1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xuất khẩu lao động phải ký quỹ

(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ quy định cụ thể về mức trần tiền ký quỹ của người đi xuất khẩu lao động và quy định mẫu hợp đồng trong hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, hai vấn đề ký quỹ và mẫu hợp đồng này sẽ được quy định tại hai thông tư hướng dẫn điều 17 và điều 23 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và ban hành trong thời tới.

Đối với hợp đồng lao động, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, mặc dù Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được ban hành năm 2006 nhưng cho đến nay vẫn chưa có quy định chung về mẫu hợp đồng cung ứng lao động và mẫu hợp đồng xuất khẩu lao động.

Tiền ký quỹ sẽ được sử dụng khi lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp rủi ro, muốn trở về nước. Đặc biệt, đây cũng là một trong những biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng khi đi làm việc ở nước ngoài.
 
Thực tế  hiện các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thường căn cứ vào thực tiễn hoạt động và mẫu hợp đồng do đối tác cung cấp để đặt ra các tiêu chí, điều kiện hợp đồng theo cách riêng của doanh nghiệp. Điều này đã dẫn đến sự không thống nhất giữa các hợp đồng, làm phát sinh những tranh chấp không đáng có giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài cũng như giữa doanh nghiệp với người lao động.

Do tự thỏa thuận ký quỹ nên tại một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều hình thức ký quỹ khác nhau như giữ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất, giữ giấy tờ có giá trị… dẫn đến khi xảy ra những rủi ro trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài đã kéo theo những tranh chấp khó xử lý về bồi thường cho lao động, hoàn tiền kỹ quỹ…

Phạm Thanh