Xuất khẩu lao động: Nhiều tín hiệu khả quan

Năm 2012, dự báo, nhu cầu tiếp nhận tại các thị trường truyền thống sẽ tăng và một số thị trường tiềm năng mới sẽ được xúc tiến mở rộng.

Xuất khẩu lao động: Nhiều tín hiệu khả quan - 1
Dù gặp nhiều khó khăn, lượng lao động xuất khẩu vẫn vượt kế hoạch.

 

Trong năm nay, Việt Nam đề ra mục tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, tăng 5.000 người so với năm 2011.

 

Mặc dù thị trường lao động ngoài nước năm 2011 có nhiều diễn biến phức tạp như tình hình chính trị bất ổn tại Bắc Phi, Trung Đông, thảm họa về động đất, sóng thần ở Nhật Bản… song Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm ổn định và phát triển thị trường, quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.

 

Nhờ vậy, xuất khẩu lao động năm 2011 đã đạt 88.298 người, đạt 101,15% kế hoạch, một số thị trường truyền thống vẫn duy trì và phát triển, tiếp nhận một số lượng lớn lao động Việt Nam, một số thị trường có mức tăng trưởng cao so với năm 2010: Đài Loan tăng 36,8%, Nhật Bản tăng 42,3%, Hàn Quốc tăng 73,8%.

 

Nhu cầu tiếp nhận tăng

 

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2012, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

 

Các thị trường có yêu cầu chất lượng nhân lực không cao, thu nhập khá ổn định như Malaysia, Đài Loan… sẽ được xúc tiến đẩy mạnh. Hiện có khoảng 140 doanh nghiệp Việt Nam được phép đưa lao động sang làm việc tại Malaysia và đã có khoảng 200.000 lượt lao động sang làm việc tại Malaysia. Các lao động tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình.

 

Đây là thị trường lao động không hạn chế số lượng, chi phí thấp phù hợp cho lao động nông thôn có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Malaysia đang có nhu cầu nhận khoảng 10.000 lao động nước ngoài làm việc thu hoạch cọ với mức lương khoảng 300-600 USD/tháng.

 

Riêng thị trường Nhật Bản, một thị trường có hấp dẫn cũng đã thỏa thuận tiếp nhận y tá và hộ lý Việt Nam sang làm việc, mở ra một cơ hội mới cho lao động Việt Nam được sang làm việc với ngành nghề có thu nhập cao và khá được coi trọng tại Nhật Bản.

 

Năm 2012, thị trường Hàn Quốc cũng dành cho Việt Nam nhiều ưu đãi với chỉ tiêu lao động Việt Nam sang Hàn Quốc là 15.000 người. Trong đó, ngành sản xuất chế tạo là 11.700 người, xây dựng là 1.000 người, nông nghiệp là 1.000 người, ngư nghiệp là 1.300 người. Số lao động này đã hoàn tất kỳ kiểm tra tiếng Hàn và đang chờ được chủ sử dụng lao động lựa chọn. Năm nay, Hàn Quốc còn dành cho Việt Nam thêm 400 chỉ tiêu cho lao động kết thúc hợp đồng về nước đúng thời hạn được quay trở lại Hàn Quốc làm việc.

 

Đặc biệt, thị trường Libya sau một thời gian tạm ngưng, dự kiến đến tháng 6/2012, lao động Việt Nam tiếp tục trở lại làm việc. Theo Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Ngọc Quỳnh, đây là tin vui đầu năm mới bởi thị trường này đòi hỏi trình độ tay nghề phù hợp với lao động Việt Nam và có mức lương khá ổn định, đồng thời đáp ứng với nguyện vọng của đa số lao động vừa từ Libya trở về nước trước thời hạn vào đầu năm 2011.

 

Hướng tới các thị trường mới

 

Từ các thời cơ của thị trường, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2012. Để hoàn thành kế hoạch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị đề ra các giải pháp đồng bộ.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và  Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Bộ đã yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến thị trường ngoài nước, kịp thời đón nhận các hợp đồng tiếp nhận lao động, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn, phù hợp với trình độ của lao động Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục các hoạt động để mở các thị trường mới như Australia, Canada, Bahrain, Cộng hòa Séc…

 

Bên cạnh đó, sẽ chú trọng nâng cao năng lực các doanh nghiệp, cơ sở sự nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đầu tư xây dựng một số cơ sở chuyên đào tạo lao động.

 

Đặc biệt, cần theo dõi chặt chẽ tình hình lao động làm việc ở nước ngoài, bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời xử lý kịp thời những vi phạm kỷ luật của người lao động làm ảnh hưởng đến thị trường, theo dõi hỗ trợ và phát huy khả năng của lực lượng lao động này khi về nước.

 

Đồng thời, áp dụng các kế hoạch riêng cho từng thị trường. Ví dụ, đối với thị trường thị trường Nhật Bản, cần tăng cường quảng bá để các doanh nghiệp tiếp nhận thêm tu nghiệp sinh Việt Nam, chuẩn bị để triển khai chương trình đưa y tá và hộ lý sang làm việc theo thỏa thuận giữa 2 Chính phủ; với thị trường Hàn Quốc, cần áp dụng triệt để các biện pháp ngăn ngừa lao động bỏ trốn…

 

Theo Thu Cúc

Chinhphu.vn