Xuất khẩu lao động năm 2014: Bức tranh tương phản
(Dân trí) - Con số hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài tạo điểm nhấn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2014, vượt khoảng 20.000 người/năm trong vài năm qua. Nhưng năm 2014 cũng cho thấy điểm "tối" trong XKLĐ, như: Lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều ở Hàn Quốc, tỉ lệ lao động huyện nghèo đi XKLĐ thấp…
Những điểm sáng
Nếu như giai đoạn 2010-2013, mỗi năm trung bình Việt Nam đưa được 85.000 lao động đi làm việc tại 15 thị trường lao động nước ngoài. Nhưng tới 2014, con số này được Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông báo đã đạt mốc 106.840 lao động.
Điều này phản ánh chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác XKLĐ, những nỗ lực đáng ghi nhận của cơ quan quản lý, các công ty XKLĐ. Đồng thời cho thấy sự thay đổi trong tư duy của người lao động về quan niệm tìm kiếm cơ hội việc làm.
* Nhiều thị trường ổn định, mức lương hấp dẫn đã thu hút sự quan tâm của lao động Việt Nam. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) được đánh giá có tiềm năng nhất với ưu điểm: Khoảng cách địa lý không xa Việt Nam, mức lương cơ bản cho lao động khá (khoảng 600 USD/tháng) và hệ thống pháp luật về lao động đầy đủ và ổn định.
Tổng hợp của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho thấy, năm 2013 và 2014, số lao động Việt Nam sang Đài Loan đã tăng gấp hơn 1,5 lần và 2 lần so với kết quả năm 2010. Tới nay, lao động Việt Nam được các công ty XKLĐ trong nước phái cử sang làm việc tại Đài Loan đạt 62.000 người.
* Khu vực Đông Á, thị trường Nhật Bản có sức hút mạnh với nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, tuân thủ kỷ luật và thành thạo ngoại ngữ. Đặc biệt, các nhà thầu cần nhiều nhân lực để xây dựng các công trình của Thế vận Hội Tokyo năm 2020 đã tạo cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam.
Năm 2013, số thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đã đạt mức trên 10.000 người. Năm 2014, con số này đạt gần 20.000 lao động, tăng gấp 4 lần so với kết quả của năm 2010.
Về cơ bản, thu nhập bình quân của người lao động Việt Nam tại Ả rập Xê út đạt từ 400 - 600 USD/tháng. Lao động được cung cấp miễn phí chỗ ở, 3 bữa ăn/ngày, được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động.
Tháng 9/2014, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã ký với phía Ả rập Xê út thoả thuận về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm giúp việc gia đình tại Ả rập Xê út. Đây là bước pháp lý bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tương phản
Một trong những vấn đề nổi cộm trong XKLĐ năm 2014 là tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc. Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2011, 2012. Tới cuối năm 2013, Việt Nam đã ký với Hàn Quốc Bản ghi nhớ (MOU) có thời hạn 1 năm.
Thời điểm hiện nay hết hạn Bản ghi nhớ (MOU), tỉ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn vẫn gần 40 % (khoảng 14.000 lao động) - đứng đầu danh sách 15 quốc gia phái cử lao động làm việc tại Hàn Quốc.
Điều này khiến cơ hội xuất cảnh sang Hàn Quốc của nhiều lao động Việt Nam trong nước đang bị bỏ ngỏ.
Để hạn chế tình trạng này, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra nhiều giải pháp như: Đưa cán bộ tới 13 tỉnh, thành có nhiều lao động bỏ trốn để vận động gia đình lao động kêu gọi con, em về nước; xử phạt hơn 300 trường hợp không về nước; yêu cầu lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc đóng ký quỹ 100 triệu đồng/người.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất với Chính phủ cho phép cử đại diện sang Hàn Quốc để tới tuyên truyền các doanh nghiệp đang sử dụng lao động Việt Nam bỏ trốn. Tuy nhiên, diễn biến còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là ý thức tự nguyện về nước của người lao động bỏ trốn.
* Bên cạnh đó, năm 2014 là mốc đánh dấu 5 năm triển khai Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (Đề án 71).
Đề án 71 có số vốn hỗ trợ lên tới cả ngàn tỉ đồng, từng được nhìn nhận như là “đòn bẩy” giúp người dân huyện nghèo thoát cảnh nghèo. Nhưng kết quả thống kê cho thấy, dù đã đi được nửa thời gian thực hiện, số lao động các huyện nghèo đi XKLĐ mới đạt khoảng 10.000 người (30% mục tiêu đề ra).
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận thực tế kết quả XKLĐ của Đề án 71 chưa được như mong đợi, nhiều lao động người dân tộc bỏ dở chương trình học đi XKLĐ.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết nguyên nhân: Người dân tộc chưa quen với việc đi xa nhà thời gian dài; trình độ học vấn thấp khiến việc đào tạo cho người lao động còn khó khăn; doanh nghiệp XKLĐ ngại tham gia chương trình vì việc tiếp cận với địa bàn này xa xôi, đi lại khó khăn dù Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích…
* Năm 2014 cũng ghi nhận nhiều yếu tố rủi ro khách quan trong lĩnh vực XKLĐ. Thị trường lao động tại Lybia là ví dụ cụ thể. Thời điểm tháng 7/2014, Việt Nam có khoảng 1.700 lao động đang làm việc theo diện phái cử tại Lybia.
Khi tình hình Lybia bất ổn, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đưa toàn bộ lao động về nước trong khả năng nhanh nhất. Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Ngoại giao đã triển khai nhiều nỗ lực và biện pháp để hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH đã xin phép Chính phủ cho sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước để mua vé máy bay cho những lao động mà chủ sử dụng không có khả năng chi trả.
Ngày 22/9/2014, nhóm lao động cuối cùng tại Lybia đã về đến Việt Nam. Đến ngày 17/10/2014, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đã hoàn thành công tác hỗ trợ trực tiếp tới 1.751 lao động Việt Nam từ Lybia về nước trước thời hạn, với số tiền hỗ trợ là 3,9 tỉ đồng.
Hoàng Mạnh