Đà Nẵng:
Xích lô thồ ế ẩm "ngóng khách"trong những ngày giáp Tết
(Dân trí) - Không như những năm trước, năm nay, những người lao động tự do như tài xế xích lô chờ hàng trên các con đường ở Đà Nẵng lại ngồi chơi dài, vì tình trạng ế khách dịp cuối năm.
Sáng ra ngồi "ngóng khách" rồi về
Mọi năm, những ngày giáp Tết, dòng người tấp nập đến chợ để mua bán, sắm sửa hàng hóa. Đây cũng là thời điểm những người lao động tự do như xe xích lô, xe máy thồ, đẩy hàng... kiếm tiền nhiều nhất trong năm bởi công việc khá bận rộn.
Tuy nhiên năm nay, khác với cảnh nhộn nhịp, hối hả của mọi năm, những người làm nghề đạp xích lô thồ chở hàng lại khá nhàn hạ. Dọc các tuyến phố trên TP. Đà Nẵng, rất dễ để bắt gặp tình trạng những tài xế xích lô tụm năm tụm ba để trò chuyện với ánh mắt buồn rười rượi vì chẳng có ai thuê.
Chú Đinh Văn Vượng (67 tuổi) một tài xế xích lô đậu trên đường Điện Biên Phủ (TP. Đà Nẵng) chia sẻ: "Hôm nào cũng vậy, tôi đều ra đây từ 7 giờ sáng và đậu đến tối mịt mới về nhà. Những năm trước, tôi đạp xích lô đi đón khách, chở hàng liên tục thì cũng có đồng ra, đồng vào".
Tuy nhiên, một năm trở lại đây, thu nhập của chú ngày càng giảm sút, nhất là sau đợt dịch Covid-19 bùng phát thì cuộc sống ngày càng khó khăn hơn."Mọi năm vào thời điểm gần Tết thì ngày ít nhất cũng được 1-2 cuốc, nhưng năm nay đến bây giờ mà chưa thấy ai ngó tới", chú Vượng than thở.
Cùng chung tính trạng "ế khách", chú Trần Ngọc Hải (72 tuổi) một người hành nghề xích lô thồ đã hơn 30 năm nay cho biết. Đây là lần đầu tiên chú thấy không khí ế ẩm, vắng vẻ như thế này tại Đà Nẵng.
Thời điểm này so với những năm trước là chú chỉ muốn có sức để đạp cho kịp những chuyến hàng, nhưng năm nay có lẽ ngồi một chỗ mà chơi dài.
"Mấy năm khách đông, tôi chở hàng từ sáng đến gần khuya mới về nhà. Nhưng nay gần đến Tết rồi mà ngày đi được 1-2 chuyến, thậm chí có ngày ra ngồi ngóng khách cả buổi rồi về vì không có chuyến nào hết", chú Hải bộc bạch.
Chú Hải cho biết thêm, tiền công vận chuyển được tính theo đoạn đường đi và trọng lượng của hàng hóa. Ngày thường thì mỗi chuyến người đạp xích lô chỉ lấy 20 đến 30 ngàn cho đoạn đường gần, còn xa thì số tiền tăng lên 1 ít. Bình quân mỗi ngày những người đạp xích lô thồ chỉ kiếm được 100 ngàn đổ lại, vừa đủ để trang trải cuộc sống.
Duy trì chén cơm nhờ… "mối ruột"
Ở TP. Đà Nẵng, xích lô thồ thường tập trung tại các con đường lớn như Điện Biên Phủ, Hùng Vương… các khu nội thất, cửa hàng vật liệu xây dựng và các khu chợ Hàn, chợ Cồn,…
Khách hàng thuê chở hàng hóa thường là các tiểu thương tại các khu chợ, hoặc chủ nhà cần mua tủ, gương, đồ dùng nội thất…Vì gọn gàng nên xích lô thường được dùng để chở những vật dụng nhỏ, lẻ và phải vào trong các con hẻm mà các loại xe lớn không thể vào được.
Chú Thân Tri (64 tuổi) người có 30 năm thâm niên chạy xích lô thồ chở hàng hóa tại khu vực Q. Thanh Khê cho biết: "Mỗi năm cứ vào dịp cuối năm là lúc chú thường bận rộn nhất. Vì trong khoảng thời gian này, người dân sửa chữa và sắm sửa đồ dùng trong nhà nên cần vận chuyển. Nhưng năm nay kinh tế ai cũng khó khăn, nên ít người mua sắm đồ đạt mới, nên xích lô cũng"ế" theo".
Mặc khác, ngày nay ô tô tải ra đời với các loại dịch vụ phục vụ tận nhà nhanh chóng, giá cả lại phải chăng nên dọn nhà hoặc chở các vật liệu số lượng lớn thì các cửa hàng đều gọi ô tô tải để nhanh chóng và hiệu quả hơn. Còn các mặt hàng kích thước và khối lượng nhỏ phải di chuyển sâu vào trong hẻm thì mới gọi xích lô.
Ông phân trần: "Năm ni gần Tết mà"ế khách" quá,giờ chủ yếu nhờ mấy mối quen kêu chạy chở hàng đồ vải, chở thùng xốp nhờ vậy cũng có thêm chút đỉnh đồng ra. Hi vọng vài ngày nữa sẽ có nhiều người thuê chờ đồ hay chở cây cảnh về trang trí nhiều hơn để có có tiền mà sắm Tết", chú Tri tâm sự.
Xã hội phát triển và các dịch vụ vận tải bằng công nghệ là lẽ tất nhiên. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc "chén cơm" của các bác xích lô đang dần vơi đi và chịu ế ẩm.
Đối mặt với nhiều khó khăn, nhọc nhằn, cơ cực, niềm vui bình dị của các bác xích lô chỉ là những lúc "mối ruột" gọi điện thoại, kêu chở hàng liên tục. Và họ chỉ mong hằng ngày, công việc của họ cứ quần quật, miệt mài được đạp những vòng xe lăn bánh trên những con phố Đà Nẵng để có thể có một cái Tết ấm no hơn.