1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tổng LĐLĐ VN đề nghị “chốt” đàm phán lương tối thiểu vào năm 2020

(Dân trí) - Trả lời PV Dân trí, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) khẳng định quá trình đàm phán lương tối thiểu vùng 2020 có ý nghĩa quan trọng. “Lương tối thiểu cần thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư, đáp ứng được mức sống tối thiểu”.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động đánh giá về tình hình lương tối thiểu 2020.

Chia sẻ quan điểm tại buổi giao ban báo chí quý 1/2019 do Tổng LĐLĐ VN tổ chức chiều 4/4 tại Hà Nội, đại diện Ban Quan hệ lao động tại cuộc họp đã khẳng định việc đàm phán lương tối thiểu vùng 2020 cần phải đảm bảo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư.

Theo ông Lê Đình Quảng, đầu năm 2019, Tổng LĐLĐ VN đã thực hiện công tác giám sát việc thực hiện quy định về lương tối thiểu của Nghị định 141/2018/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Mức lương tối thiểu vùng năm 2019 tăng 5,3 % so với mức của năm 2018.

“Qua kiểm tra, đa số các doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm túc quy định” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Tổng LĐLĐ VN đề nghị “chốt” đàm phán lương tối thiểu vào năm 2020 - 1

Trong năm 2019, đại diện Ban Quan hệ lao động cho biết: Quá trình đàm phán và xác định lương tối thiểu vùng cho năm 2020 sẽ có thêm yếu tố mới. Trong bối cảnh đã có Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư, đến năm 2020, quá trình xây dựng tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Trước đó, Luật Lao động đã quy định vấn đề này. Nhưng do điều kiện kinh tế nên chúng ta chưa thể thực hiện được. Ngay cả mức tăng 5,3 % vừa qua, lương tối thiểu mới đáp ứng được khoảng 95 % mức sống tối thiểu của người lao động” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Việc còn lại là phải xác định rõ các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động để làm căn cứ tính lương tối thiểu. Ông Lê Đình Quảng cho rằng, cách xác định nhu cầu sống tối thiểu từ trước tới nay vẫn dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con.

Tổng LĐLĐ VN đề nghị “chốt” đàm phán lương tối thiểu vào năm 2020 - 2

Tuy nhiên, việc xác định luôn chịu sức ép từ quan điểm của nhiều cơ quan: Tổng cục Thống kê, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Tổng LĐLĐ VN, Bộ LĐ-TB&XH.

“Do đó, việc tranh cãi luôn xảy ra giữa các đơn vị liên quan. Cùng một “rổ hàng hoá” như vậy, nhưng nếu lấy tỷ lệ lương thực là 48 %, phi lương thực là 52 % thì giá của nhu cầu sống tối thiểu khác. Bởi vậy, cần phải có 1 cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức. Qua đó nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Liên quan tới thông tin về tình hình ngừng việc, đình công trong quý 1/2019, ông Lê Đình Quảng cho biết: “Quý 1/2019, cả nước có 53  cuộc đình công và ngừng việc, giảm 50 % so với cùng kỳ năm 2018. Số cuộc ngừng việc diễn ra không nhiều ở giai đoạn ngay trước và sau Tết Nguyên đán. Đây là tín hiệu đáng mừng. Điều này thể hiện vai trò công đoàn đối với người lao động, hóa giải được mâu thuẫn giữa chủ doanh nghiệp và người lao động ngay khi mới phát sinh” - ông Lê Đình Quảng cho biết.

Hoàng Mạnh