Xuất khẩu lao động: Đi làm thuê, về làm chủ

Đồng Tháp tái khởi động lại chương trình đưa người lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”.

Công tác khuyến khích người lao động tham gia hợp tác lao động ở nước ngoài đang được các cấp chính quyền ở tỉnh Đồng Tháp quan tâm đặc biệt. Trong đó, xác định đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Hiện địa phương này đã tích cực triển khai xuống các xã phường, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực. Đồng Tháp đã tái khởi động lại chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”.

Với chỉ tiêu năm nay đưa 60 lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm, huyện Lai Vung đã đưa được 21 lao động xuất cảnh sang làm việc tại thị trường Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).
Xuất khẩu lao động: Đi làm thuê, về làm chủ
Quý 1 vừa qua, Đồng Tháp đã đưa được 197 lao động đi làm việc ở nước ngoài. (ảnh minh họa, nguồn khai thác)

Ngoài công tác tuyên truyền vận động, huyện còn thường xuyên tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho lao động trong độ tuổi. Công tác vận động lao động đi làm việc nước ngoài tuy có khó nhưng tất cả các địa phương trong huyện Lai Vung đều cố gắng, phấn đấu đạt chỉ tiêu của năm nay và còn chuẩn bị cho những năm tiếp theo. Bởi công tác này đã được xác định là giải pháp giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình theo hướng làm giàu, từ đó thúc đẩy địa phương phát triển.

Ông Đặng Thành Được, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Sẽ quán triệt sâu rộng trong nhân dân hiểu về chương trình này, theo hướng người thật việc thật, để ai có thiện chí làm giàu, đi làm thuê để về làm chủ thì tạo điều kiện cho họ đi xuất khẩu lao động”.

Còn tại thành phố Sa Đéc, sau khi tái khởi động lại chương trình, công tác vận động người lao động trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính khiến người dân không mặn mà là do tâm lý ngại đi xa, chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt, sợ học ngoại ngữ của nước sở tại và tốn kém chi phí khi xuất cảnh.

Trước thực trạng này, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương đã rà soát nắm chắc những hộ có nhu cầu để lập kế hoạch tư vấn giúp họ nắm rõ thông tin về thu nhập, quyền lợi của người lao động khi tham gia đi làm việc tại nước ngoài, cũng như chỉ tiêu, điều kiện, thời gian làm việc, phong tục tập quán của nước sở tại…. Nhờ đó, đã tạo tâm lý yên tâm cho bản thân người có nguyện vọng tham gia thị trường lao động nước ngoài và người thân của họ.

Anh Lê Thanh Hùng, ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông nói: “Qua hướng dẫn vận động của xã, gia đình cũng làm hồ sơ để đi xuất khẩu. Nhờ xã và Trung tâm hỗ trợ vay vốn 100%, qua bên đó làm công việc cũng ổn định, xuống sân bay có người đón đầy đủ, hướng dẫn chỗ ở, chỗ làm ổn định, được gọi điện thoại về nhà thường xuyên. Lương hiện tại theo hợp đồng ban đầu”.

Được biết, từ đầu năm đến nay, ở thành phố Sa Đéc có 9 lao động xuất cảnh sang làm việc tại thị trường Nhật Bản, Malaysia và 7 lao động đã trúng tuyển, 16 lao động đang học giáo dục định hướng và hàng chục lao động đăng ký tham gia thị trường các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...

Là địa phương được tỉnh chọn làm điểm trong công tác xuất khẩu lao động với chỉ tiêu năm nay của Tam Nông là 48 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng ngay trong quý 1 đã có 22 lao động xuất cảnh đạt tỷ lệ 45,8% so với chỉ tiêu cả năm. Trong đó, đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động đã hoạt động khá đều tay.

Thành viên nòng cốt của các đội là cán bộ hội, đoàn thể tại địa phương phụ trách địa bàn ấp. Qua đó công tác nắm tình hình và triển khai vận động gặp nhiều thuận lợi.

Ông Phùng Minh Đức, Trưởng phòng lao động thương binh và xã hội huyện Tam Nông cho biết: “Huyện sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh trực tiếp đến các xã thị trấn đồng thời củng cố nâng cao chất lượng của các tổ tư vấn thuộc các ngành huyện và các xã thị trấn để tư vấn thường xuyên cho người lao động".

Bằng hình thức cụ thể, gắn liền với thực tế nhu cầu của người lao động, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã và đang có sự chuyển biến rõ nét. Qua đó trong quý 1 vừa qua, Đồng Tháp đã đưa được 197 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với những chính sách ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ tư vấn đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…mục tiêu đưa 567 lao động đi làm việc ở nước ngoài của Đồng Tháp là hoàn toàn khả thi.
Theo Thanh Tùng/VOV - ĐBSCL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm