1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Xuất khẩu lao động: Thiệt hại vì phí môi giới

Phí môi giới là khoản phí lớn nhất mà người lao động phải nộp để đi làm việc ở nước ngoài. Điều đáng nói là không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã tự đẩy mức phí này lên cao so với quy định, gây thiệt thòi cho người lao động.

Thị trường mới, lộn xộn phí

Theo phản ánh của một bạn đọc, Công ty CP Nhân lực Toàn cầu (Gmas) thông tin trên mạng chi phí đi làm việc ở Israel là 4.200 USD/người nhưng khi gọi điện thoại đến công ty thì nhân viên cho biết là 7.800 USD.

Vì sao có sự chênh lệch giữa rao tuyển và thực tế? Giải thích thắc mắc này, ông Đàm Trung Bắc, Tổng Giám đốc Gmas, cho rằng dù ở cùng thị trường nhưng chi phí cao hay thấp phụ thuộc vào từng đơn hàng, loại hình công việc.

Do vậy mới có sự chênh lệch như trên. Ông Bắc cho hay chi phí sang Israel theo các đơn hàng hiện tại của Gmas bình quân khoảng 6.000 USD – 6.500 USD/người.

Được biết, khoản chi phí cao hay thấp như trường hợp trên là do thỏa thuận về phí môi giới mà doanh nghiệp ký với đối tác ở Israel. Khi đăng ký hợp đồng với Cục Quản lý Lao động ngoài nước, các doanh nghiệp kê khai phí môi giới khoảng 2.000 USD/người.

Nhưng thực tế, ngoài khoản thu này, người lao động phải thỏa thuận thu ngoài, trực tiếp mang theo từ 2.000 USD – 3.000 USD để đưa cho người đại diện của công ty môi giới khi nhập cảnh Israel.
 
Xuất khẩu lao động: Thiệt hại vì phí môi giới  - 1
Cùng một thị trường nhưng chi phí cao hay thấp phụ thuộc vào từng đơn hàng, loại hình công việc.
 
Đó là lý do vì sao có doanh nghiệp rao tuyển lao động sang Israel với chi phí từ 7.000 USD trở lên. Chẳng hạn, tổng chi phí theo thông tin tuyển dụng của Công ty CP Xuất khẩu Lao động – Thương mại và Du lịch TTLC là 8.500 USD/người...

Cho đến thời điểm này, ngoài Gmas, TTLC, Cục Quản lý Lao động ngoài nước chỉ mới cho phép 4 doanh nghiệp là Sovilaco, Handico, Oletco và Công ty Hoàng Long được phép đưa lao động sang Israel. Mặc dù đang trong giai đoạn thí điểm nhưng hoạt động tuyển chọn của các doanh nghiệp đã có dấu hiệu của sự không thống nhất về phí, gây bất lợi cho người lao động.

Quy định một đằng, thu một nẻo

Hiện nay, thu phí môi giới đối với lao động đi làm việc ở nước ngoài được áp dụng theo Quyết định số 61 ban hành ngày 12/8/2008 của Bộ LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, mức phí quy định ở những thị trường được điều chỉnh theo quyết định trên đã bị đội lên nhiều trong thực tế.

Ở thị trường Úc, mức phí môi giới quy định là 3.000 USD/người nhưng khi vào doanh nghiệp, người lao động phải nộp từ 6.000 USD – 8.000 USD, nâng tổng chi phí lên khoảng 12.000 USD/người.

Ở thị trường Mỹ, phí môi giới thu thực tế còn cao hơn, từ 8.000 USD – 10.000 USD/người, khiến tổng chi phí bị đội lên khoảng 13.000 USD – 15.000 USD/người.

Ở các thị trường truyền thống, chuyện thu phí môi giới cao hơn quy định đã trở nên phổ biến. Trong hợp đồng đăng ký để được thẩm định, các doanh nghiệp khai phí môi giới đúng quy định 300 USD/người đối với lao động nam, 250 USD/người đối với lao động nữ sang Malaysia.

Nhưng ở hầu hết các doanh nghiệp, mức phí môi giới mà người lao động phải nộp cao hơn từ 50 USD/người trở lên.

Ở thị trường Nhật Bản, trước và sau khi Luật Quản lý Xuất nhập cảnh và công nhận tị nạn của Nhật Bản có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2010), dù chính phủ nước này nghiêm cấm các tổ chức phái cử, tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài thu phí môi giới nhưng để được đi, người lao động buộc phải nộp phí môi giới dưới hình thức phí khai thác thị trường hoặc thỏa thuận thu ngoài sổ sách từ 1.500 USD – 2.000 USD/người.

Thị trường bị lạm thu phí môi giới tràn lan nhất là Đài Loan. Theo quy định, lao động sang Đài Loan làm việc trong nhà máy, lĩnh vực xây dựng đóng phí môi giới 1.500 USD/người và lao động giúp việc gia đình, chăm sóc người bệnh 800 USD/người.

Nếu thu theo giá này, cộng với các khoản chi phí dịch vụ (thu trước một lần cho 3 năm làm việc), vé máy bay, tiền học tiếng... tổng chi phí của một người chỉ khoảng 3.000 USD – 3.500 USD, thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế từ 5.000 USD – 6.000 USD như hiện nay.

Qua mặt cơ quan chức năng

Quyết định 61 chỉ quy định mức tiền môi giới theo 39 ngành nghề ở 21 thị trường (ở những thị trường khác không nằm trong quy định, cơ quan chức năng xem xét mức phí dựa trên tình hình thực tế).

Sau hơn 2 năm triển khai, văn bản này đã không còn phù hợp thực tế, cần điều chỉnh cho phù hợp. Thế nhưng, Cục Quản lý Lao động ngoài nước vẫn áp dụng khung phí của Quyết định 61 để làm cơ sở thẩm định hợp đồng đăng ký của doanh nghiệp.

Theo đó, để được thẩm định hợp đồng, khi kê khai chi phí môi giới trong hồ sơ đăng ký, các doanh nghiệp đều ghi đúng mức phí môi giới theo quy định. Một phần chi phí không kê khai sẽ được doanh nghiệp thu ngoài sau khi hợp đồng được chấp thuận.

Rõ ràng, doanh nghiệp đã qua mặt cơ quan chức năng để được thẩm định hợp đồng. Trong bối cảnh mà cạnh tranh không lành mạnh để giành giật đơn hàng của doanh nghiệp tái diễn, cơ quan chức năng thiếu giám sát thực tế và văn bản quy định bị lỗi thời thì phần thua thiệt thuộc về người lao động là khó tránh khỏi.

Đưa tiền khi xuống sân bay

Thông thường, sau khi trúng tuyển, ký kết hợp đồng, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động về chi phí, những khoản nào có phiếu thu hợp lệ, những khoản nào thu ngoài sổ sách. Ngay từ sự thỏa thuận này, phần thiệt đã thuộc về người lao động. Điển hình như ở thị trường Đài Loan, khi xuất cảnh, mỗi lao động đều mang theo sẵn từ 1.500 USD – 2.000 USD phí môi giới thu ngoài để đưa trực tiếp cho người đại diện công ty môi giới khi vừa xuống sân bay.

 
Theo Mai Nguyễn
NLĐ