Bình Định:
Xuất ngoại để tạo lập sự nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình
(Dân trí) - Huyện Hoài Ân (Bình Định) là điểm sáng về xuất khẩu lao động. Đa số lao động đang làm hoặc đã về nước đều tích lũy vốn liếng tạo dựng sự nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Đều đặn gửi 30 triệu đồng/tháng về cho cha mẹ
Ngôi nhà 2 tầng khang trang nằm ngay trục đường chính thôn Thế Thạnh, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân (Bình Định) của gia đình ông Huỳnh Quốc Tuấn (66 tuổi) và vợ Trần Thị Phúc (62 tuổi) có công của 2 người con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
"Gia đình làm ruộng, nuôi 4 người con khôn lớn rất vất vả, nên không dư giả mà xây nhà cao cửa rộng. Khi các con lớn, vợ chồng tôi mới tích góp được một ít, còn lại nhờ vào các con đi lao động ở Nhật Bản gửi tiền về mới làm được căn nhà khang trang này", bà Phúc chia sẻ.
Theo bà Phúc, hơn 10 năm trước, Huỳnh Quốc Ảnh (39 tuổi, con trai đầu của ông bà) thuộc lớp trẻ đầu tiên ở địa phương đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Người con út Huỳnh Quốc Thiên (26 tuổi) học xong lớp 12 rồi đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, sau đó tiếp bước anh trai qua Nhật làm đến nay cũng được 5 năm.
"Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, có tháng, các con gửi về cho vợ chồng tôi 35 triệu đồng, giờ bình thường khoảng 20 triệu đồng/tháng. Để đi xuất khẩu lao động, các con vay vốn chính sách. Nếu làm ở quê chẳng biết khi nào tích góp được vài trăm triệu đồng. Vợ chồng tôi ở nhà làm máy xay xát gạo phục vụ bà con, làm thêm 5 sào ruộng cũng đủ sống. Tiền của con gửi về, vợ chồng tích góp mua cho cháu được căn nhà nhỏ ở TPHCM, đang cho thuê", bà Phúc phấn khởi.
Cũng nhờ tiếp cận được nguồn vốn qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Ân, bà Lê Thị Bích Hạnh (45 tuổi, thôn An Chiểu, xã Ân Phong) vay 70 triệu đồng cho con trai là Võ Văn Luận (24 tuổi) đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc từ năm 2021 đến nay.
"Đều đặn hàng tháng, con tôi gửi về nhà 30 triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền đầu tư kinh doanh và sửa sang nhà cửa. Do cháu làm việc chăm chỉ nên công ty ưu tiên tháng 12 âm lịch này được về thăm quê 1 tháng, bao tiền vé máy bay và thưởng 1 tháng lương", bà Hạnh vui vẻ nói.
Theo bà Hạnh, ngoài con trai, con rể của bà cũng đang lao động tại Hàn Quốc. Trong khi đó, con gái Võ Thị Thùy Linh (19 tuổi) chuẩn bị qua Hàn Quốc theo diện du học. Tất cả cũng nhờ tiền của người anh gửi về.
Điểm sáng Hoài Ân
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, tổng số trường hợp xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh tính đến nay khoảng 700 lao động, trong đó riêng huyện Hoài Ân có gần 200 lao động.
Ông Tạ Ngọc Định, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, cho hay từ đầu năm đến nay, đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động, đặc biệt, huyện vẫn dẫn đầu tỉnh Bình Định về xuất khẩu lao động với gần 200 người.
"Hoài Ân là cái nôi của xuất khẩu lao động, năm nào cũng dẫn đầu về chỉ tiêu tỉnh giao. Nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều hộ dân thoát nghèo, có vốn đầu tư mở cửa hàng buôn bán, mở trang trại", ông Định chia sẻ.
Ông Tô Hoài Vũ, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hoài Ân, cho biết lũy kế từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã cho vay 34 trường hợp, số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, tổng dư nợ đến nay hơn 5 tỷ đồng với 82 lao động. Hoài Ân mặc dù là huyện trung du nhưng là một trong 3 phòng giao dịch có số dư nợ lớn nhất tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Trần Văn Thơm, trong những năm qua, địa phương luôn được xem là điểm sáng vì có số lượng người xuất khẩu lao động cao nhất tỉnh Bình Định.
Xác định xuất khẩu lao động cũng là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững, huyện chú trọng đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận chương trình này.
"Địa phương thường xuyên phối hợp với các đơn vị tổ chức sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận với các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng. Nhất là xuất khẩu lao động tại các thị trường ổn định, thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản", ông Thơm cho hay.