tại chỗ, nêu cảm nhận và những lưu ý cũng như nhận xét về hàng quán.
"Tôi không nghĩ rằng mình sẽ trở thành một YouTuber nổi tiếng nên ban đầu những video tôi tạo ra chỉ là để thỏa mãn đam mê của mình", Nguyễn Minh Tiến chia sẻ.
Thường xuyên ra sản phẩm mới, có lượng người xem đều đặn, nội dung chất lượng, mỗi tháng Tiến sẽ nhận được khoảng 10-15 triệu đồng từ YouTube.
Tốt nghiệp Đại học Công nghiệp, Lê Thành quyết định khởi nghiệp làm YouTuber với số tiền 5 triệu đồng tích cóp được. Kênh YouTuber của Lê Thành chuyên làm những clip về tuổi thơ, ghi dấu ấn bởi những hình ảnh bình dị, cuộc sống thường ngày của ngư dân vùng biển.
Thành chia sẻ, những ngày đầu bước chân vào nghề, khó khăn lớn nhất chính là sáng tạo nội dung video. Với mỗi sản phẩm, Lê Thành phải quay ít nhất 10 lần, mỗi lần mắc lỗi là một lần bấm máy quay lại, chưa kể thời gian dựng sẽ khoảng 2-3h hoặc lâu hơn.
"Cũng có lần tôi quay xong nhưng lại lỡ ấn nhầm nút xóa trên máy. Sau sự cố đó, khi dựng bài tôi luôn lưu trữ dữ liệu trong nhiều ổ cứng để có phương án dự phòng", Lê Thành cho biết.
Thường xuyên ra sản phẩm mới, đầu tư rất nhiều thời gian, thu nhập giúp anh duy trì được đam mê và trang trải cuộc sống.
Không chỉ là nghề kiếm tiền
Chia sẻ với PV về xu hướng xuất hiện nhiều nghề kiếm tiền trên mạng xã hội, ThS. Trần Minh Tuấn (giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng điều này chứng tỏ YouTuber không còn xa lạ với giới trẻ Việt, thu hút sự quan tâm của nhiều người.
"YouTuber dễ nổi tiếng nhưng cũng rất dễ có điều tiếng trong môi trường mạng xã hội mở. Chính vì vậy, những người làm YouTube cần xây dựng sự uy tín, không vì sự nổi tiếng và kiếm tiền bất chấp bằng cách đăng những nội dung phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam", ThS. Trần Minh Tuấn chia sẻ.
Ngoài những YouTuber khai thác những vấn đề tích cực của cuộc sống, mang đến các sản phẩm chất lượng, vẫn còn không ít kênh YouTube nhảm nhí, độc hại, phản cảm nhưng lại có lượt truy cập rất lớn.
Còn theo bà Trần Thị Tuyết Minh một nhà nghiên cứu xã hội học, trong thời đại công nghệ 4.0, mọi người có thể khám phá cả thế giới dễ dàng với chỉ một thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh hoặc iPad. Chính vì vậy, việc chọn lọc nên xem gì trên YouTube là vô cùng quan trọng.
"Người trẻ xem những nội dung YouTube kém lành mạnh, nhảm nhí, nó sẽ ảnh hưởng lớn tới nhận thức của các bạn, từ nhận thức sẽ dẫn tới hành động. Nhiều YouTube vì mục đích câu views nên đã có những nội dung phản cảm, khiến cho nhiều bạn trẻ học theo. Đây là điều hết sức nguy hiểm", bà Trần Thị Tuyết Minh cảnh báo.
Chính vì vậy, bên cạnh mục đích kiếm tiền, nhiều YouTuber cần chọn lọc và xem những nội dung có tính nhân văn, giá trị tích cực nhằm tác động tới người trẻ. "Đó cũng là cách làm cho thế giới xung quanh người trẻ cũng trở nên tốt đẹp hơn", bà Trần Thị Tuyết Minh gợi mở.